Đà Nẵng nên tập trung vào phát triển kinh tế tri thức
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Tham gia phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ thành phố Đà Nẵng chính thức khai mạc hôm nay 21-10, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực, đã đưa ra một số gợi mở để Đại hội thảo luận, trong đó có các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tham gia phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ thành phố Đà Nẵng chính thức khai mạc hôm nay 21-10. Anh3: BTC cung cấp |
Những yếu tố để phát triển kinh tế tri thức
Cụ thể Đà Nẵng cần xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh thành phố miền Trung cần xem phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số là một giải pháp để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng phải xung phong đi đầu trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong vùng.
Để thực hiện mục tiêu đó, theo Phó Thủ tướng, Đà Nẵng cần tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới mạnh mẽ mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực quan trọng để phát triển thành phố thời gian tới; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.
Thành phố cũng cần tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội đề ra, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng; tập trung xây dựng hạ tầng, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số; đặt ra mục tiêu đưa Đà Nãng trở thành một trung tâm mạnh về công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường đại học để sánh ngang với Hà Nội và TPHCM, góp phần thực hiện mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP cả nước vào năm 2025 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0).
Phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số là một gợi mở cho Đà Nẵng trong 5 năm tới. Trong ảnh là mô hình trạm thông tin du lịch theo mẫu những chiếc xe cổ không chỉ nhằm hỗ trợ du khách về thông tin du lịch mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan của thành phố. Ảnh: Nhân Tâm |
Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp cũng là một nội dung quan trọng cần quan tâm và coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Giải quyết các điểm nghẽn của kinh tế
Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng có những gợi mở khác để khắc phục điềm nghẽn những năm gần đây. Đó là tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần chậm lại, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển.
Cụ thể, Đà Nẵng cần liên kết phát triển với cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, trước hết là liên kết về giao thông đường bộ theo trục dọc nối với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về phía Nam, với Thừa Thiên Huế về phía Bắc và trục ngang kết nối hệ thống cảng biển, sân bay với khu vực Tây Nguyên để phát huy vị trí cửa ngõ phía Đông của Đà Nẵng mở rộng hợp tác với khu vực tiểu vùng sông Mekông, khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, góp phần vào tăng trưởng của đất nước.
Là trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam, đóng góp 60% vào GRDP của thành phố, được tạp chí New York Times ví như ”Miami của Việt Nam”, là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước, Đà Nẵng có hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn như Bà Nà Hill, bãi biển Mỹ Khê, bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, nhà thờ Chính tòa, làng đá Non Nước, bảo tàng điêu khắc Chăm, Lễ hội pháo hoa quốc tế hàng năm, Cuộc thi dù quốc tế, thi chạy Marathon quốc tế... và nhiều khách sạn, resort đẳng cấp, ẩm thực đa dạng, con người thân thiện, mến khách, môi trường an toàn.
Vì vậy Đà Nẵng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của riêng mình, đồng thời kết nối với danh lam, thắng cảnh của các tỉnh trong vùng như Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An, cố đô Huế... nhanh chóng khôi phục du lịch an toàn - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế đi đôi với tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng. Tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đề xuất các cơ chế, chính sách xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hình thành cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.
Sông Hàn, thành phố Đà Nẵng về đêm. Thành phố miền Trung cần tháo gỡ các điểm nghẽn kinh tế để chặn sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế trong những năm qua. Ảnh: Nhân Tâm |
Đà Nẵng cũng cần tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực chất, công khai, minh bạch; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp; đánh giá đúng, kịp thời, có giải pháp nhanh chóng, hiệu quả đối với những ”điểm nghẽn” cản trở sự phát triển; tiếp tục giữ vững thứ hạng cao trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thúc đẩy kinh tế tư nhân, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển và đầu tư trong nước, tập trung vào các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường phù hợp với quy hoạch ngành nghề thành phố, ưu tiên những ngành nghề như công nghệ thông tin, tài chính, chế biến chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế, logistics, năng lượng tái tạo, nhất là điện sinh khối ở đô thị đang phát triển nhanh như Đà Nẵng... phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển, hướng đến 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo, chú trọng xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển mạnh đội tàu hiện đại đánh bắt xa bờ, bảo quản hải sản trên biển.
Phó Thủ tướng cho rằng việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng là điều quan trọng. Thành phố cần ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn, có khả năng hoàn thành nhanh, tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 2020, 2021 và tạo đà cho các năm tiếp theo, góp phần cùng cả nước phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 2,5 đến 3% năm nay.
Xem thêm: lmth.cuht-irt-et-hnik-neirt-tahp-oav-gnurt-pat-nen-gnan-ad/347903/nv.semitnogiaseht.www