Ngày 16-10, trên con đường nằm dọc sông Bồ, hàng chục chiến sĩ công an, người dân tập trung tại căn nhà cấp 4 để dựng rạp, chuẩn bị tổ chức đám tang cho vị lãnh đạo huyện đã ra đi trong vụ sạt lở tại Tiểu khu 67.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Bình (42 tuổi), Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đi cùng đoàn cứu nạn vào thủy điện Rào Trăng 3 thì bị nạn.
Góc nhà cấp 4 sập sệ của gia đình ông Bình. Ảnh: BÙI TOÀN.
Một người giản dị, vì dân
Càng về trưa, mưa càng nặng hạt, không khí tang thương phủ khắp con đường dọc tuyến sông Bồ. Những chiến sĩ công an, hàng xóm vẫn dầm mưa để vận chuyển vật liệu, dựng rạp chuẩn bị đón vị chủ tịch huyện về làm lễ an táng.
Ông Đức (hàng xóm của ông Bình) túc trực ở con đường để thông ống cống vì ngập nước, phụ giúp lực lượng công an bưng bê vật liệu, máy nổ để chuẩn bị đám tang. Ông cho hay: Những ngày mưa lũ, ông Bình luôn đi công tác, tham gia chỉ đạo cứu hộ lũ lụt trên địa bàn nhưng ông không hề nghĩ người hàng xóm của mình gặp nạn.
“Đến ngày 13-10, lúc tôi đang dọn dẹp nhà cửa thì con tôi bảo “chú Bình gặp nạn”, lúc đấy tôi cực kỳ sốc và không tin chuyện đó là sự thật" - ông kể.
“Ông ấy sống rất tốt, sao lại thế?” - ông nghẹn giọng.
Ông cho biết: Ông Bình là lãnh đạo của một huyện nhưng cuộc sống hết sức giản dị, luôn hòa đồng với mọi người xung quanh. Gia đình ông Bình hiện có một người mẹ đã hơn 70 tuổi, vợ và hai con sống trong ngôi nhà cấp 4.
Hàng xóm tới dựng rạp tổ chức tang lễ cho ông Bình trong sự tiếc thương vô hạn. Ảnh: BÙI TOÀN.
Thời điểm mưa lũ, căn nhà ông Bình thấm dột khắp nơi, nước ngập đến tận cửa nhưng khi nghe tin sự cố sạt lở ở thuỷ điện, ông đã tham gia công tác cứu nạn.
“Bình mới làm Chủ tịch UBND huyện Phong Điền được hơn một tháng thì đã gặp nạn. Ở nhà, nó là một đứa sống rất tình nghĩa, hàng xóm có chuyện cần nhờ là nó giúp nhiệt tình mà không màng đến cái gì cả. Không chỉ bản thân tôi, mà nhiều người trong xóm này rất tiếc vì Bình ra đi khi tương lai mở rộng phía trước” - ông nói.
Ra đi để lại hai con thơ
Là cấp dưới của ông Nguyễn Văn Bình, anh Hoàng Nguyễn Vĩnh Lộc (ngụ tại thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vẫn còn bàng hoàng khi đến dự đám tang của một người bạn, người sếp của mình.
Ông Đức hàng xóm kể về sự giản dị, sống rất hoà đồng và gia cảnh của ông Bình. Ảnh: BÙI TOÀN.
“Là một người đã từng học chung lớp với Bình, tôi rất hiểu tính của Bình. Trong công việc, cậu ấy là một người lãnh đạo giỏi, luôn có tư duy rất dân chủ. Các hoạt động giúp dân, hỗ trợ bão lụt, Bình đều tích cực tham gia” - anh Lộc chia sẻ.
Sau khi biết tin tìm được thi thể 13 người gặp nạn trong đoàn cứu hộ, anh Lộc luôn có mặt tại gia đình ông Bình để phụ giúp đám tang cho người bạn của mình.
Khoảng sân trước căn nhà cấp 4 đang được dựng rạp để tổ chức đám tang cho Bình sau khi Quân khu 4 làm lễ truy điệu chung cho 13 nạn nhân tại Bệnh viên Quân y 268.
“Bình đi rồi, bây giờ chỉ còn lại mẹ già, vợ và hai con nhỏ, không biết cuộc sống của họ sẽ như thế nào đây” - anh Lộc vừa nói vừa rớm nước mắt.
Huyện Phong Điền vẫn tiếp tục mưa, có lúc rất nặng hạt...
Trước đó, ngày 12-10, ông Bình cùng đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế vào cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3. Rạng ngày 13-10, khu vực đoàn đang nghỉ tại Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng thuộc Tiểu khu 67 thì bị sạt lở khiến 13 người hi sinh, trong đó có ông Bình. |