Ngày 23.10, tại TP.HCM, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì.
Cần tăng mức hỗ trợ dạy nghề
Tại hội nghị, bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết thực tế chính sách công tác đào tạo nghề chưa gắn chặt với nhu cầu thực tế của xã hội. Như tại Bình Dương, do các điều kiện tiếp cận quá khắt khe nên chưa có doanh nghiệp nào gửi hồ sơ đăng ký hỗ trợ tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho người lao động từ nguồn kinh phí của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Mặt khác, với mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng BHTN chỉ 1 triệu đồng/người/tháng và không quá 6 tháng là quá thấp.
“Người lao động đang thất nghiệp muốn tham gia đào tạo ngành nghề kỹ thuật cao phải đóng thêm tiền trong khi bản thân họ chỉ muốn tìm việc ngay để có tiền trang trải cuộc sống”, bà Mai chỉ ra bất cập. Do đó, bà Mai đề nghị cần sửa đổi quy định về việc làm theo hướng đảm bảo các chính sách đãi ngộ, dạy và học nghề phù hợp với tình hình hiện nay; tăng mức hỗ trợ dạy nghề cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)...
Quang cảnh hội nghị Ảnh: Phạm Thu Ngân |
Mức lương trung bình của người lao động còn thấp
Cũng tại hội nghị, vấn đề tiền lương để người lao động đảm bảo cuộc sống cũng được đặt ra. Đại diện LĐLĐ tỉnh Gia Lai cho biết chính sách tiền lương hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đời sống, mức lương của người lao động hiện chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động, giá trị các loại hàng hóa.
Ông Trần Việt Hóa, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau nhìn nhận với mức lương trung bình của người lao động còn thấp nên họ chưa phát huy hết khả năng và tái tạo sức lao động của mình. Do vậy, ngoài việc rà soát, bổ sung chính sách phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, nước ta cần hoàn thiện chính sách tiền lương để đảm bảo cuộc sống cho người lao động, tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận các nội dung trong dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chính sách đối với người lao động rất căn bản và mang tính chất đột phá. Với những vấn đề mới được đặt ra, ông Hải kỳ vọng Trung ương cụ thể hóa bằng các chính sách, quy định để tương lai không xa, người lao động được hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế xã hội, hưởng thụ phúc lợi xã hội đầy đủ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì hội nghị Ảnh: Sỹ Đông |
Theo ông Hải, vấn đề tiền lương phản ánh giá trị thị trường về sức lao động nhưng cũng đặt ra chính sách của người lao động, nếu làm tốt sẽ giúp cho cuộc sống của người lao động không chỉ được cải thiện mà khoảng cách của người lao động với các tầng lớp khác trong xã hội sẽ được thu hẹp. Quan trọng nhất là người lao động cảm nhận được sự đóng góp của mình cho xã hội và nhận được sự quan tâm toàn diện.
Về chính sách BHTN cho người lao động, ông Hải nhìn nhận trước sức ép của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4, nhiều lĩnh vực lao động mới xuất hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ các ngành thâm dụng lao động vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng cơ cấu lực lượng lao động. Đây là lực lượng chịu ảnh hưởng trước mắt nên các chính sách BHTN phải thay đổi căn bản để mở ra cơ hội học tập cho người lao động, giúp họ sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi môi trường làm việc.
“Nếu học nghề trong thời gian dài thì người lao động làm sao sống được. Cần có chính sách đào tạo để người lao động học ở một bước để có việc làm, và chuẩn bị học thêm những kỹ năng cần thiết để có thu nhập lớn hơn trong tương lai”, ông Hải nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 20.10, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII công bố dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để lấy ý kiến nhân dân. Thời gian công bố lấy ý kiến nhân dân tiến hành từ 20.10 - 10.11.2020. |