vĐồng tin tức tài chính 365

Gian nan huy động vốn cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021

2020-10-22 09:05

Gian nan huy động vốn cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) - Số vốn cần huy động từ các nguồn trong nước khác dự kiến khoảng 227.357 tỉ đồng – chiếm tỷ trọng 39,2% tính trên tổng giá trị vốn vay cần huy động cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021 - hiện vẫn chưa xác định được nguồn cụ thể.

Số vốn chi cho đầu tư phát triển những năm tới có nguy cơ giảm sút do áp lực từ nợ công. (Ảnh: Thành An).

Ngân sách trước áp lực “đỉnh” nợ giai đoạn 2020 – 2021

Báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 được Chính phủ gửi tới Quốc hội cho biết, Dự kiến kế hoạch vay, trả nợ công năm 2021, Chính phủ cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 579.772 tỉ đồng, gồm: vay bù đắp bội chi khoảng 318.870 tỉ đồng, vay để trả nợ gốc khoảng 260.902 tỉ đồng.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong năm 2021 khoảng 368.276 tỉ đồng, gồm: trả nợ trong nước khoảng 323.093 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 45.183 tỉ đồng - bằng khoảng 27,4% thu ngân sách Nhà nước - vượt ngưỡng Quốc hội cho phép đối trong giai đoạn 2016-2020 là 25%.

Lý giải điều này, Chính phủ cho biết nguyên nhân chính là do các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 với giá trị là 187.001 tỉ đồng - chiếm 13,9% thu ngân sách Nhà nước trong cùng năm.

Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài về cho vay lại năm 2021 là khoảng 27.628 tỉ đồng, gồm trả nợ gốc 21.301 tỉ đồng và trả lãi vay 6.327 tỉ đồng.

Dự báo của Chính phủ là đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại và khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại, nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại và khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại.

Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước có thể lên mức 27,4% nên cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này.

Trước đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội từng cảnh báo rủi ro khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao trong hai năm 2020 và 2021 dẫn tới rủi ro thanh khoản. Cụ thể, năm 2020 phải trả nợ gốc trong nước 150.000 tỉ đồng và con số này tới năm 2021 sẽ tăng lên 211.000 tỉ đồng.

Với trái phiếu Chính phủ trong nước, nghĩa vụ trả nợ tập trung vào một số thời điểm trong năm 2020 và 2021. Riêng năm 2020 phải trả khoảng 166.000 tỉ đồng nợ gốc với đỉnh nợ xuất hiện vào tháng 10. Bước sang năm 2021, nghĩa vụ trả nợ gốc khoảng 204.800 tỉ đồng.

Ngoài ra, khoản trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ trị giá 1.700 triệu Đô-la Mỹ sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021 cũng đòi hỏi phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.

Không chỉ phải giải quyết các khoản nợ đến hạn, Ủy ban Tài chính ngân sách còn cảnh báo việc phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài nhằm tái cơ cấu các khoản nợ vay sẽ gặp nhiều khó khăn do quy mô thị trường trái phiếu nhỏ, tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế.

Ngoài ra, ưu đãi với các khoản vay ODA giảm dần sẽ buộc Chính phủ phải huy động các khoản vay mới kém ưu đãi hơn nhiều để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn. Từ đó, làm tăng rủi ro và chi phí huy động vốn của Chính phủ.

Thêm vào đó, rủi ro lãi suất với các khoản nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỉ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng, còn thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn.

Cuối cùng, danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu tập trung vào những loại tiền biến động lớn trong thời gian qua là Yên Nhật (JPY), Đô-la Mỹ (USD), Euro (EUR) cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị danh nghĩa các khoản nợ.

Nguy cơ thiếu vốn cho đầu tư phát triển

Chính phủ cho biết rủi ro thanh khoản cho ngân sách trong giai đoạn tới chủ yếu phát sinh từ các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm và một số thời điểm trong năm.

Ngoài ra, khoản vay IDA từ Ngân hàng Thế giới (WB) và khoản vay ADF từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ bắt đầu áp dụng điều khoản trả nợ nhanh, kỳ hạn trả nợ gốc rút ngắn còn một nửa so với điều kiện vay ban đầu.

“Các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc trong 5 năm tới, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cao cho đầu tư phát triển”, Chính phủ dự báo.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh và có nguy cơ vượt ngưỡng 25% trong một số năm sắp tới không chỉ làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách, mà còn tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia. Thậm chí, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Thêm vào đó, áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách để trả nợ đến hạn - chủ yếu là nợ trái phiếu chính phủ - là không hề nhỏ nếu không kiềm chế hiệu quả nhu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách Trung ương, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, gồm: hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn - trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn.

Cuối cùng, số vốn cần huy động từ các nguồn trong nước khác dự kiến khoảng 227.357 tỉ đồng – chiếm tỷ trọng khoảng 39,2% tính trên tổng giá trị vốn vay cần huy động cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021 - hiện chưa xác định được nguồn cụ thể.
 

Xem thêm: lmth.1202-man-gnou-gnurt-hcas-nagn-iod-nac-ohc-nov-gnod-yuh-nan-naig/457903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gian nan huy động vốn cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2021”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools