vĐồng tin tức tài chính 365

Cần sớm có quy trình và tiêu chuẩn an toàn chung

2020-10-21 17:55

Cần sớm có quy trình và tiêu chuẩn an toàn chung

Đào Loan thực hiện

(TBKTSG) - Trong cuộc trao đổi mới đây với TBKTSG, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting, cho rằng mấu chốt để các điểm đến cạnh tranh thu hút khách quốc tế là yếu tố về an toàn. Một số nước trong khu vực ASEAN đã tạo được lợi thế nhờ đi trước trong việc thuyết phục khách du lịch rằng doanh nghiệp lữ hành và cả điểm đến đều vận hành an toàn.

TBKTSG: Tại sao trong tọa đàm vừa qua về giải pháp hồi phục du lịch quốc tế sau dịch Covid-19, ông vẫn đặt vấn đề về an toàn, cho rằng sẽ khó tính chuyện đón khách trở lại nếu không có quy trình vận hành và tiêu chuẩn an toàn?

- Ông Đặng Mạnh Phước: Những khảo sát gần đây về tâm lý và hành vi của khách du lịch sau dịch đều cho thấy an toàn là yêu cầu đầu tiên và cao nhất của du khách. Đây cũng là vấn đề quyết định khả năng cạnh tranh giữa các điểm đến trong giai đoạn sau dịch, từ năm 2021-2024. Vì thế, những việc làm để kêu gọi du khách quay lại đều nên bắt đầu từ việc đáp ứng yêu cầu này.

Tôi cho rằng, ngành du lịch đang tiếp cận đúng vấn đề khi đưa an toàn trở thành nội dung quan trọng trong các kế hoạch đón khách du lịch trở lại. Hiện tại, nhiều địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... đều đã có bộ tiêu chí về an toàn nhưng tôi cho rằng không nên thực hiện theo kiểu một địa phương một tiêu chuẩn mà cần phải thống nhất để doanh nghiệp dễ vận hành.

Việc mỗi nơi có chuẩn vận hành riêng sẽ làm khó doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi. Chẳng hạn, với doanh nghiệp chỉ có một khách sạn hay khu du lịch thì dễ, chỉ cần áp dụng theo quy trình của địa phương đó là xong nhưng với những chuỗi khách sạn hay với doanh nghiệp lữ hành, không lẽ cứ đưa khách đến một địa phương lại phải thay đổi để đáp ứng tiêu chuẩn của nơi đó.

Những lý do trên khiến tôi cho rằng cần phải có quy trình vận hành và tiêu chuẩn an toàn chung trước khi mở cửa đón du khách quốc tế trở lại và cần thực hiện ngay vì chúng ta không còn nhiều thời gian.

TBKTSG: Chúng ta ở đây bao gồm những ai và nhận định về thời gian, ý ông có phải là không còn nhiều thời gian chuẩn bị để đón khách quốc tế?

- Trước hết, cơ quan quản lý du lịch trung ương như Tổng cục Du lịch cần phối hợp với các cơ quan khác như y tế cùng các cơ quan liên quan và cả địa phương để thảo luận về việc này. Sau đó, là đến các doanh nghiệp cùng thực hiện.

Theo tôi, vấn đề quy chuẩn là câu chuyện lớn nên không thể ngồi lại với nhau trong một ngày, một buổi là xong mà phải tập trung rất cao độ để có thể bắt đầu xây dựng hệ thống tiêu chí; hướng dẫn quy trình và cách áp dụng cho các thành phần liên quan. Doanh nghiệp cũng phải có thời gian để thay đổi quy trình để được chứng nhận; kế đó, còn là nhiều hoạt động khác để quảng bá doanh nghiệp và điểm đến an toàn cho du khách biết.

Sở dĩ tôi nói “các thành phần liên quan” là muốn quy trình và tiêu chuẩn vận hành an toàn phải chi tiết và phù hợp với hoạt động của các đơn vị trong chuỗi cung ứng dịch vụ. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch... sẽ khó áp dụng chung một chuẩn vì mỗi nơi có đặc thù riêng.

Áp lực về thời gian để thực hiện các công việc như trên là rất lớn. Theo như dự báo, khảo sát của một số tổ chức và công ty du lịch - hàng không quốc tế, khách quốc tế có thể sẽ quay lại trong vòng sáu tháng tới. Những động thái từ Chính phủ liên quan đến việc mở đường bay thương mại quốc tế, thực hiện việc xét nghiệm nhanh phát hiện SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch Covid-19, cũng cho thấy tiến độ mở cửa đang được đẩy mạnh. Vì thế, du lịch cũng phải nhanh chân để không bị lỡ thời gian.

TBKTSG: Cơ quan quản lý du lịch và một số địa phương đang đưa ra các ứng dụng, bản đồ số về du lịch an toàn. Như vậy, có cần quy trình vận hành như ông vừa đề cập nữa hay không?

- Tôi vẫn cho là rất cần thiết. Các ứng dụng hay bản đồ số chỉ là kênh truyền thông cho khách du lịch biết đâu là điểm an toàn chứ không là giải pháp để các điểm du lịch, khách sạn, công ty lữ hành... vận hành an toàn.

TBKTSG: Theo ông, có nên đánh giá cấp độ an toàn trong vận hành du lịch như việc gắn sao cho dịch vụ khách sạn?

- Quan điểm của tôi là không nên cấp sao an toàn. Trong điều kiện dịch bệnh, vấn đề an toàn du lịch không chỉ là để bảo vệ sức khỏe cho du khách, nhân viên và cả cộng đồng cho nên không thể có nơi an toàn cao, nơi lại thấp được. Một khi nói đến an toàn thì chỉ nên có một chuẩn tuyệt đối cho cả điểm đến.

Vì thế, thay vì xếp sao, cơ quan quản lý du lịch cao nhất nên trao chứng nhận an toàn cho những nơi đáp ứng quy trình và tiêu chuẩn vừa kể trên. Chứng nhận này sẽ có giá trị thuyết phục du khách, giúp đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là cách mà một số điểm đến như Thái Lan, Singapore đang thực hiện.

Như ở Thái Lan, Tổng cục Du lịch nước này đã tổ chức buổi lễ trang trọng để trao chứng nhận an toàn cho doanh nghiệp. Sau đó, những doanh nghiệp này đã gửi thông tin quảng bá khắp nơi về việc họ được cơ quan chức năng trao chứng nhận có giá trị và hoàn toàn có thể là nơi để du khách đến vui chơi.

TBKTSG: Như vậy, liệu Việt Nam có thể học Thái Lan hay Singapore để đưa ra các quy chuẩn này hay không?

- Rất khó nói điều này vì mỗi quốc gia có một quan điểm về chống dịch khác nhau, làm cho một số tiêu chuẩn, quy định về an toàn và phòng dịch cũng khác, cho nên đem những quy định này về chưa chắc đã phù hợp.

Tuy nhiên, ngành du lịch và y tế cần phải hợp tác chặt chẽ để có thể đưa ra những quy định chi tiết và phù hợp. Nhiều du khách sẽ chùn chân nếu đi du lịch mà khi đến cửa khẩu đã phải trải qua các quy định phòng dịch ngặt nghèo của ngành y tế rồi tại các điểm đến cũng lại phải đối mặt với những quy định tương tự.

Theo tôi, việc xây dựng tiêu chuẩn để vận hành an toàn tuy là rất cấp thiết để đón khách quốc tế trở lại sau dịch Covid-19 nhưng không nên coi là chỉ nhằm để giải quyết nhanh sự vụ trong thời điểm có đại dịch. Đó phải là một phần của ngành du lịch trong tương lai.

Cơ quan quản lý nhà nước không chỉ là nơi nắm vai trò chủ chốt trong việc đưa ra quy chuẩn mà cần hỗ trợ triển khai và truyền thông cho khách quốc tế biết để ưu tiên lựa chọn những nơi an toàn. Càng nhiều doanh nghiệp tham gia để được chứng nhận là nơi vận hành du lịch an toàn thì điểm đến càng an toàn và tạo được sự yên tâm cho du khách, giúp gia tăng sức cạnh tranh.

Xem thêm: lmth.gnuhc-naot-na-nauhc-ueit-av-hnirt-yuq-oc-mos-nac/683903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cần sớm có quy trình và tiêu chuẩn an toàn chung”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools