Bệnh viện Tacloban thiếu bác sĩ vì họ cũng đã chết trong bão - Ảnh: QUỐC VIỆT
Nhiều gia đình cùng một nhà đã chết hết vì bão, nên không còn ai để an táng. Chính quyền phải chôn mộ tập thể.
Samat (một người dân Tacloban)
Đổ sập, tan nát gần như toàn bộ thành phố. Thậm chí có người đã phải thốt lên: "Chẳng khác gì Tacloban mới bị dội bom nguyên tử".
Siêu bão 100 năm có một
Đã tác nghiệp trong nhiều trận bão lũ miền Trung Việt Nam, nhưng chúng tôi không thể nào quên được những ngày đến Tacloban - thành phố bị tâm siêu bão Haiyan (Philippines gọi là bão Yolanda, còn Việt Nam gọi Hải yến) tàn phá hoàn toàn trong ngày bi thảm 8-11-2013.
Từ sân bay Manila, khi xem vé chuyển tiếp của chúng tôi đi Tacloban, nhân viên hải quan đã vô cùng ngạc nhiên. Bởi chỉ có người Tacloban tháo chạy ra, chứ hiếm ai đi ngược vào tọa độ chết chóc đó.
Sân bay Tacloban đã bị siêu bão phá nát hoàn toàn. Chúng tôi may mắn tìm được chuyến bay vào nhưng chưa biết ra thế nào vì không có chuyến bay ra. Không còn nhà ga, không còn cửa kiểm tra điện tử hoặc bất kỳ tiện ích nào khác. Tất cả chỉ còn là những đống gạch đá, sắt thép đổ nát và những gương mặt ngơ ngác, khóc lóc, đói khát.
Khung cảnh như thời chiến khi quân đội Philippines phải dùng tay và chó nghiệp vụ kiểm tra hàng hóa chúng tôi ngay bên đống đổ nát. Nhưng cảm giác sốc nhất là khi chúng tôi vừa ra khỏi sân bay đã ngửi thấy mùi tử khí bốc lên nồng nặc, bao trùm cả thành phố.
Khó ai cầm được nước mắt khi cuồng phong đi qua để lại xác người khắp nơi. Nhiều người bị vật đổ đè chết, nhiều người chết đuối trong nước dâng. Không chỉ người già, phụ nữ, trẻ em, mà rất nhiều thanh niên cũng không qua khỏi…
Những người may mắn thoát nạn vật vờ qua lại các thi thể. Họ không còn tâm trí và sức lực để dọn dẹp thi thể đồng loại. Nhà nước Philippines cho biết gần 7.000 người dân chết và mất tích vì cơn bão này, mà nhiều nhất là ở thành phố Tacloban, sau đó là các vùng lân cận như Cebu, Ormoc… Tuy nhiên, theo các nguồn tin quốc tế, số nạn nhân thương vong có thể còn cao hơn nhiều do thiếu số liệu thống kê đầy đủ từ các vùng nông thôn cũng bị cuồng phong tàn phá.
Thảm họa bắt đầu vào khoảng 4h30 ngày 8-11-2013, khi siêu bão Haiyan từ Tây Thái Bình Dương ập vào đảo Samar, Philippines, sau đó quét qua các đảo Leyte, Cebu, Panay… với tốc độ 40km/h. Theo các số liệu Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Mỹ, sức gió giật nơi tâm bão Haiyan đi qua đã lên 380km/h, tức siêu bão đến cấp 5 theo thang bão Saffir - Simpson. Đây là cấp độ đại thảm họa trong lịch sử bão Thái Bình Dương.
Trước khi chúng tôi có mặt ở Tacloban, mạng xã hội đã xuất hiện những hình ảnh gây sốc. Ai đó dùng điện thoại truyền hình ảnh trực tiếp sóng to gió lớn khi bão gần đổ bộ, rồi bất ngờ hình ảnh tắt ngang. Sau này, những người may mắn thoát chết ở Tacloban cho rằng người quay phim có thể đã chết liền lúc đó vì đối mặt trực tiếp với cơn bão ngay bờ biển.
Thành phố biển xinh đẹp Tacloban thu hút khách du lịch đã không còn hình hài gì khi chúng tôi đến. Cầu cảng bằng bêtông bị đánh sập hoàn toàn. Một con tàu hàng khoảng 3.000 tấn bị nước dâng và gió bão đẩy sâu vào thành phố, cách xa bãi biển đến mấy trăm mét.
Đại lộ gần tòa nhà thị chính với hàng cổ thụ có gốc to phải từ hai vòng tay người ôm bị bão quật đổ hoàn toàn. Nhưng hình ảnh đó vẫn chưa là gì nếu nhìn những cây cột điện bằng thép ống kiên cố cũng bị gió bão quật sát đất như bị xe tăng cán qua. Khoảng 90% nhà dân đổ sập hoàn toàn. Ngay các khách sạn, trụ sở được xây dựng kiên cố cũng vỡ vụn.
Samar, người chồng bất hạnh khi vợ và đứa con gái không thoát khỏi cơn bão, đã khóc, kể với chúng tôi: "Năm nào dân ở đây cũng chịu nhiều trận bão biển, nhưng chưa bao giờ bị trận bão kinh khủng cỡ này. Những ai may mắn không bị vật đổ đè chết thì lại chết đuối với nước biển ào ào dâng cao đến 3-4 mét".
Hình ảnh ngấn nước mà chúng tôi ghi nhận được lên đến tầng 2 các căn nhà, thậm chí nhiều người sống sót vẫn còn hoảng sợ khẳng định "sóng thần tràn qua cả các mái nhà cao hai, ba lầu".
Toàn bộ hệ thống dịch vụ công cộng, hạ tầng của Tacloban bị tê liệt hoàn toàn. Bệnh viện trung tâm thành phố may mắn không bị hư hại nặng thì lại thiếu bác sĩ và thuốc men để chữa trị người bị thương. Lúc chúng tôi có mặt, rất đông bệnh nhân nằm ngồi la liệt nhưng không thấy mấy nhân viên y tế chữa trị. Họ nói rằng nhiều "bác sĩ đã chết trong bão, còn thuốc men thì hư hại hết rồi".
Cảnh đói hiện diện khắp nơi trong thành phố du lịch từng rất sầm uất. Nhiều người đã kiệt sức nhưng vẫn cố gắng bới móc tìm gì đó còn sót lại dưới các ngôi nhà đổ nát, trẻ em mất người thân ngồi lả bên đường. Ngay trong bệnh viện, một em bé đã thều thào cho chúng tôi biết hai ngày qua chưa được ăn gì. Khi chúng tôi tặng những cái bánh quy mang theo, em bé như không còn đủ sức xé vỏ bao để ăn…
Người chết vì bão quá nhiều phải bỏ tạm túi đựng để ở ngay lề đường - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cầu cứu quốc tế
Tacloban là thành phố của một hòn đảo nên công tác cứu hộ, cứu trợ sau bão gặp rất nhiều khó khăn vì không thuận tiện giao thông. Những hình ảnh cứu trợ đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy là Hải quân Mỹ đến từ tàu sân bay và tàu chiến. Khu vực thảm họa quá rộng và quá nặng nề, nhưng lực lượng cứu trợ Mỹ làm việc khá nhanh và bài bản.
Việc đầu tiên họ làm là dựng ngay các trạm phát sóng di động và chạy máy phát điện để người còn sống có thể gọi điện thoại tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân ở các nơi khác. Sau đó, các máy bay trực thăng vận tải Osprey chở bánh quy năng lượng cao và nước sạch đến cứu giúp người dân bị đói. Thậm chí, họ còn chở theo cả các bao tải đựng thi thể để hỗ trợ thành phố tránh nguy cơ bệnh dịch lây lan sau bão.
Sau đoàn Mỹ, các đoàn cứu hộ, cứu trợ Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cũng nhanh chóng có mặt với thuốc men và thực phẩm. Họ làm việc rất chuyên nghiệp, theo đúng thứ tự cái gì cần trước thì làm trước. Chắc chắn chính quyền Philippines sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng nếu không có các đoàn quốc tế rất chuyên nghiệp này giúp đỡ.
Có nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao Philippines lại bị thiệt hại nhân mạng như thế, đặc biệt là ở thành phố Tacloban, trong khi trước đó siêu bão này cũng quét qua đảo Palau mà ít người chết? Cơ quan chính phủ Philippines trả lời rằng do đây là siêu bão ở cấp độ khủng khiếp mà cả 100 năm nước này mới bị.
Với sức gió bão lên đến khoảng 300 km/h, giật hơn 350km/h, thì sự phá hủy hàng loạt nhà cửa dẫn đến nhiều thương vong là khó tránh khỏi. Đặc biệt nơi tâm bão đi qua lại là các thành phố bờ biển không cao hơn bao nhiêu so với mực nước biển, nên thiệt hại chồng thiệt hại khi nước biển tràn lên.
Tuy nhiên, ngoài thông tin chính thức này, nhiều cơ quan quốc tế cũng cho rằng Philippines đã không dự báo đúng mức độ thiệt hại nghiêm trọng cùng với cấp siêu bão. Từ đó họ đã thiếu chuẩn bị và không kịp thời sơ tán người dân ở các thành phố gần biển. Chính vì vậy mới có hình ảnh người dân thản nhiên đứng quay phim bão đổ bộ và thiệt mạng ngay sau đó...
Siêu bão Haiyan sau khi tàn phá Philippines đã vào Biển Đông, đe dọa miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó bão thay đổi hướng liên tục, giảm cấp dần và ngược lên phía Bắc. Sáng 11-11-2013, tâm bão Haiyan đi vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng ở cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Bão cũng gây thiệt hại cho Việt Nam nhưng không nghiêm trọng như Philippines do có sự chuẩn bị cẩn thận trước và bão cũng đã giảm cấp.
Thị trấn rốn lũ La Faute-sur-Mer được mệnh danh là "vùng trũng tử thần". Sau cơn bão kinh hoàng Xynthia, người đứng đầu chính quyền phải ra trước vành móng ngựa.
Kỳ tới: Một cơn bão và nhiều bài học
TTO - Người đàn ông lội nước đội tấm nệm trên đầu. Phụ nữ chở nồi niêu, xoong chảo trên chiếc xuồng cũ kỹ. Mấy thanh niên vội vã đắp con đê cát ngăn nước tràn vào các túp lều vách đất bị thủng...
Xem thêm: mth.57485300222010202-nayiah-oab-ueis-auc-teid-yuh-us-4-yk-on-gnouc-neihn-neiht/nv.ertiout