Ông Trần Thế Thuận, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Từ thực trạng này, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận đề xuất có nghị quyết chuyên đề về văn hóa nghệ thuật cho TP.HCM.
Trình bày tham luận tại đại hội đại biểu đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, ông Trần Thế Thuận cho rằng trong những năm qua, nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực văn hóa và thể thao chưa ngang tầm với các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ông Thuận dẫn chứng TP hiện đang quản lý chủ yếu là những công trình được xây dựng từ hơn chục năm qua. Số lượng các công trình thể dục thể thao tính trên đầu người của TP.HCM là thấp nhất trong các TP trực thuộc Trung ương (tỉ lệ khoảng 1,5 công trình/vạn dân).
TP mới chỉ có 15 công trình thi đấu đạt chuẩn quốc tế và hiện vẫn chưa có một trung tâm văn hóa, khu liên hợp thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn để tổ chức chương trình có quy mô lớn theo yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ông Thuận cho biết thời gian qua Sở đã phối hợp triển khai các công trình trọng điểm mang tính biểu tượng của TP theo hình thức đầu tư công như: Dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc - vũ kịch; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ; Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao thành phố; Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng; Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống…
Riêng trong năm 2020, khởi công xây dựng mới 3 công trình: Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ.
Theo ông Thuận, trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, các dự án văn hóa và thể thao gặp khó về nguồn vốn đầu tư; UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư trên 10 dự án theo hình thức xã hội hóa, đối tác công tư. Trong đó, các dự án trọng điểm như: Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các dự án trong Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Nhà thi đấu thể dục thể thao tổng hợp và thi đấu Futsal, sân vận động 50.000 chỗ có bố trí đường chạy điền kinh, Học viện Bóng đá…).
Tuy nhiên, các dự án này hiện nay đều vướng mắc về cơ sở pháp lý vì Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2020 quy định lĩnh vực văn hóa, thể thao không thuộc đối tượng được áp dụng thực hiện.
Trước thực trạng khó khăn trên, ông Thuận cho rằng TP.HCM cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa và thể thao TP thực hiện những bước đột phá mới.
Cụ thể, ông Thuận kiến nghị TP ban hành một nghị quyết chuyên đề về văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2020 - 2035 và một nghị quyết chuyên đề về thể dục thể thao giai đoạn 2020 - 2035 cho TP.HCM, trong đó có phân kỳ giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045.
TTO - Tại Đại hội đại biểu đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn đã đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu công việc cạnh tranh tích cực với lao động từ mọi quốc gia trên thế giới.