Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ ở tỉnh Hà Tĩnh, ngày 20-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại tỉnh này chỉ đạo các biện pháp ứng phó.
Vẫy vùng trong nước lũ
Trực tiếp đến kiểm tra hồ Kẻ Gỗ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh bảo đảm an toàn hồ này là nhiệm vụ số 1; phải hết sức linh hoạt, không chủ quan trong vận hành hồ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương, cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi để có phương án ứng phó; tập trung theo dõi toàn bộ các tuyến đập, chỗ nào có sự cố thì xử lý kịp thời.
Ngay sau khi thị sát khu vực hồ Kẻ Gỗ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các lực lượng đang trực tiếp ứng phó với mưa lũ. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh chủ động phối hợp với các bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông Vận tải... xây dựng các phương án ứng phó bão lũ, chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là ở những khu vực có nguy cơ lớn về sạt lở đất, sự cố của các công trình thủy lợi, thủy điện lớn.
Ghi nhận trong ngày 20-10 của phóng viên Báo Người Lao Động, tại huyện Cẩm Xuyên có hàng ngàn nhà dân vẫn ngập sâu trong biển nước. Từ Quốc lộ 1, nhiều ca-nô, xuồng cứu hộ liên tục thay phiên nhau chở hàng cứu trợ vượt nước lũ vào giúp bà con. Sau khi chở hàng cứu trợ vào ca-nô, xuồng cứu hộ lại chở người bị mắc kẹt trong các căn nhà bị nước lũ cô lập ra ngoài.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hà Tĩnh, tính tới ngày 20-10, toàn tỉnh có 90 xã bị ngập với 31.000 hộ/105.373 người. Trong đó, huyện Cẩm Xuyên có 19 xã (13.393 hộ/43.028 người); huyện Thạch Hà 17 xã (10.588 hộ/42.232 người); TP Hà Tĩnh 14 xã, phường (2.300 hộ/4.950 người) và huyện Lộc Hà 11 xã (3.430 hộ/10.745 người). Mưa lũ khiến 3 người tử vong, 1 người mất tích, thiệt hại hàng chục ngàn hecta cây trồng.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ để ứng cứu người dân kịp thời, ngay trong ngày 20-10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn.
Lực lượng chức năng chở hàng cứu trợ người dân vùng ngập lũ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: ĐỨC NGỌC
Không để dân đói khát
Tại Quảng Bình, trong khi lũ lớn tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh phía Nam tỉnh Quảng Bình chưa rút xuống thì nước thượng nguồn trên sông Gianh đổ về như thác khiến các địa phương ở hạ lưu như huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch... thành một màu trắng xóa.
Tại xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn), hàng ngàn hộ dân nằm ven sông Gianh bị ngập lụt nặng, có nhà ngập đến 4 m chỉ còn trơ nóc. Nước ngâm trong 2 ngày qua khiến người dân gần như kiệt quệ, mọi tài sản đều bị cuốn phăng theo dòng nước. Riêng địa bàn thị xã Ba Đồn bị ngập lụt tới 22.032 nhà, trong đó tập trung tại các vùng Nam sông Gianh: xã Quảng Văn, Quảng Minh, Quảng Lộc...
Tại huyện Bố Trạch, trong ngày 18-10 chỉ mới có 3.000 nhà dân bị ngập, sâu nhất là 1 m. Trong khi đó, 2 ngày qua, nước sông Son và sông Gianh đột ngột dâng cao làm gần 14.000 nhà dân bị ngập. Toàn huyện có 41 thôn, bản đang bị lũ vây cô lập, chia cắt.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, tính đến 16 giờ ngày 20-10, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình làm 6 người tử vong; gần 100.000 nhà dân bị ngập; 256 thôn bản bị cô lập, chia cắt. Trong đó, huyện Lệ Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có khoảng 32.000 nhà ở hầu hết các xã bị ngập... Đến chiều 20-10, lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 28.404 hộ dân đến nơi tránh trú an toàn.
Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định ưu tiên lúc này là cứu đói và khẩn cấp sơ tán người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm. Tỉnh đang dồn lực huy động lực lượng, phương tiện tàu, ca-nô của các lực lượng quân sự, công an, bộ đội biên phòng để ứng cứu các địa phương bị lũ sông Gianh.
Thêm bão số 8, rủi ro thiên tai cấp 4
Sáng 20-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp, bàn biện pháp ứng phó với mưa lũ và bão Saudel, dự kiến đổ bộ vào miền Trung những ngày tới. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 20-10, vị trí tâm bão Saudel ở khoảng 15,8 độ vĩ Bắc; 123,4 độ kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 220 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào biển Đông trở thành bão số 8 và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 22-10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12 và có khả năng mạnh thêm... Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên từ nay đến ngày 21-10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, có nơi trên 100 mm.
Với việc lũ dồn bão dập, ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thông tin đợt thiên tai lần này được Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cấp gần cao nhất).
Sạt lở Đồn Biên phòng Cha Lo
Chiều 20-10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã khẩn trương di dời người, phương tiện, tài sản của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (đóng tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) và hàng chục hộ dân đến nơi an toàn. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 19-10, các cán bộ đồn phát hiện khu vực đóng quân của đơn vị có dấu hiệu sụt lún. Đến 19 giờ cùng ngày, Quốc lộ 12A, cách cổng Đồn Biên phòng Cha Lo, xuất hiện sạt lở đất từ phía doanh trại ra hết đường khiến phương tiện không qua lại được. Sau đó, bên trong đồn nhiều dãy nhà bị sập, đất sụt lún. Rất may toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong đồn đã kịp sơ tán.
PV
NLĐ
Xem thêm: nhc.39670248012010202-nad-nat-os-av-iod-uuc-neit-uu/nv.zibefac