2 giờ sáng, khi nhiều người còn đang ngon giấc cũng là lúc chị Nguyễn Thị Huệ (phường Tân Đông Lập, Dĩ An, Bình Dương) nhẹ nhàng trở dậy đắp lại chăn, hôn tạm biệt các con chuẩn bị đi làm.
Nghề chọn người
Mở cửa thật khẽ để các con không thức giấc, chị Huệ ra khỏi nhà rồi mặc vội chiếc áo khoác, lái xe đến chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) lấy hàng. Từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành thiết kế thời trang nhưng có lẽ do “nghề chọn người chứ người không chọn nghề” mà cuối cùng chị lại gắn bó với chiếc vô lăng.
Dừng xe tại điểm lấy hàng, chị Huệ cầm giấy điểm nhanh thông tin các loại rau, số lượng khách đã đặt rồi tự bốc hàng chất lên rất gọn gàng. Hầu hết tài xế đến đây là nam, nhiều người ngỡ ngàng khi thấy chị quần quật làm việc không thua kém ai. Nghỉ tay lau mồ hôi trên trán, chị kể: “Trước đây gia đình mình cũng kinh doanh vận tải nên mình theo anh trai lái xe để phụ giúp những khi thiếu người. Cứ như thế mà trở thành nghề và gắn bó luôn đến giờ”.
Sau bốn điểm dừng bốc đủ hàng theo yêu cầu của khách, chị Huệ bắt đầu đi giao thực phẩm cho các bếp ăn tập thể của các công ty tận Củ Chi (TP.HCM). Đến nơi, chị mở thùng xe, vác từng bao rau củ nặng trịch xuống xếp cẩn thận. Giao xong số hàng, chị dựa lưng vào xe uống ngụm nước, thở phào: “Thế là tạm xong rồi đó. Nghề này hôm nắng ráo còn đỡ, bữa nào trời mưa cực hết biết, bốc hàng nặng mà còn trơn trượt, té là chuyện cơm bữa”.
Đồng hồ chỉ 5 giờ sáng, chị Huệ lên xe nổ máy về nhà kịp giờ đưa con đi học. Trên đường gặp hàng bánh mì chị tranh thủ mua một ổ, vừa lái xe vừa ăn lót dạ. Tới nhà, hai con của chị - bé gái học lớp 4, bé trai mới mẫu giáo đã dậy, áo quần tươm tất chờ mẹ. Xuống xe, không kịp vào nhà, chị lẹ làng dắt chiếc xe máy ngoài hiên chở con đi ăn sáng rồi đưa chúng tới trường.
Chị Huệ lái xe đi lấy hàng. Ảnh: TỰ SANG
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa những lần lấy hàng của chị Huệ. Ảnh: ĐÀO HÀ
Một mình gánh trọn hai vai
Từ nhỏ chị Huệ đã không nhận được tình yêu thương của cha mẹ một cách trọn vẹn. Cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ đã khiến chị, một đứa trẻ 10 tuổi khi ấy, trở nên yếu đuối, dễ tủi thân. Tiếp đó, người anh duy nhất cũng ra đi mãi mãi khiến chị dường như sụp đổ hoàn toàn. Chị gọi đó là “những ngày không có gì cả”.
Thời gian trôi qua, chị Huệ lập gia đình, hai đứa con lần lượt ra đời. Tưởng chừng sau tất cả chị sẽ được bù đắp nhưng rồi cuộc hôn nhân ấy cũng không đi đến đâu. Những lúc rơi vào cùng cực, chị từng có ý định tìm đến cái chết do trầm cảm một thời gian dài nhưng hình ảnh mẹ già phải vào chăm sóc mình từ thay tã, đút ăn, hình ảnh hai đứa con nhỏ ngóng mẹ trở về đã giúp chị đứng dậy. Vượt qua những cú sốc về tinh thần, chị gồng lên làm tròn hai vai vừa là mẹ vừa là cha.
Một mình nuôi hai con nhỏ, công việc bận rộn không cố định thời gian đòi hỏi chị Huệ phải thu xếp thời gian để vừa hoàn thành công việc, vừa chu toàn việc nhà. Những chuyến xe hàng của chị thường bắt đầu từ khuya nay và kết thúc vào sớm hôm sau. Tạm xong việc, chị vội vã về nhà đưa hai con đi học, sau đó quay về dọn dẹp, đi chợ, nấu ăn… Nếu có những chuyến hàng khác lại nhận chở để kiếm thêm. Cứ quay cuồng với công việc như thế, mỗi ngày chị chỉ ngủ được vài giờ ít ỏi.
Những ngày nhận chở hàng xa, chị Huệ phải nhờ người đưa đón con đi học. Có lần giáp tết, phải chở hoa từ Đà Lạt xuống TP.HCM, lúc mệt quá chị chỉ thầm mong có người lái xe thay mình một đoạn, chỉ một đoạn thôi. Nhìn mọi người hối hả về nhà đón tết chị tủi thân rơi nước mắt, vậy nhưng vẫn phải kìm cảm xúc, ráng lái xe an toàn giao cho kịp chuyến hàng.
Mạnh mẽ trong công việc nhưng khi về nhà, chị luôn là một người mẹ dịu dàng. Trong những lần tâm sự cùng con, chị chia sẻ về công việc để giúp các con hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Mỗi lúc có thời gian, chị lại đọc truyện, dạy các con học bài, tâm sự, nấu những bữa ăn ngon để các con không bao giờ cảm thấy bị thiệt thòi. “Chỉ cần các con khỏe, vui, có cuộc sống đầy đủ là mình hạnh phúc, dù có cực khổ đến đâu. Mình tin rằng sự quan tâm, sự cố gắng, yêu thương sẽ xoa dịu mọi thứ, chắc chắn thế!” - chị nói.
Huệ là đứa con hiếu thuận, mỗi lần bệnh tôi đều giấu chứ nó mà biết thế nào cũng bỏ hết công việc tất bật chạy về lo cho mẹ. Nó làm nghề lái xe nên mỗi khi nghe đài, đọc báo mà thấy có tai nạn tôi đều lo sợ. Tôi thương con, nhiều lần khuyên bỏ nghề, kiếm nghề khác mà nó không nghe. Thôi thì cái nghề đã vận vào mình, đành chịu. Nhìn Huệ mạnh mẽ vậy thôi nhưng trong lòng nó nhiều nỗi niềm, dễ tổn thương lắm! Bà Nguyễn Thị Châu, mẹ chị Huệ Là phụ nữ nhưng Huệ rất mạnh mẽ, đa tài trong công việc lẫn cuộc sống. Cô ấy có thể làm những việc nặng nhọc mà đàn ông chúng tôi thường làm, từ lái xe tới khuân vác… Thực sự rất vất vả. Anh Sơn Vũ, bạn chị Huệ |