Trung Quốc thông qua luật kiểm soát xuất khẩu các công nghệ quan trọng
Khánh Lan
(TBKTSG Online) – Trung Quốc vừa thông qua luật kiểm soát xuất khẩu các công nghệ quan trọng giữa lúc nước này gia tăng cuộc cạnh tranh với Mỹ nhằm tiếp cận và chi phối các công nghệ giúp thúc đẩy nền kinh tế hiện đại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua Luật Kiểm soát xuất khẩu được thiết kế nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Ảnh: CCTV |
Hạn chế xuất khẩu hàng hóa và công nghệ nhạy cảm
Hôm 17-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Kiểm soát xuất khẩu được thiết kế nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Nội dung cuối cùng của luật này chưa được công bố nhưng các dự thảo trước đó cho biết luật mới sẽ hạn chế xuất khẩu những hàng hóa, dịch vụ và công nghệ nhạy cảm.
Luật sẽ được áp dụng cho tất cả các công ty ở Trung Quốc bao gồm cả những công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay luật mới sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 12 tới. Luật cũng cho phép các cơ quan quản lý Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất bên ngoài Trung Quốc nếu chúng được sản xuất dựa vào các vật liệu từ Trung Quốc.
Luật kiểm soát xuất khẩu được giới thiệu giữa lúc các căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đang leo thang. Những tên tuổi công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei, TikTok, WeChat và Tập đoàn quốc tế sản xuất bán dẫn (SMIC) đều trở thành các mục tiêu trừng phạt của Washington.
Trong quá trình soạn thảo luật, Ouyang Changqiong, đại biểu Quốc hội Trung Quốc, đề xuất luật kiểm soát xuất khẩu phải áp dụng cho các lĩnh vực như mã nguồn và thuật toán. Zhang Yesui, một đại biểu Quốc hội khác, cho rằng luật cần siết chặt các biện pháp bảo vệ các công nghệ quan trọng mà Trung Quốc đang có lợi thế như như 5G và truyền thông lượng tử.
Nathaniel Rushforth, luật sư người Mỹ và là chuyên gia an ninh mạng ở hãng luật Da Wo Law Firm, có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định động thái trên của Trung Quốc sẽ đẩy cao các căng thẳng công nghệ hiện nay với Mỹ. Ông cho rằng các doanh nghiệp ở hai nước này, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nhạy cảm về tính chiến lược, cần tiếp tục chuẩn bị cho nguy cơ bị kiểm soát xuất khẩu gắt gao hơn.
Luật kiểm soát xuất khẩu sẽ củng cố thêm các biện pháp quản lý của Bắc Kinh đối với các công nghệ quan trọng.
Hồi tháng 8, Bộ Thương mại Trung Quốc cập nhật danh mục công nghệ bị kiểm soát xuất khẩu bao gồm hai công nghệ quan trọng mà TikTok đang sử dụng: nhận dạng giọng nói và đề xuất nội dung.
Số phận mảng hoạt động của TikTok tại Mỹ vẫn đang treo lơ lửng sau khi ByteDance (công ty mẹ của TikTok) đồng ý bán một lượng cổ phần của nền tảng này cho hai công ty Mỹ Oracle và Walmart. Hồi cuối tháng 9, một tòa án liên bang của Mỹ đã chặn sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc cấm tải ứng dụng TikTok tại Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ đang kháng cáo quyết định này.
Công cụ pháp lý đáp trả Mỹ
Luật kiểm soát xuất khẩu sẽ giúp Trung Quốc đáp trả Mỹ, nước cũng đang sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để hạn chế các công ty Mỹ cung cấp các thiết bị và công nghệ quan trọng cho các công ty Trung Quốc.
Qing Ren, đối tác ở hãng luật Global Law Office ở Bắc Kinh, nói: “Giới chức trách Trung Quốc có thể đã ‘học hỏi’ từ Mỹ và các nước khác”.
Bản tin của Tân Hoa xã cho hay dự thảo Luật kiểm soát xuất khẩu nói rõ rằng Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp trả đũa để chống lại một nước hay một khu vực lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và gây tổn hại cho lợi ích và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Ông Qing Ren cho biết danh sách các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu hiện tại theo luật mới của Trung Quốc hẹp hơn nhiều so với danh mục kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Danh sách này bao gồm các vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí nguyên tử, sinh học và hóa học. Tuy nhiên, ông dự báo danh sách này có thể mở rộng thêm trong tương lai. Nhìn chung, Mỹ đang dẫn trước Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ. Nhưng Trung Quốc đang kiểm soát các công nghệ quan trọng từ mạng 5G cho đến máy bay không người lái (drone).
Hãng thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh Huawei (Trung Quốc) đang dẫn đầu thế giới về số lượng bản quyền quan trọng liên quan đến mạng 5G. Huawei nằm trong số 10 công ty được cấp bản quyền sáng chế nhiều nhất tại Mỹ trong năm 2019. Giới chức Mỹ cảnh báo việc công ty này tham gia sâu vào quá trình thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho mạng 5G có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Các công ty công nghệ khác ở Trung Quốc khác cũng đang gia tăng kiểm soát một số lĩnh vực công nghệ ngách. Chẳng hạn, Công ty SZ DJI Technology, có trụ sở ở Thâm Quyến, đang kiểm soát 3/4 thị phần drone dân dụng trên toàn cầu. Nhà sản xuất màn hình BOE Technology Group ở Bắc Kinh, cũng đang gia tăng nộp các đơn đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế nhằm kiểm soát thế hệ màn hình OLED tiếp theo ở smartphone.
Và trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các công ty như Alibaba, Tencent, SenseTime Group, đang tận dụng các kho dữ liệu khổng lồ của họ để tiến nhanh trong nhiều lĩnh vực bao gồm bao gồm nhận diện khuôn mặt.
Sẽ cẩn trọng khi áp dụng luật mới Mei Xinyu, nhà nghiên cứu ở Viện Hợp tác Kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và hàng hóa xuất khẩu tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân trong nước, vì vậy, Trung Quốc sẽ cẩn trọng để không lạm dụng luật mới. Ông nói: “Chúng tôi coi trọng hình ảnh của Trung Quốc như là một nhà cung cấp đáng tin cậy trên thị trường quốc tế. Do đó, chúng tôi sẽ không tùy ý mở rộng phạm vi hạn chế xuất khẩu”. Cui Fan, giáo sư chuyên ngành thương mại quốc tế ở Đại học Kinh tế và Thương mại tại Bắc Kinh, nói: “Các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau gồm lĩnh vực kinh tế. Chúng ta không được nhầm lẫn sự cạnh tranh thông thường giữa các công ty với các mối đe dọa về an ninh kinh tế và lợi ích quốc gia”. |
Theo SCMP, Bloomberg