Là một người sống ở Việt Nam gần 30 năm, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) Hong Sun chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển của Việt Nam từ sau đổi mới đến nay.
Ông nhận định Việt Nam có nhiều điểm chung về xuất phát điểm với Hàn Quốc trước kia và cho rằng cần có chiến lược để vươn lên trở thành một nước phát triển trong tương lai.
ĐẦU TƯ VÀO KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
Ông Hong Sun cho rằng trong giai đoạn hiện tại, Việt Nam cần đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ để xây dựng các doanh nghiệp lớn, vươn tầm quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.
Ông nhận định trong số những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp sản xuất, mà chủ yếu là các lĩnh vực như bất động sản, dịch vụ…, lại càng hiếm doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất vươn ra tầm quốc tế.
Lý do mà các doanh nhân Việt Nam không quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, bởi lợi nhuận không cao như lĩnh vực khác. Thông thường, ông cho biết ở Hàn Quốc, lợi nhuận của sản xuất khoảng 2-5%, cao nhất cũng chỉ khoảng 10%. Trong khi đó, ở Việt Nam lãi suất ngân hàng thường khá cao, nên không nhiều doanh nhân bỏ một số tiền lớn ra đầu tư rồi thu về lợi nhuận thấp.
Ngoài ra, việc vươn lên trở thành một doanh nghiệp sản xuất mạnh cần khá nhiều thời gian và sự kiên trì. Ông này lấy ví dụ, các doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung, LG đã đi theo các doanh nghiệp này hàng chục năm, sản xuất từ những thiết bị cơ bản nhất, sau đó nâng dần năng lực lên.
Ví như một linh kiện bên trong chiếc điện thoại rất nhỏ nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, phức tạp, không nhiều doanh nghiệp trên thế giới làm được. Nếu thiết bị ấy có vấn đề thì toàn bộ chiếc điện thoại sẽ hỏng, ảnh hưởng rất lớn. Do đó, ông nhấn mạnh với những phụ kiện phức tạp, kỹ thuật cao thì cần nỗ lực rất lâu dài của doanh nghiệp, có thể đến 20-30 năm mới có thể làm được.
Vị này cũng đề xuất doanh nghiệp Việt Nam có thể "đi tắt đón đầu", bằng con đường M&A (mua bán, sáp nhập). Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm cách mua cổ phần, thậm chí là mua lại các doanh nghiệp sản xuất Hàn Quốc, dần dần chuyển giao công nghệ và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"BÀN TAY" HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC
Phó chủ tịch Korcham cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách mạnh để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Đầu tiên là cần có một hàng rào chính sách bảo hộ doanh nghiệp trong nước phát triển. Thực tế hiện tại, nhiều công ty đa quốc gia có lợi thế sản xuất hàng hóa rẻ theo quy mô, nên khi tràn vào Việt Nam, doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp không cạnh tranh được thì sẽ không thể phát triển nền sản xuất trong nước. Do đó, cần phải có "bàn tay" hỗ trợ của Chính phủ.
Ông lấy ví dụ, trong số những ngành sản xuất, Việt Nam có thể chọn ra một số ngành có thế mạnh để đầu tư và bảo hộ. Ví dụ như sản xuất xe nâng là một trong những mặt hàng quan trọng vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa có thể xuất khẩu. Xe nâng cũng là loại hàng hóa phức tạp, cần rất nhiều linh kiện và phụ tùng.
Việt Nam có thể ưu đãi sản xuất phụ tùng của xe nâng trong nước. Với thiết bị nhập khẩu sẽ đánh thuế rất cao. Ngoài ra, những loại phụ tùng mà trong nước chưa thể sản xuất ngay được thì có thể giảm thuế, nhưng sau đó nâng dần lên để tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Ông Hong Sun chỉ ra bài học từ Hàn Quốc là người dân ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa do nước này sản xuất để từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp vươn lên. Ông nhớ lại trước kia, các cơ quan Chính phủ của Hàn Quốc không dùng xe nhập khẩu. Các doanh nhân Hàn Quốc cũng không dùng hàng ngoại nhập mà ưu tiên hàng nội địa.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa cũng phải cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa lên, từng bước làm hài lòng người tiêu dùng.
Phó chủ tịch Korcham còn nhấn mạnh Việt Nam cần quan tâm đến giáo dục, xây dựng các trường đại học lớn, uy tín đào tạo sâu về lĩnh vực kỹ thuật cao. Các trường đại học này sẽ bổ trợ cho các tập đoàn lớn phát triển, vươn cao trong các lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng Việt Nam cũng có thể phát triển nông nghiệp công nghệp cao, do điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nông dân thì đông. Lĩnh vực này Việt Nam có thể làm ngay, vươn ra toàn cầu.
Xem thêm: mth.71402453121010202-hnam-taux-nas-peihgn-hnaod-gnuhn-oc-nac-man-teiv/nv.ymonocenv