Hậu Giang ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp bền vững
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp bền vững.
Mời xem chi tiết 30 chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 của Hậu Giang
mục tiêu của địa phương trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tại buổi lễ khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 13-10, ở địa phương này, ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, mục tiêu của địa phương trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo ông Thanh, địa phương cũng đặt mục tiêu huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.
Một trong các nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện mục tiêu nêu trên, theo ông Thanh, đó là tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy sức mạnh tổng hợp mọi thành phần kinh tế; tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, có chính sách quan tâm doanh nghiệp tư nhân; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với các tỉnh, thành trong khu vực; chủ động và tích cực trong liên kết vùng, hội nhập quốc tế.
Mặt khác, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, địa phương cũng sẽ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để làm cơ sở nâng cao năng suất lao động và thu nhập bình quân cho nhân dân.
Song song đó, sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cũng là những nhiệm vụ chủ yếu được tỉnh Hậu Giang đề ra để thực hiện các mục tiêu nêu trên.
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu lần XIV nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương |
Tỉnh Hậu Giang cũng đề ra ba nhiệm vụ đột phá, bao gồm thứ nhất là xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy bộ quan trọng để kết nối. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp.
Thứ hai, tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách của địa phương, đặc biệt là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác, dễ tiếp cận, chi phí thấp.
Thứ ba, thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp….
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: Duy Khương |
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, địa phương đã đạt được nhiều điểm sáng nổi bật về phát triển kinh tế, đô thị, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và giáo dục đào tạo… “Những kết quả đạt được nêu trên là nguồn lực quan trọng, tạo tiền đề để Hậu Giang tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới”, ông Châu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Châu, Hậu Giang vẫn còn là tỉnh nghèo; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là phải ứng phó với xâm nhập mặn, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng. “Các lĩnh vực kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn yếu kém, thiếu tính liên kết; vị trí của Hậu Giang trong các quy hoạch phát triển vùng cũng chưa rõ nét; chất lượng đội ngũ cán bộ còn chưa đồng đều, một số cán bộ thiếu quyết liệt, sáng tạo, năng động trong thực hiện nhiệm vụ; sự phối hợp trong công việc đôi khi chưa thực sự nhịp nhàng”, ông Châu nêu thực trạng.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức Trung ương phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Duy Khương |
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức Trung ương tại Đại hội khi nói về kết quả của nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP của Hậu Giang đạt khá, bình quân 6,3%/năm. Quy mô kinh tế tăng gần 1,5 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực khi tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị nông sản và hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giá trị sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng bình quân 9,87%/năm, trong đó, ngành công nghiệp chế biến giữ vai trò trụ cột. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân đạt 7,64%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán hàng năm.
Theo ông Chính, cải cách hành chính của tỉnh Hậu Giang cũng chuyển biến tích cực, hiệu quả khi công tác quản lý nhà nước được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người, rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh với cả nước.
“Những thành tựu đó đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tạo tiền đề quan trọng cho tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới”, ông Chính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Chính đánh giá, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội có mặt còn lúng túng, bị động; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; quy mô kinh tế nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp (năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hậu Giang xếp ở vị trí 42/63 tỉnh, thành cả nước).
Theo ông Chính, sản xuất nông nghiệp của Hậu Giang còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển thiếu bền vững; hợp tác, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ; công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chưa tạo được bước phát triển đột phá; chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm.
Từ thực trạng như vậy, ông Chính đề nghị, Đại hội tập trung thảo luận kỹ những hạn chế, yếu kém, phân tích sâu sắc hơn về công tác xây dựng Đảng; làm rõ nét hơn về nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Xem thêm: lmth.gnuv-neb-peihgn-gnon-peihgn-gnoc-neirt-tahp-neit-uu-gnaig-uah/543903/nv.semitnogiaseht.www