Theo thống kê tính đến ngày 22-10 (giờ Việt Nam, tức còn 12 ngày nữa đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ) của tờ The New York Times, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang bỏ xa đương kim Tổng thống Donald Trump ở hơn 80% các cuộc thăm dò khảo sát trên toàn quốc với cách biệt trung bình dao động 4%-6%. Gần như toàn bộ cử tri các bang dao động cũng phát tín hiệu sẽ về phe ông Biden vào ngày bầu cử. Dù thế, ngay cả trong bối cảnh cực kỳ có lợi như hiện nay, đảng Dân chủ vẫn không thể yên tâm chờ đến ngày có kết quả vì nhiều lý do.
Vết thương năm 2016 chưa lành
Năm 2016, ông Donald Trump chiến thắng bất ngờ trước đối thủ nặng ký hơn - cựu ngoại trưởng Hillary Clinton mặc cho rất nhiều khảo sát thời điểm đó đều dự báo một chiến thắng dễ dàng cho đại diện đảng Dân chủ. Theo đài CNN, rất nhiều thành viên đảng Dân chủ lo kịch bản này hoàn toàn có khả năng sẽ lặp lại. Nỗi lo này lớn đến mức nhiều người còn nghĩ chỉ cần ông Biden có một dấu hiệu tích cực nhỏ nhất thôi cũng sẽ là “điềm báo” thua cuộc vào năm nay. Họ liên tục cảnh báo các thành viên khác không nên ăn mừng quá sớm để rồi hụt hẫng.
Không dừng lại đó, Tổng thống Trump thời gian qua còn nhiều lần có phát ngôn tỏ ý sẽ không chấp nhận chuyển giao quyền lực trong hòa bình nếu thua cử, dù ngày 15-10 ông có đính chính rằng sẽ chấp nhận chuyển giao hòa bình nhưng chỉ khi kết quả bầu cử “trong sạch”. Những diễn biến như vậy càng như đổ thêm dầu vào lửa trong tâm lý chung của phe Dân chủ vì họ không biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày bỏ phiếu.
Theo bà Neera Tanden - Chủ tịch tổ chức Trung tâm vì tiến bộ của nước Mỹ, viễn cảnh Tổng thống Trump tái đắc cử năm nay sẽ là “một thảm họa chấn động” đối với không chỉ đảng Dân chủ mà cả những cử tri trung lập. Bà kể lại rằng nỗi thất vọng hồi năm 2016 khiến bà “tan nát cõi lòng, trở nên mê tín và lo lắng” đến mức “khó chợp mắt mỗi đêm” những ngày này, ngay cả khi những con số đang nghiêng về phía ông Biden.
“Nếu tôi nói với bạn rằng chỉ có 25% khả năng nhà của bạn sẽ bị sập vào ngày mai, bạn sẽ không cảm thấy yên tâm chút nào dù con số này không lớn. Tôi nghĩ điều đó tương tự tình hình hiện nay” - bà Tanden ví von.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc vận động tranh cử ở bang Kansas hồi tháng 9. Ảnh: AP
Biến lo lắng thành sức mạnh
Trong khi đó, ông Guy Cecil, Chủ tịch nhóm vận động tranh cử Priorities USA từng ủng hộ ứng viên Clinton, thừa nhận rằng quả thật có hiện tượng đảng Dân chủ và những người ủng hộ đảng này chưa dám tin vào những lợi thế ứng viên Biden hiện có. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên xem đây là tâm lý bi quan thái quá mà có thể tận dụng để làm tốt công tác chuẩn bị trong giai đoạn nước rút hiện nay.
“Priorities USA đang tận dụng tốt nỗi lo sợ đó, hầu như mọi người đều nỗ lực gấp hai, gấp ba trong việc tổ chức vận động, quyên góp và truyền thông đại chúng. Chúng tôi đã đến rất gần vạch đích rồi và chúng tôi sẽ không nản chí. Theo tôi, nỗi sợ thua cuộc hữu hiệu hơn bất kỳ tâm lý tự mãn nào” - ông Guy Cecil khẳng định, đồng thời chỉ ra rằng lượng hỗ trợ tài chính đổ về chiến dịch tranh cử ứng viên Biden là bằng chứng mạnh mẽ cho quan điểm của ông.
Các cuộc khảo sát chỉ là một lát cắt rất nhỏ vào thời điểm cụ thể nào đó và thời điểm hiện tại đang rất bất lợi cho Tổng thống Trump. Ngày bỏ phiếu càng đến gần và vẫn có khả năng một số cử tri sẽ suy nghĩ lại và cách biệt giữa ông Trump và ông Biden sẽ được thu hẹp. Chuyên gia CAMERON EASLEY, Công ty tư vấn rủi ro Morning Consult (Mỹ) |
Cụ thể, ông Biden đến đầu tháng 10 đã huy động được số tiền lên đến hơn 380 triệu USD, vượt quỹ tài chính của ông Trump tới 130 triệu USD. Ngoài ra, các nguồn tài chính cũng được dồn cho đại diện đảng Dân chủ chuẩn bị ra tranh cử vào Quốc hội. Tại Iowa, một bang vốn có thiên hướng bầu cho đại diện Cộng hòa, ứng viên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Theresa Greenfield thu về tới 28,7 triệu USD trong quý III-2020. Ông Al Gross, ứng viên thượng nghị sĩ Dân chủ bang Alaska, cũng kêu gọi được 9,1 triệu USD vào cùng kỳ.
Trả lời CNN, cựu thống đốc bang Virginia - ông Terry McAuliffe chia sẻ ông chưa bao giờ chứng kiến mức độ “háo hức quyên góp” cho đảng Dân chủ như vậy. Theo ông, hiện tượng này là sự kết hợp giữa tâm lý bồn chồn về một chiến thắng của ông Biden và nỗi lo sợ ông Trump vẫn có thể đảo ngược tình thế.
Ông McAuliffe còn phân tích thêm rằng cử tri năm nay có nhiều động lực để đi bầu hơn so với bốn năm trước cũng như có thêm nhiều lý do để chọn ông Biden hơn. Cụ thể, một phần lý do người dân không đi bầu cử hồi năm 2016 là họ thực sự không cảm thấy bất cứ ứng viên nào có khả năng thay đổi cuộc đời họ một cách sâu sắc. Tuy nhiên, theo ông, “tình huống lần này là một quyết định rõ ràng giữa một nước Mỹ không có ông Trump và một nước Mỹ tiếp tục nằm dưới sự lãnh đạo của ông ấy”. Và “đa số cử tri đều ủng hộ mạnh mẽ một bên nào đó, ở đây là ứng viên Biden”.
Hiện CNN cho biết hầu hết các nhóm hoạt động ủng hộ ông Biden đang tập trung cao độ vào việc vận động cử tri, đặc biệt là giới trẻ cấp tiến, đi bỏ phiếu và đảm bảo lá phiếu của nhóm này được tính.
Một trong những tranh cãi lớn nhất về tiến trình bầu cử Mỹ năm nay là việc đảng Dân chủ đề xuất cho phép cử tri bỏ phiếu qua thư tại các bang mà tình hình dịch COVID-19 còn nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Trump và đảng Cộng hòa liên tục bày tỏ nghi ngờ về độ bảo mật của hình thức này, cho rằng việc bỏ phiếu như vậy có thể dẫn tới gian lận phiếu. Trong khi đó, hầu như giới chuyên gia lẫn đảng Dân chủ đều khẳng định chưa có bằng chứng nào chứng minh lập luận của ông Trump.
Nga, Iran bị tố tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ Hãng tin Reuters ngày 22-10 đưa tin Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe vừa ra tuyên bố cáo buộc Nga và Iran đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Ông Ratcliffe nói rằng “một số thông tin đăng ký bầu cử đã bị tin tặc Iran và Nga xâm nhập và lợi dụng”. Ông cho biết thêm phần lớn thông tin đăng ký của cử tri đều được lưu trữ nhưng lực lượng tình báo đã phát hiện Iran sử dụng các thông tin này để tạo tài khoản giả mạo nhằm hăm dọa cử tri, kích động bất ổn xã hội và gây tổn hại cho uy tín Tổng thống Trump. Trong bối cảnh còn chưa đầy hai tuần nữa sẽ tới ngày bầu cử, thông tin trên cho thấy mức độ cảnh báo của giới chức Mỹ về việc các nhân tố nước ngoài tìm cách làm giảm lòng tin của người dân Mỹ vào sự toàn vẹn của kỳ bầu cử cũng như phát tán thông tin sai lệch nhằm tác động đến kết quả. Trước đó, các cơ quan tình báo Mỹ từng cảnh báo rằng Iran có thể can thiệp để gây tổn hại đối với Tổng thống Trump và Nga có thể giúp ông trong kỳ bầu cử sắp tới, dù phía Nga và Iran đều luôn phủ nhận cáo buộc này. |