Vietinbank đề xuất dùng lợi nhuận ba năm qua để tăng vốn
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Sau khi được “cởi trói” về mặt chính sách, Vietinbank đề xuất tăng vốn bằng lợi nhuận giữ lại trong giai đoạn 2017-2019 để tăng vốn. Từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của Vietinbank vẫn giữ nguyên.
Vietinbank nay đã có cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tăng vốn. Ảnh: CTG. |
Mới đây, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ của các năm 2017, 2018 và 2019. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông là 5-11 ngân hàng sẽ ngưng tiếp nhận ý kiến đến hết ngày 23-11.
Con số tăng vốn điều lệ cụ thể hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên vào cuối tháng 1 năm nay, có thông tin đề cập đến con số 10.000 tỉ đồng tăng vốn với Vietcombank và Vietinbank, hai ngân hàng hiện có mức vốn điều lệ tương đương nhau.
Theo báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán, Vietinbank ghi nhận khoản lợi nhuận chưa phân phối là gần hơn 19.832 tỉ đồng, phần thặng dư vốn cổ phần là gần 8.975 tỉ đồng và các quỹ dự trữ còn 9.610 tỉ đồng. Trong khi đó, mức vốn điều lệ của Vietinbank ở mức 37.234 tỉ đồng, không thay đổi từ năm 2013 đến nay.
Tăng thêm vốn sẽ giúp Vietinbank có thêm nguồn lực để đáp ứng các tiêu chí an toàn theo chuẩn Basel II. Trước đó, trong báo cáo thường niên năm 2019, ngân hàng này cho biết đã hoàn thành cơ bản các yêu cầu của Thông tư 41/2016 và sẽ thực hiện ngay khi tăng được vốn.
Vietinbank lên kế hoạch tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại ngay sau khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121, sửa đổi bổ sung cho Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, các Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được xếp vào nhóm có thể được tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng “big 4” hiện nay đã được “cởi trói” để tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước, không chỉ có Vietinbank mà còn có Vietcombank, BIDV và Agribank.
Trước đó, từ năm 2016 bắt đầu diễn ra cuộc tranh cãi khi Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng quốc doanh phải trả cổ tức bằng tiền mặt để đảm bảo nguồn thu ngân sách, trong khi các ngân hàng này đưa ra kế hoạch tăng vốn bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Vấn đề của Vietinbank nghiêm trọng hơn vì ngân hàng không thể thực hiện tăng vốn thông qua các giải pháp phát hành thêm cho nhà đầu tư do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại đây đã ở mức tối thiểu 65%, đồng thời tỷ lệ sở hữu của nhà nước đã ở mức trần 30%.
Do đó, trong thời gian qua, Vietinbank chỉ còn cách phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành ra công chúng để tăng vốn cấp 2. Từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của Vietinbank vẫn giữ nguyên.
Kế hoạch tăng vốn cho các ngân hàng “big 4” được Ngân hàng Nhà nước đưa vào danh sách nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong 6 tháng cuối năm.
Trước đó, vào tháng 6, Quốc hội cũng đã thông qua việc tăng vốn khẩn cấp 3.500 tỉ đồng cho Agribank để giải quyết câu chuyện “đói vốn” trước mắt.
Vấn đề tăng vốn của các ngân hàng lớn đã đặt ra trong nhiều năm qua nay còn gặp thách thức lớn hơn vì vướng phải dịch bệnh Covid-19, khiến chất lượng tài sản ngày càng xấu đi.
“Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, hệ số an toàn vốn CAR sẽ giảm từ 40 đến 80 điểm cơ bản. Do đó, đối với các ngân hàng có hệ số CAR trên 11%, chúng tôi cho rằng áp lực về vốn sẽ không quá lớn trong năm 2021 nếu nợ xấu tăng 1-2%. Tuy nhiên, đối với BIDV, Vietinbank và Vietcombank, nhu cầu tăng vốn trong năm 2021 là khá rõ ràng”, báo cáo của công ty chứng khoán SSI nhận định.
Xem thêm: lmth.nov-gnat-ed-auq-man-ab-nauhn-iol-gnud-taux-ed-knabniteiv/085903/nv.semitnogiaseht.www