Để trình diễn trên sân khấu, chị em khuyết tật phải tập luyện rất vất vả, học từng động tác múa đương đại - Ảnh: HÀ THANH
"Tôi từng bị xâm hại", cô gái 26 tuổi mở đầu câu chuyện đời mình tại lễ tổng kết dự án "XX HEROES" (tạm dịch: Nữ chiến binh) ngày 17-10. Dự án do nhóm bạn trẻ "Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á" (YSEALI) với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ phối hợp cùng UNDP tổ chức.
Tại lễ tổng kết, chị em khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An cùng nhau kể lại câu chuyện đời mình, đứng trên sân khấu múa ca, sải bước biểu diễn thời trang. Vượt lên tất cả, họ cùng nhau nắm chặt tay hòa nhập với cộng đồng. Phía dưới sân khấu, nhiều giọt nước mắt đã rơi.
Phía dưới sân khấu, nhiều giọt nước mắt rơi khi lắng nghe câu chuyện của phụ nữ khuyết tật trải qua bạo lực, xâm hại tình dục - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Tú (tên nhân vật đã được thay đổi) có gương mặt thanh tú nhưng đôi mắt bị khuyết tật bẩm sinh, chính điều này khiến cô chẳng thể chống cự trước sự xâm hại.
"Tôi bị xâm hại tình dục bởi bạn rất thân của bố mình khi 5 tuổi. Ông ta thường đến nhà với bánh kẹo, những món đồ chơi cùng cách đối xử mực thước dành cho gia đình tôi… Lần đó, bố mẹ đi vắng nên gửi tôi sang cho ông ta trông hộ. Từ sáng tới chiều, tôi đều chơi trong nhà và thi thoảng nói chuyện cùng cô - vợ ông ta.
Đến chập tối, cô ấy phải lên công ty để hoàn tất các công việc đột xuất nên dặn tôi ở nhà vì bố mẹ tôi tối muộn mới xong việc và đến đón. Vợ vắng mặt, ông ấy gọi tôi vào trong buồng, bảo trong ấy có nhiều kẹo, bánh lắm.
Vừa cầm chiếc kẹo, ông bế thốc tôi lên và đè ra giường. Khác hẳn hình ảnh người chú nhẹ nhàng, ấm áp trước kia, tôi sợ hãi khóc thét lên thì bị cảnh cáo: "Câm miệng lại", "Cởi quần áo ra".
Vừa quát, ông ấy vừa nhét giẻ vào miệng, bắt tôi chịu đựng biết bao sự giày vò đến từ ông ta. Tôi hoảng loạn tột độ nhưng quá yếu ớt...".
Câu chuyện về "Tuổi thơ dữ dội" của Tú mở đầu cho tập san được giới thiệu ngay tại lễ tổng kết. Bởi vượt qua sự mặc cảm, sợ hãi, giờ đây Tú can cảm để kể chuyện với mẹ, với các bạn khuyết tật và nay là chia sẻ trước cộng đồng.
"Dẫu vết thương ấy chưa hoàn toàn ngủ yên nhưng tôi biết, đối diện với nỗi đau sẽ giúp tôi trưởng thành và dần vượt qua nó", Tú chia sẻ.
Các thành viên tham gia dự án XX HEROES mong muốn chuyển tải thông điệp về phòng chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật đến cộng đồng - Ảnh: HÀ THANH
Ra đời từ tháng 10-2019, dự án "XX HEROES" mong muốn chuyển tải thông điệp về phòng chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật đến cộng đồng.
Chị Nguyễn Ngọc Lan, quản lý dự án, nhớ lại những ngày đầu chị em đến với dự án không ai chịu lên tiếng, chỉ cần nghe đến câu chuyện tình dục hay xâm hại tình dục thôi thì tất cả con mắt đều cụp xuống.
"Có những câu chuyện thực sự đáng buồn, bởi khuyết tật nói chung và người phụ nữ khuyết tật nói riêng thực sự rất yếu thế, gặp nhiều cản trở hòa nhập cộng đồng. Với những câu chuyện các chị chia sẻ trong nước mắt, kể cả trong quá trình đi làm đã gặp tình huống như thế nào, sự việc ra sao, thậm chí khi các chị lên tiếng thì không ai tin.
Mọi người nói: "Đã khuyết tật rồi, xấu như thế này thì ai người ta thèm, chẳng qua chỉ là nói dối". Những lời nói găm vào trong tim, điều đó thôi thúc chúng tôi làm điều gì đó", chị Lan chia sẻ.
Sự tự tin hiện rõ trên gương mặt của chị em phụ nữ khuyết tật khi tham gia trình diễn thời trang - Ảnh: HÀ THANH
Anh Nguyễn Hoàng An, thành viên dự án "XX HEROES", cho biết khó khăn nhất với các bạn trẻ tham gia dự án là làm sao để phụ nữ khuyết tật trực tiếp đối diện với nỗi đau, khó khăn họ gặp phải trong quá khứ.
Do đó, các bạn trẻ quyết tâm đồng hành với chị em khuyết tật, cung cấp kiến thức, kỹ năng, sự tự tin giúp phụ nữ khuyết tật đối diện, từ đó tìm ra giải pháp không chỉ bảo vệ mình mà còn bảo vệ cho những người xung quanh.
Tự tin trước ống kính máy ảnh - Ảnh: HÀ THANH
Tại lễ tổng kết, đại diện UNDP tại Việt Nam dẫn nghiên cứu của một tổ chức trên thế giới cho thấy có đến 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã từng bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục.
Trong số đó, phụ nữ khuyết tật có nguy cơ gấp đôi so với phụ nữ không khuyết tật là nạn nhân của bạo lực tình dục.
"Nguy cơ càng cao hơn trong năm 2020 trong đại dịch COVID-19 với phụ nữ nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng", vị đại diện UNDP chia sẻ.
TTO - Một người lái môtô nước tại đảo Bình Ba (Khánh Hòa) đã bị một cô gái tố quấy rối tình dục khi lặn biển tại đây và bị phạt 200.000 đồng.