Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung là một doanh nhân khá đặc biệt. Xuất thân từ nhà khoa học, với số vốn khởi nghiệp ban đầu là 300 triệu đồng, chỉ nhờ bán thiết bị làm giá đỗ, Công ty Toàn Diện của vị Tiến sĩ đã có doanh thu hàng chục tỉ đồng trong 3 năm.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13.10, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung, người vẫn được giới nghiên cứu khoa học gọi là "tiến sĩ giá đỗ, tăm tre".
Bài học lớn nhất anh nhận được khi từ bỏ môi trường nhà nước, từ nhà nghiên cứu chuyển hướng sang kinh doanh là gì?
Làm doanh nhân, cái khó nhất là phải từ bỏ cái tôi cá nhân. Kinh doanh không phải bán cái mình thích mà phải bán cái thị trường cần. Mặc dù học và nghiên cứu chuyên ngành về công nghệ Nano, nhưng tôi đi sản xuất tăm nguyên sinh và thiết bị trồng giá đỗ. Nghe có vẻ nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa thực tiễn lớn.
Trước đây tôi có thời gian dài làm việc ở Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có nhiều bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Nhưng tôi không muốn chỉ nghiên cứu cái gì cao siêu, tham gia đề tài lớn rồi để vào ngăn kéo. Tôi thích kinh doanh và muốn những nghiên cứu của mình đưa được ra xã hội thực sự.
Anh có tự ái không khi người ta gọi mình là "Tiến sĩ giá đỗ", "Tiến sĩ tăm tre"?
Tôi là Tiến sĩ về Vật liệu và Linh kiện Nano nhưng mọi người thường gọi vui là "Tiến sĩ giá đỗ". Ban đầu, để vượt qua chính mình rất khó vì mọi người thường nghiên cứu thứ gì cao siêu, bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Nhưng càng về sau, với những thành công đạt được, tôi biết giá trị của mình ở đâu. Dù chỉ là cái tăm nhỏ bé nhưng thị trường rất lớn. Nếu sản xuất được cái tăm không có hoá chất độc hại và tốt cho sức khoẻ người Việt thì điều đó có ý nghĩa lớn.
Khó khăn lớn nhất anh gặp phải khi khởi nghiệp là gì?
Ban đầu khi tôi mang công trình nghiên cứu sản xuất thiết bị ủ giá sạch đến gọi vốn nhưng thầy giáo lắc đầu bảo tôi nghiên cứ thứ nhỏ bé quá, không ai bỏ tiền đầu tư cho dự án của tôi. Cuối cùng tôi vay mượn với vốn ban đầu bỏ ra khoảng 300 triệu. Sau 3 năm, doanh nghiệp của tôi có doanh thu vài chục tỷ đồng. Khi công ty đã vận hành ổn định, tôi đang tập trung phát triển dự án mới liên quan đến thương mại điện tử.
Vậy thiết bị trồng giá đỗ của anh có gì đặc biệt để bán được ra thị trường và có doanh thu cao như vậy?
Nếu làm giá sạch theo phương pháp truyền thống, cứ 1kg đỗ sẽ cho từ 5-6 kg giá sạch. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc kích thích, sản lượng có thể lên đến 8 - 10 kg. Nhưng với dụng cụ làm rau giá sạch của tôi, bà con vẫn có thể thu về sản lượng tương đương mà chất lượng rau giá ngon, ngọt hơn trông thấy.
Ý tưởng sáng tạo ra thiết bị trồng giá đỗ đến tình cờ khi tôi quan sát bà con ở quê trồng giá đỗ bị hỏng rất nhiều. Mỗi ngày có hộ gia đình sản xuất cả tấn giá, nếu hỏng sẽ mất cả chục triệu đồng. Không chỉ có vậy, trên thị trường gần như 100% quy trình sản xuất rau giá truyền thống đều sử dụng đến chất kích thích tăng trưởng.
Trăn trở của tôi không chỉ còn dừng lại ở việc giúp bà con cải thiện tỉ lệ hư hỏng trong quá trình làm rau giá, mà tìm ra giải pháp loại bỏ tình trạng sử dụng chất kích thích.
Tôi ra chợ hỏi các chị bán rau là làm thế nào phân biệt được đâu là rau sạch và rau bẩn. Câu trả lời của chị bán hàng rau làm thay đổi hoàn toàn tư duy kinh doanh của tôi. Lúc đó chị ý trả lời “Chị chẳng tin ai, chỉ tin mỗi chị”. Điều này khiến tôi chuyển hướng kinh doanh sản xuất thiết bị làm giá cho hộ gia đình thay vì sản xuất thiết bị cho hộ kinh doanh.
Anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ khởi nghiệp?
Một bạn trẻ là thí sinh tham gia chương trình Sáng tạo Việt tâm sự với tôi: “mục đích nghiên cứu của em là thoả mãn đam mê và muốn nâng cao trình độ”. Nhưng tôi nói em nên thay đổi mục tiêu là “em phải kiếm được tiền”. Khi kiếm được tiền, em sẽ phải thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Bán được nhiều sản phẩm, em vừa có tiền mà sản phẩm của em giúp ích cho xã hội.
Các Start-up thường bí vốn khởi nghiệp. Vậy anh có kinh nghiệm gì chia sẻ?
Start up hãy dùng nguồn tài chính ít nhất có thể, thay vì cần 100 triệu, hãy suy nghĩ thêm để bắt đầu từ 80 triệu, rồi suy nghĩ thêm để rút xuống còn 60 triệu. Với start up, đừng bao giờ coi gánh nặng tài chính là lớn nhất. Thời kì đầu tôi rút tiền từ tài khoản Visa để mua đồ làm thí nghiệm. Tài chính không phải là bước cản đầu tiên. Mình cần có giải pháp tối ưu nhất để thực hiện. Sau đó, bước tiếp theo đưa sản phẩm thương mại hoá.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Doanh nhân - Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung sinh năm 1980 tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Từ năm 2002-2008, là cán bộ nghiên cứu tại Viện khoa học Vật liệu, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Năm 2016, giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ- Đại học Quốc gia Hà Nội và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Vật liệu và Linh kiện Nano.
Từ năm 2016 anh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Xưởng Cơ khí điện tử, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Truyền thông công nghệ, thuộc Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
TS Chung có hơn 10 sản phẩm khoa học công nghệ đang được thương mại hóa và 5 bằng Sở hữu trí tuệ đã được Cục SHTT Việt Nam công nhận.
Xem thêm: odl.253448-nahn-hnaod-hnaht-ort-ert-mat-od-aig-is-neit/et-hnik/nv.gnodoal