vĐồng tin tức tài chính 365

Hàng nghìn hộ dân bị 'treo' quyền tách thửa, xây nhà

2020-10-14 11:09

Tại buổi tọa đàm "Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới" gần đây, nhiều người dân cầu cứu các sở ngành vì gia đình có đất hợp pháp nhưng không được tách thửa, xây nhà ở kiên cố lâu dài dẫn đến không thể bán tài sản để giải tỏa khó khăn. Quyền lợi của người dân bị gác lại trong thời gian dài vì vướng quy định không được tách thửa đối với đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới theo Quyết định 60.

Ông Nguyễn Hoàng Kha có mảnh đất tại phường Trường Thạnh, quận 9 cho biết, nhiều năm nay nộp hồ sơ xin tách thửa nhưng bị vướng Quyết định 33 quy định diện tích đất tách thửa phải có nhà mới được giải quyết. Đến khi Quyết định 60 của UBND TP HCM ra đời, ông Kha tiếp tục nộp hồ sơ và hy vọng được gỡ nút thắt cũ vì quy định "có nhà mới được tách" đã bỏ.

Tuy nhiên, sau nhiều lần nộp hồ sơ, ông Kha vẫn bị vướng vì đất thuộc khu dân cư xây dựng mới, nằm trong diện không được tách thửa theo Quyết định 60. Đến nay, nhu cầu làm đường dẫn vào nhà của gia đình ông cũng phải gác lại, vì phải chờ khi nào được tách thửa mới được đầu tư đường vào nhà.

Ông Kha cho rằng, rơi vào cảnh này, muốn giao dịch nhà đất cũng không. Vì không cho người dân tách thửa, họ không mua bán gì được trong khi khó khăn do đại dịch khiến nhiều hộ gia đình muốn có tiền để trang trải cuộc sống, giải quyết khó khăn tài chính. "Chờ Quyết định 60 để gỡ vướng việc tách thửa đã 3 năm, từ kỳ vọng bây giờ tôi rất thất vọng", ông Kha cho hay.

Đất nền khu Đông TP HCM. Ảnh: Vũ Lê.

Đất nền khu Đông TP HCM. Ảnh: Vũ Lê.

Cũng lâm cảnh cười ra nước mắt vì vướng đất dân cư xây dựng mới, bà Vũ Thị Thanh Hà, ngụ quận Thủ Đức, kể có miếng đất ở phường Linh Đông, diện tích 150 m2. Phía trước nhà đã có đường hiện hữu khoảng 5 m nhưng vẫn không thể tách thửa để chia cho con do đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới. Không được tách thửa, gia đình bà quyết định xây dựng nhà trên đất để cho thuê kiếm thêm thu nhập trong thời gian dịch Covid-19 nhưng chỉ được cấp phép xây dựng tạm và buộc phải cam kết tháo dỡ.

"Đất hỗn hợp, đất trong khu dân cư xây dựng mới vẫn là đất ở. Vậy vì sao cấp phép xây dựng tạm, trong khi 3 bề tứ phía xung quanh lại được cấp phép xây dựng chính thức", bà Hà đặt vấn đề.

Bà dẫn chứng một căn nhà khác ở phường Tam Bình của mình có diện tích 90 m2 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vị trí đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới nên chỉ được cấp phép xây dựng tạm dù đường phía trước nhà rộng lên đến 30 m. Những nhà xung quanh thì xây dựng kiên cố từ trước đó. "Giấy tờ đất được UBND cấp, đến lúc xin giấy phép xây dựng chỉ là giấy tạm. Chúng tôi kêu trời không thấu", bà Hà bức xúc.

Trường hợp bị treo quyền lợi do vướng quy định tách thửa như ông Kha, bà Hà không phải cá biệt tại TP HCM. Theo dữ liệu Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố có gần 14.000 ha đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, chủ yếu tập trung trong 310 đồ án quy hoạch được lập, thẩm định và phê duyệt từ năm 2013 đang treo vì Quyết định 60.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) xác nhận hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn thành phố đang bị tước quyền tách thửa, xây nhà, bán tài sản trong khi đây là nhu cầu thiết yếu và chính đáng của người dân. Nguyên nhân là vướng những quy định chưa phù hợp thực tiễn như: không cho tách thửa "đất ở xây dựng mới", "đất sử dụng hỗn hợp".

Chủ tịch HoREA cho rằng, cụm từ "đất ở hỗn hợp và đất xây dựng mới" trong Quyết định 60 không có căn cứ pháp luật nên cần được bỏ. Hàng nghìn người bị khốn khổ vì quy định này. Việc áp dụng quy định không phù hợp nếu một nền nhà có 80-100 m2 mà chỉ cho phép xây dựng 50% thì sao nói là đảm bảo quyền lợi của người dân.

15 năm qua, TP HCM đã có 3 quyết định về tách thửa đất bao gồm Quyết định 19, sau đó sửa thành Quyết định 33 và mới đây nhất là Quyết định 60 có hiệu lực từ ngày 1/2/2018. Quyết định 60 đã góp phần chặn đứng nạn đầu nậu núp bóng chủ đất để phân lô bán nền trái phép. Nhưng hiệu ứng phụ của quyết định này cũng gây không ít khó khăn cho rất nhiều người.

Ràng buộc này đã làm ách tắc hoạt động tách thửa đất trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành trong hơn hai năm qua. Hệ lụy là làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nhu cầu tách thửa của các cá nhân, hộ gia đình.

Ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng quản lý thực hiện quy hoạch Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM, cho biết Quyết định 60 ra đời không hạn chế quyền lợi của người dân nếu đất có quy hoạch chức năng là đất ở. Đất dân cư xây dựng mới nhằm để cho các nhà đầu tư nhìn bản đồ tổng thể có thể thấy được và phân kỳ đầu tư thực hiện chứ không phải hạn chế quyền lợi của người dân. Vậy để giải quyết bài toán giữa nhà lập quy hoạch, nhà quản lý và quyền lợi của người dân, nên đề xuất, hiến kế ra giải pháp cho nhà quản lý.

Ông Phong khẳng định, việc quy hoạch đã lập từ rất lâu theo Luật Xây dựng, đến năm 2013 phủ kín toàn bộ đất đô thị tại TP HCM và thuật ngữ đất hỗn hợp, xây dựng mới đã sử dụng đến nay. Sở Quy hoạch Kiến trúc có kế hoạch tổng rà soát nhưng cần phải có con số cụ thể, trường hợp và vị trí cụ thể để báo cáo chi tiết. Các quận, huyện cũng cần có báo cáo khảo sát tình hình cụ thể tại địa phương và đề xuất hướng giải quyết, từ đó các sở ngành trình thành phố điều chỉnh.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc tách thửa cho biết đang nỗ lực tìm hướng giải quyết vướng mắc cho người dân. Ông Dư Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM xác nhận, sở đang dự thảo sửa đổi Quyết định 60, trong tháng 10/2020 sẽ gửi lại các quận huyện để lấy ý kiến, sau đó trình UBND TP HCM ký ban hành.

Định hướng sửa Quyết định 60 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân muốn tách thửa, đồng thời đáp ứng được sự quản lý của nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị. Qua đó, có thể giải quyết được những vướng mắc, ách tắc nhiều năm qua.

Trung Tín

Xem thêm: lmth.3236714-ahn-yax-auht-hcat-neyuq-oert-ib-nad-oh-nihgn-gnah/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Hàng nghìn hộ dân bị 'treo' quyền tách thửa, xây nhà”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools