Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Q., tối 28/9, Phan Thanh Tâm (22 tuổi, ngụ xã T.L, huyện P.N) rủ người yêu tên Võ Thị H. (18 tuổi, ở cùng quê) đến ngôi nhà để không của gia đình chơi.
Tại đây, Tâm lấy ma túy đá ra sử dụng. H. ngồi cạnh nhưng không dùng. Bị ảo giác, Tâm siết cổ và dùng khăn bịt miệng khiến nạn nhân tử vong.
Sau khi phủ bạt lên người H., Tâm đóng cửa nhà rồi bỏ ra ngoài. Một ngày sau, anh ta nhớ lại sự việc nên trốn vào huyện L, tỉnh B.
Ngày 8/10, cha của Tâm mở cửa nhà để kiểm tra thì phát hiện thi thể nạn nhân đang phân hủy nên báo cho công an.
Vào cuộc điều tra, Tâm bị công an bị bắt rồi bị khởi tố để điều tra về hành vi giết người.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố Phan Thanh Tâm về tội Giết người theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngày 16/10, TAND tỉnh Q đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Hoàng Yên Phong. Đại diện VKSND, ông Trần Văn Thái. Luật sư Nguyễn Văn Vang, đoàn luật sư tỉnh Q làm người bào chữa cho bị cáo Tâm. Đại diện gia đình bị hại H. có mặt tại tòa nhưng không mời luật sư.
VKS: “Ngáo đá” cũng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự
Theo lời Tâm khai, trong lúc “ngáo đá”, Tâm đã siết cổ chị H. đến chết. Sau khi phủ bạt lên người H., Tâm bỏ ra ngoài. Một ngày sau, bị cáo nhớ lại sự việc nên trốn vào nhà mẹ đẻ ở tỉnh B. Căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo Tâm tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, cơ quan công tố nhận thấy có đủ cơ sở để quy kết Phan Thanh Tâm đã phạm tội Giết người. Việc bị cáo sử dụng ma túy và bị ảo giác không phải là tình tiết để loại trừ trách nhiệm hình sự.
Qua đó, VKS đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 123 bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Phan Thanh Tâm 13 - 14 năm tù giam.
Bị cáo: Lúc đó, bị cáo không biết mình đã làm gì
Thưa quý tòa, bị cáo sử dụng ma túy đã được một thời gian. Sau khi nhận lời yêu bị cáo, H. có khuyên bị cáo từ bỏ nhưng bị cáo chưa làm được. Hôm vụ án xảy ra, bị cáo đưa H. đến ngôi nhà mà gia đình bị cáo để không nhiều năm qua. Tại đây, bị cáo lấy ma túy đá ra để sử dụng. Thấy vậy, H. giận bỏ ra một chỗ ngồi. Sử dụng ma túy xong, bị cáo bị ảo giác, ngỡ người yêu là ác thú sắp tấn công mình nên mới xông tới chỗ cô ấy ngồi, siết cổ. Giết “ác thú” xong, bị cáo bỏ đi lang thang. Sau khi tỉnh táo, nhớ lại sự việc, bị cáo sợ hãi nên bỏ trốn. Thực sự lúc đó bị cáo không nghĩ là mình đã sát hại H.. Nếu ý thức được, bị cáo đã không làm như vậy. Mong HĐXX xem xét.
Đại diện gia đình bị hại: Bị cáo đã cướp tiền của con tôi
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không tin rằng đứa con gái xinh xắn, ngoan ngoãn của mình đã chết. Tuy bị cáo khai rằng có quan hệ tình cảm với con tôi nhưng tôi cho đó chỉ là sự ngụy biện, hòng chối tội. Từ lúc đi làm cho đến nay, con tôi chưa từng nhắc tới chuyện đã có bạn trai, cũng chưa từng đưa Tâm về nhà. Tôi nghĩ do con tôi có tiền (theo bạn của cháu phản ánh thì trước khi gặp nạn, H. vừa vay của bạn một ít tiền, nói là để mua xe máy đi làm) nên bị cáo nảy sinh ý đồ xấu, bắt cóc con tôi đưa đến ngôi nhà đó rồi sát hại. Khi được phát hiện là đã chết, trong người con tôi không có tài sản gì có giá trị, tiền cũng không thấy đâu. Do vậy, tôi đề nghị HĐXX phải làm rõ bị cáo đã có hành vi cướp tài sản của con tôi rồi mới sát hại cháu hòng che giấu tội lỗi.
Sau khi vụ án xảy ra, bố bị cáo có mang 100 triệu đồng đến nhà, nói là để phụ gia đình tôi lo tang ma cho cháu H. Tuy tôi đã nhận tiền nhưng điều đó không có nghĩa gia đình tôi tha thứ cho tội lỗi của bị cáo Tâm. Hôm nay, tại phiên tòa này, chúng tôi đề nghị HĐXX phải tuyên bị cáo Tâm mức án cao nhất của khung hình phạt. Ngoài ra, buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình tôi 350 triệu đồng nữa.
Luật sư bào chữa: Bị cáo không cướp tài sản
Trước hết, thay mặt thân chủ của mình, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới gia đình bị hại. Tôi hiểu nỗi đau mà bị cáo gây ra với gia đình nạn nhân không gì có thể bù đắp. Tuy nhiên, “nói có sách, mách có chứng”, việc gia đình bị hại nói thân chủ tôi đã cướp tiền của bị hại là không có cơ sở. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ tình tiết này. Trước khi đi với bị cáo, bị hại có 500 ngàn đồng và số tiền này bị hại đã đưa cho bị cáo để mua ma túy hết. Qua xác minh, bạn của bị hại cũng chỉ khẳng định là nghe nói bị hại có đi vay tiền còn vay của ai, vay bao nhiêu thì không ai biết chính xác. Vì nạn nhân không có tiền nên càng không có chuyện thân chủ của tôi phải giết người để che giấu tội cướp.
Về đề nghị bồi thường của gia đình bị hại, đây là số tiền rất lớn. Bị cáo không có nghề nghiệp, cũng không có tài sản gì có giá trị, ngay cả việc ăn, uống sinh hoạt đều do bố bị cáo chu cấp. Sau khi con gây án, bố bị cáo đã phải vay mượn khắp nơi mới có được 100 triệu đồng để mang tới bồi thường cho gia đình nạn nhân. Bản thân bố bị cáo chỉ đi làm thuê, thu nhập đủ ăn, số tiền lớn như vậy vượt quá khả năng của gia đình. Mong HĐXX minh xét.
HĐXX: Con người có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng
Theo Hiến pháp, con người sống trong xã hội có quyền tự nhiên là quyền sống và đòi hỏi các chủ thể khác phải tôn trọng. Vì vậy, bất cứ ai xâm phạm tới quyền này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Dù trước khi gây án bị cáo đã sử dụng trái phép chất ma túy nhưng theo quy định của pháp luật, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm với hậu quả mà mình đã gây ra.
Hành vi của bị cáo là nguy hiểm, ngang nhiên tước đoạt mạng sống của người khác, làm mất trật tự trị an, gây dư luận xấu trong nhân dân nên cần phải cách ly khỏi đời sống xã hội một thời gian để làm gương.
Với những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy không có căn cứ để quy kết bị cáo phạm tội Cướp tài sản như cáo buộc của gia đình bị hại.
Do đó, áp dụng khoản 2 Điều 123 BLHS, phạt bị cáo Phan Thanh Tâm mức án 13 năm tù về tội Giết người; Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 150 triệu đồng (trừ số tiền 100 triệu đồng gia đình bị hại đã nhận). Ngoài ra, bị cáo còn phải cấp dưỡng cha mẹ bị hại mỗi tháng 1 triệu đồng.
Bị cáo, đại diện gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương