Ảnh chụp ngày 14-10-2020 cho thấy người tham dự đeo khẩu trang khi đi ngang gian hàng của Huawei tại một triển lãm công nghệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AP
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 21-10 nhận định lệnh cấm trên không khiến giới quan sát kinh ngạc. Thụy Điển đã thẳng thừng gọi Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Cơ quan quản lý bưu chính và viễn thông Thụy Điển (PTS) đã thông báo cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE trong phát triển mạng 5G ở nước này. Lệnh cấm được đưa ra trước khi Thụy Điển mở phiên đấu giá về xây dựng mạng 5G vào tháng 11 tới, với 4 công ty được phép tham gia đều là của Thụy Điển.
Thụy Điển là nước mới nhất cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G và quyết định của họ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước phương Tây. Thời gian qua, các quan chức Mỹ đã đẩy mạnh chiến dịch vận động hành lang để thuyết phục các đồng minh và đối tác "nghỉ chơi" với Huawei.
Lệnh cấm trên cũng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều cơ hội cho các đối thủ chính của Huawei, gồm công ty Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan, theo Hãng tin AP.
Klas Friberg, người đứng đầu Cơ quan an ninh nội địa Thụy Điển (SAPO), giải thích: "Trung Quốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất với Thụy Điển. Trung Quốc đang tiến hành hoạt động gián điệp trên mạng để thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển năng lực quân sự của họ.
Điều này được thực hiện thông qua thu thập tình báo và ăn cắp công nghệ, các nghiên cứu và phát triển. Đây là những gì mà chúng ta phải xem xét khi xây dựng mạng 5G cho tương lai".
Huawei đã bác bỏ cáo buộc trên. Người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển cũng bác bỏ cáo buộc Huawei và ZTE là mối đe dọa với an ninh quốc gia của Thụy Điển. "Chúng tôi kiên quyết phản đối việc lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia" - người này tuyên bố.
Theo đánh giá của SCMP, Trung Quốc dường như sẵn sàng đưa ra các biện pháp trả đũa, làm dấy lên nghi ngờ về hoạt động làm ăn trong tương lai của tập đoàn viễn thông Ericsson - đối thủ của Huawei về công nghệ 5G - ở Trung Quốc.
Tim Ruhlig, một chuyên gia về quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thụy Điển, cho rằng nhà chức trách Thụy Điển đã cấm Huawei theo cách rõ ràng nhất có thể.
"Thụy Điển vẫn có thể làm điều tương tự Ý và cấm Huawei trong yên lặng. Nhưng quyết định ngày 20-10 cho thấy Thụy Điển đưa ra lập trường rõ ràng" - Ruhlig giải thích.
TTO - Chính phủ Mỹ vừa thực hiện thêm một cuộc công kích nhằm 'hất cẳng' Huawei khỏi thị trường mạng 5G Brazil, bằng cách đề nghị tài trợ các công ty viễn thông Brazil mua thiết bị 5G từ các đối thủ cạnh tranh của công ty công nghệ Trung Quốc này.