vĐồng tin tức tài chính 365

Thay đổi để khách yên tâm quay lại

2020-10-21 17:55

Thay đổi để khách yên tâm quay lại

Đào Loan

(TBKTSG) - Nhiều doanh nghiệp du lịch đã triển khai các biện pháp an toàn, tập trung vào phòng chống lây nhiễm dịch bệnh cho du khách và nhân viên để có thể hoạt động tốt hơn trong đại dịch.

Đoàn khách MICE của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đi du lịch lại sau đợt dịch lần 2. Ảnh: Hoàng Anh

“Khách sạn đã lắp đặt tấm chắn trong suốt ở quầy tiếp tân, trông như các quầy giao dịch ở ngân hàng”, một khách hàng kể với TBKTSG về sự thay đổi tại một khách sạn cao cấp ở Hà Nội mà vị khách này vừa ở vào tuần trước. Với ông, việc nói chuyện với lễ tân qua tấm chắn trong suốt hay nhìn nhân viên đeo mặt mica ngăn virus khi tiếp xúc với khách hàng là những trải nghiệm hết sức đặc biệt chỉ thấy trong dịch Covid-19 này. Với các nhà điều hành khách sạn, đây là những thay đổi mang tính chiến lược để có thể vận hành trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An mở cửa vào cuối tháng 3 năm nay, trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, và sau đó lại hứng chịu tác động nặng nề từ đợt bùng phát dịch lần hai ở khu vực miền Trung. Tuy nhiên, hiện tại khu nghỉ dưỡng này vẫn duy trì hoạt động và đón được du khách, trong đó có những khách nước ngoài đang còn ở tại Việt Nam.

Bà Camellia Dinh, Giám đốc bán hàng của TUI Blue Nam Hội An, cho biết khu nghỉ dưỡng dựa theo những quy định phòng dịch của địa phương và của hệ thống tập đoàn quốc tế TUI để chuyển đổi cách thức phục vụ. Chẳng hạn, khuyến khích khách hàng làm thủ tục nhận phòng trên mạng để hạn chế tiếp xúc; các nhà hàng kéo dài thời gian mở cửa và không phục vụ khách đồng loạt để tránh quá đông người; đồ ăn tự chọn được chia nhỏ từng phần thay vì sắp đặt theo kiểu buffet cơ bản. Ngay cả việc bố trí nhân viên cũng thay đổi, chia ra thành từng đội, phòng khi xảy ra lây nhiễm thì có thể hành động nhanh chóng và dễ dàng khoanh dịch.

Tương tự như TUI Blue Nam Hội An, khu nghỉ dưỡng Alma (Cam Ranh) cũng thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Trong tọa đàm do Tổng cục Du lịch tổ chức gần đây, ông Martin Koerner, Giám đốc thương mại khu nghỉ dưỡng Alma (Cam Ranh), cho biết bộ phận quản lý và chăm sóc sức khỏe đã lên kế hoạch phản ứng ngay tức thì khi có dịch. Trong đó, có việc lập điểm kiểm tra thân nhiệt tại khu vực lễ tân và cửa ra vào resort; đảm bảo giãn cách tại những khu vực như nhà hàng; khử trùng thường xuyên các các bề mặt thường xuyên chạm tay vào như nút bấm thang máy...

Hồi tháng 6, Công ty Dịch vụ bất động sản JLL nhận định rằng thị trường khách sạn đang trải qua một sự thay đổi đáng kể do đại dịch toàn cầu. Chủ sở hữu và các đối tác vận hành khách sạn liên tục đặt sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt. Đại dịch cũng đã thúc đẩy việc tăng cường công nghệ trong khách sạn. Nhiều khách sạn tăng đầu tư vào công nghệ để tạo ra một kỳ nghỉ “không tiếp xúc” cho du khách.

Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã thay đổi cách vận hành theo hình thức tương tự. Như khu nghỉ dưỡng Alma vừa kể trên, hiện đã cung cấp vòng đeo tay thông minh cho du khách để hạn chế tiếp xúc. Chiếc vòng này được sử dụng thay cho chìa khóa phòng thông thường, kết hợp với tính năng ghi nhận các giao dịch diễn ra trong khu nghỉ. Nhờ đó, khách hàng chỉ cần thanh toán một lần khi trả phòng thay vì phải trả tiền mặt khi sử dụng dịch vụ.

Một vài chuỗi khách sạn khác cho biết đang chuẩn bị để khách có thể thực hiện phần lớn các thủ tục nhận - trả phòng qua điện thoại hoặc qua Internet nhằm hạn chế tiếp xúc. Cũng để đáp ứng yêu cầu này, một số khu nghỉ dưỡng có diện tích lớn ở Khánh Hòa, Côn Đảo, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... đưa ra khuyến mãi cho các gói nghỉ dưỡng riêng tư, cho các nhóm khách nhỏ và đã thu hút được một lượng khách đáng kể.

Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nhân nhận định đại dịch Covid-19 đã thay đổi ngành du lịch. Hình ảnh những chai khử trùng được để khắp nơi trong khách sạn, nhà hàng; nhân viên đeo khẩu trang khi phục vụ, đo thân nhiệt hay ghi nhận thông tin dịch tễ của khách đã trở thành những hình ảnh quen thuộc tại các cơ sở dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ đã tự thay đổi để thích ứng với môi trường kinh doanh mới, đồng thời cũng trở thành nhà kiểm tra quy trình vận hành an toàn của doanh nghiệp mình và đối tác.

Theo bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó tổng giám đốc Bến Thành Tourist, công ty đã có khách trở lại. Cứ mỗi lần có đoàn khởi hành là nhân viên lại mang khẩu trang, nước rửa tay cho khách. Xe 45 chỗ nay chỉ được phép chở 30 khách. Các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch thì công ty mới hợp tác đưa khách đến.

“Chúng tôi dựa vào các tiêu chí an toàn trong du lịch của Tổng cục Du lịch để nhắc nhở cơ sở cung cấp dịch vụ và kiểm tra thường xuyên”, bà nói và cho rằng những biện pháp này đẩy chi phí tăng lên nhưng bắt buộc phải thực hiện, nếu lơ là trong phòng dịch là khó tồn tại.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Asian Trails Co., LTD, cho biết thêm, ngoài yêu cầu về giảm số lượng khách trên mỗi đoàn, đối tác nước ngoài không đưa ra những yêu cầu chi tiết về phòng dịch tại điểm đến. Tuy nhiên, công ty cũng phải siết quy trình phòng dịch và hướng dẫn các điểm cung cấp dịch vụ thực hiện biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách, chuẩn bị đón khách quốc tế quay lại ngay khi được phép.

“Mỗi đơn vị cung ứng dịch vụ tự chịu trách nhiệm về an toàn. Chúng tôi thực hiện dựa trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau”, bà nói.

Thuận lợi lớn nhất của điểm đến Việt Nam trong việc mở lại thị trường du lịch quốc tế là hiện không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và Chính phủ kiểm soát rất nhanh hai đợt bùng phát dịch. Nếu tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lây nhiễm thì tự doanh nghiệp sẽ có thêm thêm lợi thế để trở lại thị trường.

“Có vẻ như tình hình dịch ở bên ngoài vẫn khó ổn định trong thời gian tới. Vì vậy, nếu như Chính phủ cho phép nối lại du lịch vào cuối năm nay thì các biện pháp phòng dịch lại càng phải thắt chặt hơn nữa”, bà Tiên nói.

Cùng với việc xoay xở, chuẩn bị bảo vệ an toàn cho du khách để đón khách quay lại từ phía doanh nghiệp, nhiều cơ quan quản lý du lịch đã có những chuyển động để du lịch an toàn hơn. Chẳng hạn, vào tuần rồi, 7 tỉnh, thành gồm TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai và Bình Dương đã ký kết hợp tác thực hiện chương trình kích cầu “7 địa phương - du lịch an toàn, hấp dẫn”. Trong đó chương trình này, từng điểm đến sẽ xây dựng bản đồ số du lịch an toàn và tích hợp vào bản đồ chung của 7 tỉnh, thành để tạo thành nội dung truyền thông chính, giúp du khách dễ dàng tra cứu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ an toàn.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo vệ an toàn cho du khách cũng như kêu gọi doanh nghiệp vận hành an toàn và kiểm tra quá trình thực hiện để tạo sự an tâm cho khách hàng”, bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nói. 

Xem thêm: lmth.-ial-yauq-mat-ney-hcahk-ed-iod-yaht/190903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thay đổi để khách yên tâm quay lại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools