vĐồng tin tức tài chính 365

Người đến người đi giúp ‘thế trận’ bán lẻ dần hình thành

2020-10-18 10:10

Người đến người đi giúp ‘thế trận’ bán lẻ dần hình thành

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) - Có người đến cũng có người đi thông qua những cuộc thâu tóm và sáp nhập, giúp thị trường bán lẻ ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung sau năm năm nhìn lại đã thay đổi một cách chóng mặt. Thị trường từ phân mảnh đang dần được định hình với sự tăng tốc của cả khối nội lẫn ngoại.

Các mô hình bán lẻ hiện đại tiếp tục mở rộng và chiếm thị phần. Ảnh: TTXVN.

Khối ngoại tăng tốc giành thị phần

Có thể thấy trong năm năm qua, diện mạo ngành bán lẻ TPHCM thay đổi đáng kể, không chỉ nhờ vào hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) mà còn nỗ lực mở rộng của các nhà đầu tư ngoại trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ.

Điển hình như năm 2016, Takashimaya vào thị trường Việt Nam bằng trung tâm thương mại cùng tên đặt tại TPHCM với vốn đầu tư 22 triệu USD.

Tương tự, AEON Việt Nam chính thức khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại quận Tân Phú, TPHCM vào năm 2014 và liên tục mở rộng từ đó cho tới nay. Dự kiến cuối năm nay khai trương trung tâm thương mại tại Hải Phòng. Mục tiêu mà hãng bán lẻ Nhật Bản này đặt ra là mở thêm 15 trung tâm mới cho đến năm 2025.

Không chỉ có các mô hình đại siêu thị tăng tốc mở rộng, các thương hiệu bán lẻ chuyên doanh cho dến mô hình cửa hàng tiện lợi cũng đổ về thị trường Việt Nam trong những năm qua, từ thời trang cho đến nội thất, từ bán lẻ hàng hóa tiêu dùng hay dược phẩm.

Năm 2019, Fast Retailing, công ty bán lẻ thời trang lớn thứ ba thế giới và là chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Uniqlo, mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM, sau đó tiến ra Hà Nội. Muji, thương hiệu bán lẻ đồ nội thất của Nhật Bản hồi cuối tháng 7 vừa qua cũng chọn TPHCM để mở cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.

Vào năm ngoái, thông tin IKEA, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế đến từ Thuỵ Điển đang có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ cũng khiến nhiều người cảm thấy hào hứng.

Bên cạnh Nhật Bản, giai đoạn năm năm qua cũng ghi nhận cuộc “đổ bộ” của quốc gia có thế mạnh bán lẻ là Hàn Quốc. Sau nhà bán lẻ Lotte vào Việt Nam khoảng năm 2008 thì đến cuối năm 2015, E-mart, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, cũng khai trương siêu thị tại TPHCM. Đến năm 2018, GS Retail bắt tay với tập đoàn Sơn Kim (trụ sở TPHCM) để mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi GS-25 và hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng.

 

Thị trường bán lẻ được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng đầy khắc nghiệt. Sự cạnh tranh đã dẫn tới việc nhiều nhà bán lẻ rời khỏi thị trường nhưng cũng có nhiều người chơi mới và cũ, nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để gia tăng thị phần bán lẻ thông qua chiến lược mở rộng tích cực.

Một câu chuyện điển hình là thương hiệu bán lẻ Parkson, công ty mẹ vừa rao bán Parkson TD Plaza Hải Phòng với giá 10 triệu đô la. Parkson có mặt tại Việt Nam từ năm 2005 và bước vào giai đoạn liên tục đóng cửa các trung tâm thương mại kể từ năm 2015, hiện chỉ còn hai trung tâm thương mại ở TPHCM.

Nhìn vào giai đoạn 2015-2019, cuộc chơi M&A đình đám gần như thuộc về các nhà đầu tư ngoại. Chẳng hạn như thương vụ Central Group mua hệ thống Nguyễn Kim và và Big C Việt Nam, Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam, hay thương vụ mua 20% cổ phần của Bibo Mart bởi ACA Investments (Nhật Bản). Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khối nội đã hoạt động tích cực hơn không kém.

Khối nội cũng tăng tốc

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và ngày càng gia tăng, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đã trở thành điểm nóng cho hoạt động M&A trong những năm gần đây, nhưng càng về gần cuối thì tâm điểm dồn chú ý về đến các nhà đầu tư nội.

Chỉ trong năm 2019, hàng loạt các thương vụ lớn đã diễn ra và ghi dấu ấn của các nhà đầu tư nội. Điển hình là thương vụ Vingroup chuyển nhượng mảng bán lẻ Vincommerce cho tập đoàn Masan, hay trước đó là Saigon Co.op’s mua lại Auchan Việt Nam (Pháp).

Trước đó, Vingroup là nhà đầu tư nội năng động trong việc mua lại nhiều chuỗi bán lẻ khác, như chuỗi cửa hàng tạp hóa Shop & Go, hay mua lại chuỗi siêu thị Queensland, Viễn Thông A hay Fivimart.

M&A trên thị trường bán lẻ không chỉ cho thấy sự khốc liệt của thị trường mà còn cho thấy trên bước đường xây dựng hệ thống bán lẻ của Việt Nam sẽ cần những thương vụ sáp nhập để tạo ra những ông lớn khổng lồ nội địa đủ sức “chơi” trong thị trường bán lẻ.

Nhưng câu chuyện không chỉ có những tập đoàn tư nhân như Vingroup hay các chuỗi của hàng của Thế giới di động hay FPT Retail, mà còn là câu chuyện của những đơn vị bán lẻ tiêu biểu của TPHCM như Saigon Co.op.

Từ năm 2015 đến nay, Saigon Co.op nỗ lực nhiều mở nhiều thương hiệu bán lẻ mới và các mô hình mới. Chẳng hạn, Saigon Co.op mở chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile vào cuối năm 2016, chợ truyền thống kết hợp hiện đại Sense Market vào năm 2017, hay cửa hàng tiện lợi 24h thương hiệu Cheers vào năm 2018.

Đến năm 2019, Co.op cũng bắt đầu thử nghiệm mô hình siêu thị hiện đại dành cho phân khúc khách hàng cao cấp Finelife nằm trong các khu chung cư ở đô thị lớn.

Với 849 điểm bán lẻ lớn nhỏ tại 43 tỉnh, thành trong cả nước, các cửa hàng bán lẻ kiểu mới không chỉ giúp đa dạng hóa kênh bán lẻ của Co.op, mà còn đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng lên đáng kể của người dân tại nhiều khu dân cư.

Chuỗi cửa hàng bách hóa "mini" Co.op Smile cán mốc 100 điểm bán cuối năm ngoái, bổ sung cho thị trường bán lẻ hiện đại. Ảnh: Saigon Co.op.

Một điểm nhấn khác giúp thay đổi diện mạo bán lẻ của TPHCM là khoảng hơn 2.656 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động khắp địa bàn, giúp người tiêu dùng có thêm hình thức mua sắm mới bên cạnh mô hình hiện đại trước đó là siêu thị hay đại siêu thị, trung tâm thương mại.

Từ năm 2018, TPHCM đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một tiêu chí quan trọng định hướng bán lẻ trong thời gian tới là tỷ trọng bán lẻ theo các hình thức phân phối hiện đại đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%.

Theo báo cáo bán lẻ của PwC vào năm 2019, trong những năm gần đây sự bùng nổ của số lượng kênh bán lẻ hiện đại với rất nhiều mô hình, đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là hai thành phố trọng điểm là TPHCM và Hà Nội, nơi chiếm thị phần lớn nhất trong tổng doanh số bán lẻ, lần lượt là 22% và 11%.

Trong số này, TPHCM tập trung đáng kể các của hàng hiện đại, với số lượng siêu thị tăng đột biến (chiếm gần 25% tổng số siêu thị toàn quốc) và trung tâm thương mại (nhiều gấp đôi so với Hà Nội).

Một phần trong đó được hỗ trợ nhờ 2 thành phố trọng điểm này nằm trong khu vực được “bao quanh” là các địa phương sở hữu khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng, cùng chiếm gần 10% trong tổng doanh số bán lẻ.

Source: Euromonitor, Deloitte

Với tầng lớp trung lưu được nhận định là đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng khá mạnh mẽ trong lĩnh vực bán lẻ của mình. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục nhờ dân số trẻ và hành vi chi tiêu ngày càng mạnh mẽ.

Trước sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ cũng bắt đầu xuất hiện những lo lắng về hoạt động M&A thâu tóm tăng lên khi doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính. Thậm chí Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây còn đề xuất tạm dừng các thương vụ M&A trong thời kỳ đại dịch để hạn chế sự thâu tóm của nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của của PwC, tác động của Covid-19 đối với các hoạt động M&A đang diễn ra của ngành bán lẻ vẫn chưa rõ ràng. Hiện tại vẫn là cơ hội cho các nhà bán lẻ tìm cách cải thiện chính bản thân mình.

Có thể thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng thì một số nhà bán lẻ sẽ trở nên yếu đi, nhưng một số người khác cũng sẽ nổi lên mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng vì Covid-19 lần này được nhiều chuyên gia nhận định có sự khác biệt rõ nét nhất là sự thay đổi trải nghiệm của người tiêu dùng. Nếu các nhà bán lẻ không thích nghi và thay đổi các phương pháp và mô hình kinh doanh để phù hợp với xu thế mới thì việc “tụt hậu” gần như là điều hiển nhiên.

Xem thêm: lmth.hnaht-hnih-nad-el-nab-nart-eht-puig-id-iougn-ned-iougn/075903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người đến người đi giúp ‘thế trận’ bán lẻ dần hình thành”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools