Tại cuộc họp mới nhất bàn phương án cứu hộ cứu nạn (CHCN) 15 công nhân còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu trong hai ngày tới phải thông đường.
Phải tranh thủ từng giờ
Ngày 21-10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay tại cuộc họp này, ông Phan Ngọc Thọ tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt về công tác CHCN 15 người còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3.
Ông Thọ nói: “Bằng mọi cách phải rút ngắn thời gian thông tuyến đường 71 vào Rào Trăng 3 nhưng đảm bảo an toàn cho lực lượng thi công, phấn đấu hai ngày tới sẽ thông tuyến đường 71 để đẩy nhanh công tác tìm kiếm người mất tích”.
Theo dự báo thời tiết, từ ngày 21 đến 24-10, lượng mưa tại Thừa Thiên-Huế vẫn thấp. Do đó, ông Thọ yêu cầu các lực lượng CHCN tranh thủ từng giờ, từng ngày, huy động thêm lực lượng, phương tiện, vật tư để thông đường 71.
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng yêu cầu các lực lượng phải quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng CHCN.
Đường 71 là độc đạo nối Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3. Đây là con đường còn lại từ thời chiến tranh. Để vận chuyển xe cơ giới hạng nặng, nhiều trang thiết bị cùng nhân lực tham gia tìm kiếm tại Rào Trăng 3 thì buộc phải thông tuyến đường này mới triển khai được.
Cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 4, ông Thọ yêu cầu các lực lượng phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm vì nhân dân để đẩy nhanh công tác CHCN các nạn nhân mất tích.
Máy phát điện đã được đưa tới, chuẩn bị cho việc thông đường lên Rào Trăng 3. Ảnh: T.VIỆT
Đã gần tiếp cận được Rào Trăng 3
Trong ngày 21-10, các lực lượng quân sự, công an, dân sự… tiếp tục duy trì khoảng 100 người, cơ động tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 triển khai CHCN.
Cụ thể, công an PCCC đã đưa hai máy bơm công suất lớn lên Rào Trăng 3. Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia điều phương tiện hiện có tại Rào Trăng gồm bốn xe xúc bánh xích, hai xe xúc bánh lốp, một máy ủi lật vào hiện trường.
Hiện bốn xe đang cơ động vào Rào Trăng 4 cách khoảng 3 km. Một số xe đang nằm rải rác trên đường 71 triển khai thi công gia cố các điểm sạt lở trở lại do các trận mưa vừa qua. Một số phương tiện cơ giới khác đã tập kết bên ngoài xã Phong Xuân, sẵn sàng tham gia việc tìm kiếm tại Rào Trăng 3 sau khi đường thông tuyến.
Mưa đã giảm tại Thừa Thiên-Huế. Lực lượng giao thông, công binh tiến hành mở một đường mới để tiếp nhận hàng hóa, vật chất theo đường thủy lên đường 71 khoảng 45 m.
Cập nhật từ sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phong Xuân cho hay đường từ Trạm kiểm lâm 67 lên thủy điện Rào Trăng 4 đã thông 4 km. Tuy nhiên, đang có một cống tràn cách Rào Trăng 4 khoảng 2 km, nếu mưa lớn thì phương tiện gầm thấp không đi được.
Đoạn đường từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 đã thông khoảng 7 km. Còn đoạn giữa 3 km chưa thông và có hai điểm sạt lở lớn, sập một phần đường nhựa. Trong ngày, Công ty Viettel tại tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai lắp đặt thiết bị tại Rào Trăng 3.
Đường truyền đã xong, phía Công ty Viettel đang nỗ lực sớm nhất phát phủ sóng phục vụ công tác CHCN. Tại thủy điện Rào Trăng 3, các công nhân có mặt vẫn đang chủ động tìm kiếm người mất tích bằng một máy xúc.
Mẹ già mòn mỏi đợi con… Tròn 10 ngày kể từ đêm xảy ra vụ việc đau lòng ở Rào Trăng 3, bà Võ Thị Ni (ngụ đường Ngự Bình, TP Huế) gần như không còn nước mắt để khóc thương cậu con trai duy nhất. Bà Ni là mẹ của nạn nhân Nguyễn Vũ Đăng Khoa (23 tuổi), công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3. Căn nhà cấp bốn cũ kỹ trên đường Ngự Bình bao trùm nỗi đau thương, mất mát. Mỗi khi gió thốc tới, mái tôn cũ lại rít lên như cố sức chở che cho những mảng tường đã loang lổ, bong tróc vì “ngậm” quá nhiều nước mưa. Bên trong căn nhà ấy, di ảnh của Khoa đã được chuẩn bị. Tốt nghiệp Cao đẳng Công nghiệp Huế, Khoa xin vào làm công nhân điện tại thủy điện Rào Trăng 3 và chỉ mới được ký hợp đồng cách đây hai tháng. Người thân của Khoa giờ không dám hy vọng vào phép màu nào nữa. Họ chỉ biết mong ngóng ngày đưa thi thể Khoa về để cậu thôi không còn lạnh lẽo. Cố gượng dậy thân thể tiều tụy, bà Ni vén lọn tóc rối, kể: “Thằng Khoa nó hứa sẽ về nhà sớm nhưng giờ này chưa về nữa con ơi. Nó đẹp trai lắm, mấy đứa con gái trong xóm thích nó lắm. Mà nó ra trường là lao vào công việc, được bao nhiêu tiền đưa tôi cất hộ chứ không dám tiêu xài chi nhiều”. Ông Nguyễn Đình Hoàng, cha của Khoa, những ngày này chỉ biết lựa lời an ủi vợ. Khi kể về cậu con trai, nước mắt ông Hoàng lại lăn dài trên má. Có lẽ cả quãng đời còn lại ông Hoàng không thể quên được câu nói cuối cùng của Khoa qua chiếc điện thoại được mở loa lớn: “Mẹ ơi, ở đây mưa to lắm”. Sau câu nói ấy, điện thoại của Khoa không còn liên lạc được nữa, chỉ còn những tiếng “tút tút” đầy ám ảnh. Ông Hoàng cho biết gia đình nghèo, bản thân ông mang nhiều bệnh trong người. Còn bà Ni làm công nhân may nên thu nhập chỉ đủ ăn, cả gia đình chi tiêu chắt bóp. Ông Hoàng kể: “Khi bắt đầu đi làm ở thủy điện Rào Trăng 3, Khoa đã hứa với cha mẹ sẽ chăm chỉ làm việc, cố sức tiết kiệm tiền rồi vay thêm ngân hàng để cha mẹ sửa lại căn nhà cho kiên cố hơn”. Nghe xong câu nói ấy, những người thân, những hàng xóm đều nghẹn đắng trong cổ họng... |