vĐồng tin tức tài chính 365

Xếp “Sao an toàn” cho điểm cung cấp dịch vụ du lịch

2020-10-21 17:55

Xếp “Sao an toàn” cho điểm cung cấp dịch vụ du lịch

Đào Loan thực hiện

{TBKTSG) - Để vận hành hoạt động du lịch an toàn, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho rằng cần có bộ tiêu chí chung về vận hành an toàn để doanh nghiệp thực hiện và nên xếp loại “sao an toàn” cho điểm cung cấp dịch vụ nhằm giúp du khách dễ chọn lựa.

Doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi vì khi được gắn "sao an toàn" cao thì cơ hội được khách lựa chọn sẽ lớn hơn và cũng hạn chế những rủi ro trong quá trình vận hành. Ảnh minh họa: TTXVN

TBKTSG: Hồi đầu dịch, TAB đã đặt vấn đề tạo các hành lang du lịch an toàn và thực hiện các tiêu chí an toàn để có thể vận hành trong dịch bệnh. Vấn đề này nên được tiếp cận như thế nào trong bối cảnh thị trường thay đổi rất lớn như hiện nay, thưa ông?

- Ông Hoàng Nhân Chính: Theo tôi, vấn đề này cần được đẩy mạnh hơn nữa vì dịch diễn biến khó lường, không biết đến khi nào mới kết thúc để du lịch có thể vận hành trong điều kiện bình thường như trước đây, và biết đâu sẽ còn có những dịch bệnh khác xảy ra trong tương lai. Thêm vào đó, khách hàng cũng đã thay đổi, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu khi chọn lựa dịch vụ, đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu.

Trong tháng 9 này, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát về tâm lý, hành vi của khách du lịch hậu Covid-19. Kết quả cho thấy, có đến 57% số người được hỏi trả lời rằng an toàn là yếu tố chính tác động đến quyết định đi du lịch, kế đó là khả năng về tài chính (khoảng 33%). Yếu tố an toàn gồm điểm đến đã an toàn với dịch bệnh, độ an toàn - phòng chống lây nhiễm của dịch vụ du lịch và một vài vấn đề khác như không có cướp bóc, giựt dọc...

Vì thế, để khuyến khích người dân đi du lịch trở lại sau đợt bùng phát dịch lần hai, điều quan trọng cần làm là xóa bỏ tâm lý bất an, lo ngại có thể sẽ bị lây nhiễm khi đi du lịch. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định, tiêu chuẩn về an toàn, phòng chống lây nhiễm trong vận hành du lịch là mấu chốt để tháo dỡ rào cản này.

TBKTSG: Trước đây, hành lang du lịch an toàn được nhắc đến trong kế hoạch đón du khách quốc tế quay lại sau Covid-19. Trong thời điểm tập trung hồi phục du lịch nội địa như hiện tại thì hành lang này có thể hoạt động không?

- Hành lang an toàn giữa các nước từng được thảo luận trong kế hoạch nối lại mảng du lịch quốc tế. Nhưng trong lúc tập trung cho thị trường nội địa như hiện nay thì hành lang này vẫn cần được thiết lập nhằm giúp du lịch vận hành suôn sẻ trong dịch bệnh.

Dịch vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào nên sẽ khó để phát triển du lịch ở tất cả các điểm đến. Vì vậy, cần xây dựng các hành lang du lịch an toàn ở những tuyến thu hút nhiều du khách. Qua khảo sát, chúng tôi thấy Hà Nội và TPHCM là hai nguồn gửi khách chính của cả nước nên có thể thiết lập hành lang cho những tuyến du lịch có nhiều du khách, xuất phát từ hai trung tâm này.

Chẳng hạn, từ TPHCM nhiều khách thích đi du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng nên có thể thiết lập hành lang an toàn từ điểm dừng chân nghỉ ngơi, điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn... dọc tuyến này để bảo vệ khách.

Việc tạo ra bản đồ số về các vùng du lịch an toàn để doanh nghiệp, du khách tham khảo khi bán - chọn lựa dịch vụ cũng rất hữu ích và cần được thực hiện sớm. Tôi cho rằng, để có thể làm tốt tất cả những việc này, yếu tố bao trùm là các cơ sở cung cấp dịch vụ như công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí phải vận hành theo các tiêu chuẩn về an toàn. Khách hàng phải nhận diện được những nơi an toàn để chọn lựa.

TBKTSG: Một trong những lá thư mà TAB gửi Thủ tướng Chính phủ trong đợt dịch này có đề cập đến việc tương tự như xếp loại các điểm du lịch an toàn, có thể hiểu việc này như kiểu gắn sao cho chất lượng dịch vụ khách sạn không?

- Gần như là vậy, có thể hiểu là từ trước đến nay, khách thường chọn dịch vụ khi nhìn bảng hiệu sao của khách sạn. Nhìn qua số sao, khách sẽ biết là mình sẽ được phục vụ như thế nào, khách sạn 5 sao thì dịch vụ và cơ sở vật chất tốt hơn những nơi còn lại.

Với dịch bệnh lần này, khách hàng có thêm một tiêu chí an toàn vệ sinh phòng dịch khi chọn dịch vụ nên ngành du lịch có thể xếp loại, phân loại các điểm cung cấp dịch vụ lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu - điểm du lịch theo cấp độ an toàn vệ sinh phòng dịch mà nơi này thực hiện để du khách dễ dàng nhận diện và an tâm chọn lựa dịch vụ. Doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi vì dĩ nhiên khi được gắn sao an toàn cao thì cơ hội được khách lựa chọn sẽ lớn hơn và cũng hạn chế những rủi ro trong quá trình vận hành.

Tuy nhiên, để có những “sao an toàn” đúng chuẩn thì cần phải có bộ tiêu chí thống nhất, chi tiết và được cập nhật để doanh nghiệp tiện lợi khi thực hiện; không nên để mỗi địa phương lại có những quy chuẩn về an toàn khác nhau và các loại sao khác nhau.

Trước đợt bùng phát dịch lần hai, Tổng cục Du lịch đã có hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, các cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch. Nếu muốn thực hiện việc xếp sao này, cơ quan quản lý du lịch nên hợp tác với phía y tế để đánh giá lại bộ hướng dẫn nhằm đưa ra những quy định chi tiết và phù hợp với tình hình thực tế hơn. Hiện nay, dịch đã khác trước nên yêu cầu về vận hành du lịch cùng các biện pháp an toàn nên thực hiện cũng thay đổi.

TBKTSG: Cơ quan nào sẽ đánh giá và xếp hạng sao an toàn này?

- Theo tôi, cơ quan quản lý không nên thực hiện xếp hạng hay gắn loại sao an toàn mà nên để doanh nghiệp tự thực hiện. Cơ quan quản lý du lịch cần hợp tác với ngành y tế để xây dựng bộ tiêu chí vận hành chi tiết, khoa học và công bố rộng rãi cho doanh nghiệp và khách hàng biết.

Căn cứ vào đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện và tự xếp loại, gắn sao cho đơn vị mình. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện khâu hậu kiểm hoặc kiểm tra khi khách hàng phản ảnh. Chẳng hạn, quy định cho nhà hàng đạt chuẩn an toàn 1 hay 2 sao là phải đo thân nhiệt của khách trước khi vào nhưng nếu khách hàng phản ảnh nơi đó không thực hiện thì cơ quan quản lý sẽ kiểm tra đột xuất để xử lý. Nếu đúng, những người có chức trách sẽ hạ sao hoặc không cho gắn sao đến khi nào nhà hàng tuân thủ đúng quy định trong bộ tiêu chí.

Việc cơ quan quản lý không thực hiện đánh giá hay xếp loại sẽ tránh được tình trạng có thể nảy sinh ra giấy phép con trong hoạt động này. Doanh nghiệp đã quá khó khăn vì dịch bệnh nên rất sợ giấy phép con cùng những chi phí có thể phát sinh ngoài quá trình vận hành, cho nên càng hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra thì càng tốt cho doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng khác là cần truyền thông rộng rãi cho khách hàng biết bộ tiêu chí vận hành an toàn này. Mỗi loại sao sẽ tương ứng với những tiêu chuẩn an toàn nào để khách biết và phản ảnh khi đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện không đúng.

Cơ quan quản lý nên có đường dây nóng tiếp nhận và xử lý ngay những khiếu nại này để du khách tin tưởng vào chuẩn an toàn của du lịch. Thêm vào đó, nên tăng cường quảng bá cho những doanh nghiệp có sao an toàn tốt để gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp này.

Xem thêm: lmth.hcil-ud-uv-hcid-pac-gnuc-meid-ohc-naot-na-oas-pex/718803/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xếp “Sao an toàn” cho điểm cung cấp dịch vụ du lịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools