Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2020, trong đó nhận định GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5-3,0% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới.
Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 7, WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 2,8% năm 2020 - mức cao thứ năm thế giới. Tuy nhiên, dự báo này được đưa ra khi chưa tính đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng.
Kinh tế Việt Nam đã phục hồi trong quý 3 với mức tăng trưởng đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng 0,39% của quý 2 bất chấp dịch Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận.
WB nhận định tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý 3 vững chắc hơn nhờ tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi trong tháng 9 so với tháng 8.
"Nền kinh tế tăng trưởng 2,1% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đạt 7% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu", báo cáo của cho cho biết.
9 tháng đầu năm, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,8 tỷ USD, một phần nhờ mức thặng dư 2,8 tỷ USD trong tháng 9. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 8% so với cùng kỳ tháng trước, trong khi hàng nhập khẩu tăng 10,7% so với tháng 8.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 9 đã tăng trở lại mức tháng 4 và tháng 5, tăng gần gấp đôi so với tháng 8. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng số vốn FDI cam kết giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, WB nhận định đây vẫn là kết quả rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự đoán giảm từ 30-40% theo dự báo mới nhất của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
Dù đưa ra dự báo tích cực, WB cảnh báo Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới việc giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính trước những bất ổn cả trong và ngoài nước.
Cách đây vài ngày, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar (2%).
Nhiều chuyên gia tài chính cũng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm nay. Chiến lược gia trưởng Ruchir Sharma của Morgan Stanley thậm chí cho rằng Việt Nam có thể trở thành "kỳ tích châu Á" tiếp theo.
"Việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 3%/năm. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm", Sharma nhận xét.
Xem thêm: mth.38913500171010202-0202-man-gnort-3-52-gnourt-gnat-man-teiv-oab-ud-bw/nv.ymonocenv