Bỏ biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) sáng 22-10, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) đề nghị bỏ việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, việc xác định đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ do Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) xác định, trong Luật Xử lý VPHC chỉ xác định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa. |
Bởi vì theo ông, người 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định mà giao UBND cấp xã, nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy quản lý thì không khả thi. Và Điều 140 quy định người sử dụng trái phép chất ma túy từ 14 tuổi đến 18 tuổi có nơi cư trú ổn định và tự nguyện khai báo thành khẩn thì giao gia đình quản lý cũng không phù hợp.
"Ma túy mà giao gia đình quản lý, giáo dục thì rất là khó. Bởi bản thân gia đình cũng chưa hiểu sâu sắc về nguy cơ của việc sử dụng ma túy như thế nào, việc giúp đỡ người bắt đầu sử dụng trái phép chất ma túy cần phải có các cán bộ chuyên môn, hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này", đại biểu phân tích.
Cũng theo ông, tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình ra dự án Luật PCMT (sửa đổi), Điều 24 của dự thảo luật quy định về vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy có hiệu quả hơn rất nhiều. Việc quản lý, giáo dục đều do UBND cấp xã thực hiện, và không chỉ đến lần thứ 3 mới áp dụng như Luật Xử lý VPHC này mà cứ sử dụng trái phép chất ma túy là cho áp dụng ngay.
"Dự án Luật cũng quy định rất rõ nội dung quản lý thế nào, làm gì. Trong thời gian quản lý cho tổ chức xét nghiệm 3 lần, rồi xác định tình trạng nghiện, tư vấn, động viên và giáo dục. Tôi thấy quy định một cách mềm mỏng như Luật PCMT (sửa đổi) sẽ có hiệu quả hơn", ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai lý giải thêm.
Trong khi đó, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, đối tượng từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần quy định ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC chứ không đợi Luật PCMT (sửa đổi). Bởi, đưa một người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tư cách là biện pháp xử lý hành chính thì việc quy định đối tượng, thủ tục, trình tự, thẩm quyền trong Luật Xử lý VPHC sẽ bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ, thống nhất với các biện pháp xử lý hành chính khác.
ĐBQH Đặng Thuần Phong. |
Liên quan đến nội dung bổ sung biện pháp tạm giữ hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 122, dự thảo Luật quy định thời hạn tạm giữ không quá 5 ngày. ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đề nghị cân nhắc quy định này vì "điểm mấu chốt ở đây là họ chưa bị coi là người nghiện ma túy". Bên cạnh đó, tạm giữ người theo thủ tục hành chính là hạn chế quyền tự do đi lại của công dân được Hiến pháp quy định, có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền cơ bản khác.
"Để xác định tình trạng nghiện của một người thì có thể cần thời gian nhiều hơn 5 ngày. Vì vậy, việc này nên để cho ngành y tế thực hiện theo quy trình chuyên môn và tại địa điểm phù hợp...", nữ đại biểu nêu.
Việc đưa đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải nằm ở Luật PCMT (sửa đổi)
Bấm nút tranh luận, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) khẳng định, biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đã được điều chỉnh cả trong Luật PCMT (sửa đổi) và Luật Xử lý VPHC. Cai nghiện gồm biện pháp là bắt buộc và tự nguyện. Cai nghiện bắt buộc có thể ở tại gia đình, cộng đồng, ở xã, phường, thị trấn, các cơ sở cai nghiện công lập hoặc tư nhân.
"Cho nên, đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải nằm ở Luật PCMT (sửa đổi), và chúng ta đã phấn đấu một quá trình rất dài để thay đổi biện pháp hành chính, biến kỹ thuật hành chính từ UBND sang thẩm quyền cho Tòa án hành chính-tư pháp để đưa người đi cai nghiện bắt buộc. Trong đó, xác định rõ tình trạng nghiện để đưa vào cai nghiện. Nếu chúng ta trở lại hành chính thông thường để cho UBND đưa vào thì đi ngược lại xu thế tiến bộ hiện nay", đại biểu nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Luật PCMT hiện hành cũng đã quy định đầy đủ, cụ thể các biện pháp đối với người nghiện ma túy, trong đó có biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện bắt buộc thì nên xem xét trong quá trình thảo luận, cho ý kiến tổng thể về dự án Luật PCMT (sửa đổi) sẽ phù hợp, toàn diện hơn và đúng với phạm vi, đối tượng điều chỉnh.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền. |
Thêm nữa, dự án Luật PCMT (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp này cũng đã quy định cụ thể các trường hợp bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC quy định theo hướng dẫn chiếu Luật PCMT là phù hợp, sẽ tránh được sự xung đột pháp luật...
Tranh luận với đại biểu Mai Thị Phương Hoa về nội dung liên quan đến bổ sung biện pháp ngăn chặn là tạm giữ người để phục vụ cho việc xác định tình trạng nghiện ma túy, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng đây là một vướng mắc rất lớn khi thực hiện Luật PCMT cũng như Luật Xử lý VPHC. Mà trong thời gian vừa qua 3 Bộ là Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế đã có Thông tư số 17 ngày 9-7-2015 quy định về thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, nhưng chủ yếu mới chỉ xác định được những trường hợp hợp tác với cơ quan chức năng.
"Đối với đối tượng không hợp tác thì không có biện pháp nào để xác định được tình trạng nghiện. Vì để xác định tình trạng nghiện phải theo dõi thường xuyên, liên tục trong một thời gian nhất định, ở đây là phải là 3 ngày đối với ma túy dạng thuốc phiện và 5 ngày đối với ma túy dạng tổng hợp thì mới có hội chứng cai nghiện và lúc đó mới xác định được tình trạng nghiện", Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giải thích.
Do vậy, theo ông, nếu không bổ sung một biện pháp mang tính chất tạm giữ hành chính thì không thể khắc phục được tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy trong thực tiễn và rất khó cho cơ quan chức năng khi xác định tình trạng nghiện.