vĐồng tin tức tài chính 365

Ba thành phố Nhật Bản cạnh tranh để trở thành trung tâm tài chính quốc tế

2020-10-13 17:24

Ba thành phố Nhật Bản cạnh tranh để trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Tokyo, Osaka và Fukuoka sẽ cạnh tranh với nhau để giành vị trí trung tâm tài chính quốc tế mới trong một kế hoạch phát triển do Thủ tướng Yoshihide Suga đề ra. Nhật Bản có thể “sẽ được tái sinh, thành một thị trường đầy sức sống và thu hút với đội ngũ chuyên gia tài chính nước ngoài”, ông Suga trả lời báo chí tuần rồi.

Thành phố Fukuoka thành lập nhóm hành động Team Fukuoka với hy vọng đánh bại Tokyo và Osaka - Ảnh: Nikkei Asia

Không ưu tiên thành phố nào

Nhật Bản nhận ra cơ hội vươn lên thành trung tâm tài chính thế giới sau những biến động tại Hồng Kông. Các quỹ quản lý tài sản nước ngoài đã quyết định rời lãnh thổ này sau khi luật an ninh mới có hiệu lực cuối tháng 6-2020. Ngay từ tháng 6, nội các của cựu thủ tướng Shinzo Abe đã tìm cách trải thảm đỏ chào đón những doanh nghiệp này.

Kế hoạch của ông Suga bao gồm thu hút lao động tay nghề cao trên khắp thế giới bằng ưu đãi thuế và các quy định di trú đặc biệt được áp dụng trên toàn Nhật Bản. Nhưng chỉ thành phố nào có thành tựu nổi bật mới được sự hỗ trợ tập trung của chính phủ để trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

“Dĩ nhiên, tôi mong đợi nhiều nhất đối với Tokyo”, ông phát biểu. Tuy nhiên, Thủ tướng Suga cũng đề cập các kế hoạch “tạo ra một môi trường giúp cải thiện các hoạt động tài chính trên toàn Nhật Bản”. Các nhà phân tích cho rằng có khả năng trung tâm tài chính quốc tế sẽ là một thành phố khác.

Trước đây, Tokyo luôn là sự lựa chọn của các sáng kiến của chính phủ về tạo lập một trung tâm tài chính toàn cầu với lý do: Đây là nơi tập trung mật độ cao các đại bản doanh và chi nhánh của các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn. Thủ đô Nhật Bản cũng có chế độ thị thực đặc biệt dành cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, thành phố lớn nhất Nhật Bản lại đang tụt hậu. Chỉ số Global Financial Centers Index công bố vào tháng 9 rồi đã xếp New York, London và Thượng Hải dẫn đầu. Tokyo bị tụt một hạng, xếp thứ tư. Một số chỉ trích nói rằng thuế cao và rào cản ngôn ngữ là hai trong số các nguyên nhân chính khiến Tokyo mất điểm trong mắt giới tài phiệt ngân hàng và tài chính quốc tế.

Ông Suga đã cam kết “giải quyết nhanh chóng các vấn đề, bao gồm thuế, các yêu cầu về định cư và hỗ trợ thủ tục bằng tiếng Anh”.

Cả Nhật Bản thay đổi

Cả ba thành phố Nhật Bản phải đua tranh với Đài Bắc, Seoul và Singapore để trở thành trung tâm tài chính quốc tế mới sau khi Hồng Kông mất dần hấp lực của mình. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc đua của riêng ba thành phố trên, mà là sự chuyển mình của cả xứ sở thần Mặt trời.

Đó là sự thay đổi não trạng lớn đối với hệ thống thuế khóa đầy phiền phức. Tờ Nikkei Asia đã mỉa mai với một bài báo có tựa “Nhật Bản không ưa người giàu, nhưng lại muốn trở thành trung tâm tài chính toàn cầu”.

Các chi tiết cho kế hoạch của Thủ tướng Suga sẽ sớm công bố. Cải cách về thuế cho năm tài khóa 2021 dự kiến sẽ giảm thuế thu nhập và thuế di sản cho chuyên gia nước ngoài, cũng như thuế doanh nghiệp nước ngoài. Ngân sách hỗ trợ người nước ngoài nói tiếng Anh và nới lỏng về các quy định định cư cũng sẽ được thảo luận.

Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính (FSA) ngay từ thời ông Shinzon Abe đã lặng lẽ soạn thảo những thay đổi về thuế trong năm tài khóa 2021. Các đề nghị bao gồm giảm thuế đối với các quỹ quản lý tài sản, và đưa các chi phí trả lương và phụ cấp cho nhân viên cấp cao vào các khoản khấu trừ thuế.

“Không cho phép các công ty chưa lên sàn chứng khoán đưa các khoản lương và phụ cấp của quản lý cấp cao vào khấu trừ thuế là điều lạ lùng ở một nền kinh tế phát triển. Đây là lý do tại sao CEO các định chế tài chính lớn ở châu Á không muốn chọn Nhật Bản để sinh sống”, Nikkei Asia viết.

FSA cũng đang đề nghị giảm nhẹ thuế di sản bằng cách cho phép đặt ra ngoại lệ: chuyên gia nước ngoài không có thẻ định cư sẽ không bị đánh thuế các tài sản họ mang vào Nhật Bản khi đến đây làm việc.

Thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ được giảm. Hiện Nhật Bản “đánh” không thương xót đối với người nước ngoài: 33% đối với mức thu nhập hàng năm là 10 triệu yen (khoảng 90.000 đô la) và 45% đối với mức 100 triệu yen (tức 900.000 đô la). Mức thuế tương tự như vậy ở Singapore là 15% và 22%, trong khi Hồng Kông đánh đều 17%. Thuế lợi vốn ở Nhật Bản là 15% - nhưng Singapore và Hồng Kông lại miễn thuế.

Một vấn đề trầm kha khác là Nhật Bản đang bị các nước châu Á bỏ xa về công nghệ và số hóa. Số hóa và hệ thống vận hành thị trường chứng khoán mượt mà, không sự cố đang trở thành những vấn đề lớn cho cả ba thành phố muốn trở thành thủ đô tài chính, đặc biệt sau sự cố kỹ thuật ngày 2-10 khiến Thị trường Chứng khoán Tokyo (TSE) ngừng hoạt động nguyên ngày, ảnh hưởng đến các sở giao dịch chứng khoán khắp Nhật Bản.

Đây là không phải là lần đầu tiên TSE bị trục trặc kỹ thuật. Tháng 11-2005, TSE ngừng hoạt động nửa ngày do lỗi phần mềm. Tháng sau, hệ thống TSE bị lỗi khiến hãng chứng khoán Mizuho Securities thiệt hại lớn do không sửa được sai sót khi đặt lệnh mua trước đó. Gần nhất là tháng 10-2018, hệ thống dữ liệu của Merrill Lynch Japan Securities quá tải khiến cả mạng lưới TSE ngừng giao dịch. FSA cũng dự định hợp nhất bốn sàn chứng khoán ở Nhật Bản làm một vào năm 2022.

Tokyo về đêm. Thủ đô của Nhật Bản đang chạy đua với Osaka và Fukuoka trong nỗ lực thu hút nhân tài và nguồn lực ngành ngân hàng và tài chính thế giới - Ảnh: Reuters

Ráo riết tranh đua

Hai thành phố Osaka và Fukuoka đang chạy đua với Tokyo trong nỗ lực thu hút các công ty tài chính toàn cầu.
“Giành được địa vị của thủ đô tài chính quốc tế vô cùng quan trọng. Và Osaka đặt mục tiêu chiếm lĩnh trung tâm của cái nôi tài chính châu Á”, Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura phát biểu.

Osaka đang hợp tác SBI Holdings, hãng môi giới trực tuyến đã quyết định rời Hồng Kông trở về quê nhà. Hãng này vạch kế hoạch tạo một trung tâm tài chính gồm Osaka và Kobe. Chủ tịch SBI Yoshitaka Kitao cũng đã hội kiến ông Suga, trao đổi các quan điểm và tầm nhìn của công ty. Chính quyền Osaka và SBI đang vận động hành lang để chính phủ trung ương cải cách thuế và đơn giản hóa thủ tục visa.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra lợi thế chính trị của Osaka. Thành phố là bản doanh của Nippon Ishin no Kai, một đảng chính trị có mối quan hệ mật thiết với ông Suga. Mối quan hệ này thể hiện rõ đến nỗi các thành viên của Đảng Dân chủ Tự do đương nhiệm đều nhận ra.

Fukuoka, nằm ở phía Nam đảo Kyushu, thành lập nhóm hành động có tên Team Fukuoka để săn đón các tập đoàn tài chính nước ngoài. Nhóm này sẽ tận dụng vị trí địa lý đối với các nước châu Á khác để chiêu dụ nhân tài và nguồn vốn. Team Fukuoka đang nghiên cứu các ưu đãi thuế và nâng cấp các tiện nghi công cộng dành cho người nước ngoài nói tiếng Anh – một điều mà Nhật Bản bảo thủ và đầy tinh thần dân tộc đã ngó lơ trong nhiều thập niên qua.

Fukuoka lại có một lợi thế khác: Đây là thành phố quê hương của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Ông Yutaka Aso – anh trai của ông Aso - lại là chủ tịch nhóm hành động Team Fukuoka và cũng là chủ tịch đương nhiệm của Liên đoàn kinh tế vùng Kyushu.

Tokyo lại đề cao sự hấp dẫn của thành phố lớn nhất Nhật Bản. Mục tiêu biến thành phố thành trung tâm tài chính toàn cầu là một trọng tâm trong kế hoạch phát triển của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike kể từ khi bà nhậm chức năm 2016.

Tokyo sẽ đánh giá lại kế hoạch thu hút người nước ngoài vào mùa thu 2021. “Các điều kiện xoay quanh phát triển dịch vụ tài chính quốc tiếp tục là trọng tâm. Ý định của tôi là sẽ bồi đắp thêm những thành quả mà Tokyo đã đạt được để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giữa các thành phố ”, bà Koike phát biểu trong một cuộc họp gần đây.

Tokyo luôn được xem là có thuận lợi lớn, nhưng cuộc đua chỉ mới bắt đầu. Các công ty Nhật Bản đang đa dạng hóa văn phòng làm việc của mình và có xu hướng rời xa thủ đô đất chật và vật giá đắt đỏ. Luồng di cư rời Tokyo của giới văn phòng là hệ quả tất yếu của dịch Covid-19.

Xem thêm: lmth.et-couq-hnihc-iat-mat-gnurt-hnaht-ort-ed-hnart-hnac-nab-tahn-ohp-hnaht-ab/663903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ba thành phố Nhật Bản cạnh tranh để trở thành trung tâm tài chính quốc tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools