Ông Trump đang nghe CEO hãng dược Gilead Sciences, ông Daniel O'Day nói về cách sử dụng thuốc remdesivir trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Phòng bầu dục, Nhà Trắng, Washington, Mỹ ngày 1-5 - Ảnh: Financial Times
Theo báo Financial Times, kết luận từ một nghiên cứu lâm sàng do WHO thực hiện cho thấy thuốc remdesivir không có hiệu quả đáng kể nào với cơ hội sống sót của những người bệnh COVID-19.
Remdesivir là một thuốc kháng virus, đây cũng là loại thuốc đầu tiên được dùng điều trị bệnh COVID-19. Sau khi ông Trump bị mắc COVID-19 gần đây, remdesivir cũng là một trong những thuốc đã được dùng để điều trị cho tổng thống Mỹ.
Báo Financial Times dẫn các kết quả từ chương trình thử nghiệm lâm sàng có tên Solidarity của WHO, trong đó đánh giá mức độ hiệu quả điều trị của bốn phác đồ điều trị thuốc khác nhau, bao gồm remdesivir, hydroxychloroquine và kết hợp các thuốc chống HIV là lopinavir/ritonavir với interferon trên 11.266 người bệnh nhập viện.
Theo đó, các thuốc hydroxychloroquine và lopinavir/ritonavir đã dừng thử nghiệm từ tháng 6 sau khi được chứng minh không có hiệu quả, nhưng các thử nghiệm khác vẫn còn tiếp tục tại hơn 500 bệnh viện và 30 quốc gia.
Từ đây, nghiên cứu của WHO nhận thấy không có liệu pháp điều trị nào trong đó "giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong" hoặc giảm nhu cầu sử dụng máy thở ở người bệnh COVID-19.
Theo hãng tin Reuters, WHO từ chối bình luận về bài báo của Financial Times, nói rằng các kết quả trong nghiên cứu mà tờ báo này đề cập vẫn chưa được công bố.
Đầu tháng này, hãng dược Gilead nói thuốc remdesivir do họ phát triển có thể giúp rút ngắn thời gian hồi phục của người bệnh xuống 5 ngày khi so với với những người bệnh không dùng thuốc trong nghiên cứu tiến hành với 1.062 bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu này cũng đã được công bố trên tạp chí y khoa danh giá New England Journal of Medicine.
TTO - Tính đến 6h ngày 29-7, thế giới đã có gần 17 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới. Mỹ tiếp tục ghi nhận trên 50.000 ca bệnh mới hằng ngày. Các khu ổ chuột của thành phố Mumbai của Ấn Độ đã có hơn nửa dân số mắc COVID-19.