vĐồng tin tức tài chính 365

Tiếp tục bổ sung nguồn lực cho các tỉnh miền Trung vượt qua thiên tai khốc liệt

2020-10-24 21:45

Tiếp tục bổ sung nguồn lực cho các tỉnh miền Trung vượt qua thiên tai khốc liệt

T.H

(TBKTSG Online) - Trước tình hình diễn biến lũ lụt nghiêm trọng và khốc liệt tại các tỉnh miền Trung, sáng 24-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh bị ngập nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Tại cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung diễn ra tại Quảng Bình, Thủ tướng nhấn mạnh "sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực cho các tỉnh miền Trung".

Người dân Quảng Bình khắc phục hậu quả sau lũ, chuẩn bị ứng phó với bão số 8. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại cuộc làm việc, các địa phương khẳng định quyết tâm tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”.

Rút ra những bài học kinh nghiệm

Về bài học kinh nghiệm rút ra từ việc phòng chống đợt bão lũ này, các ý kiến đều nhấn mạnh phương châm “4 tại chỗ”. Lấy phòng là chính, do đó, cần nâng cao năng lực dự báo.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tập trung tìm kiếm 13 công nhân mất tích tại Rào Trăng 3. Sáng nay, đã khơi thông đường đến Rào Trăng 3. Đối với tỉnh, đã qua giai đoạn hỗ trợ khẩn cấp và hiện chuyển sang giai đoạn hỗ trợ phục hồi, tái thiết như cây giống, con giống, khôi phục cơ sở hạ tầng như trường học, giao thông…

Với các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chuyển đến nhiều, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, các cấp cơ sở phải nắm chắc “nơi nào cần hỗ trợ, hộ nào cần hỗ trợ, hỗ trợ cái gì” để điều phối hợp lý.

Qua đợt mưa lũ này, tỉnh Quảng Trị cho rằng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, do đó, cần quan tâm việc dự báo thời tiết cho từng vùng, từng khu vực cụ thể. Địa hình khu vực miền Trung là dốc nên mưa to, lũ lên rất nhanh. Sau lũ thì tài sản của người dân cơ bản mất hết. Do đó, việc hỗ trợ sinh kế để bảo đảm cuộc sống sau lũ rất quan trọng.

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, việc di dời người dân phải cương quyết, bởi nhiều người dân xót của, trốn ở lại nhà, có hộ phải đến kêu gọi di dời 4 lần. Tỉnh đã huy động các cơ sở sấy lúa, hỗ trợ kinh phí để giúp bà con. Huy động các lực lượng để lũ rút đến đâu thì vệ sinh môi trường đến đấy, sớm đưa học sinh trở lại trường học, không để dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các địa phương cần rà soát kỹ mức thiệt hại, xác định rõ nhu cầu của từng địa bàn, từng khu dân cư và công bố công khai trên mạng để quản lý, điều phối tốt hơn các nguồn hỗ trợ, nhất là đối với các nhóm, cá nhân tự phát, tránh tình trạng nơi thì thiếu, nơi thì nhận quá nhiều.

Đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh miễn phí chỗ ở khách sạn cho các đoàn cứu trợ, Hội Chữ thập đỏ cho rằng, ngành giao thông vận tải nên xem xét việc miễn phí cầu đường cho các đoàn cứu trợ đến các tỉnh miền Trung.

Một số ý kiến cho rằng, cần sớm khắc phục giao thông thì hàng hóa cứu trợ mới đến được nhiều hộ dân hơn.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cam kết bảo đảm thông suốt mọi tuyến quốc lộ, đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục các tuyến tỉnh lộ.

Ứng phó biến đổi khí hậu một cách lâu dài, bền vững

Hoan nghênh các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đợt lũ lần này ở miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích). “Như anh Võ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình có nói, nếu Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo mà không kịp di dời thì sẽ mất thêm 20 cán bộ, chiến sĩ nữa”, Thủ tướng chia sẻ. Mặc dù vậy, tổn thất do mưa lũ vẫn rất lớn.

Biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng bày tỏ, qua lũ lụt, thiên tai, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta, rất đáng trân trọng, tự hào.

Cần rút một số kinh nghiệm sau đợt mưa lũ này, Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm và tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất, “có ý thức từ khi đặt móng nhà cho đến chọn vị trí là rất quan trọng”.

Thứ hai, là phải cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó, nhất là công nghệ dự báo trượt đất, hiện là một khâu yếu của chúng ta.

Kinh nghiệm nữa là Việt Nam đã lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước để có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế. Đặc biệt, các thành phố lớn ở Việt Nam cần đi đầu, tiên phong cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần quyết định vào việc hoàn thành mục tiêu của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm thải khí nhà kính, đồng thời qua đó giúp huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

“Chúng ta phải nhanh chóng để đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân các tỉnh miền Trung trong vùng lũ lụt”, Thủ tướng nói. Đi liền với đó, đảm bảo sinh kế cho người dân, “nhất là thời vụ cận kề, cấp sớm các loại giống, không chỉ lo trước mắt mà phải lo cả lâu dài, lo vụ sắp tới đây phải làm gì để người dân có thể sống được”.

Đồng thời cần tiếp tục vận động hệ thống chính trị và người dân, cán bộ, công nhân viên với tinh thần tự cường, tự cứu, huy động các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội hỗ trợ người dân. “Bây giờ các đồng chí địa phương ở trong vùng lũ này cần bao nhiêu sư đoàn, bao nhiêu đơn vị có liên quan để hỗ trợ cho người dân”.  Thủ tướng cho biết, lực lượng công an sẵn sàng điều động vài trung đoàn nữa cùng với Quân đội nhân dân để hỗ trợ các địa phương.

Các bộ, ngành trung ương có trách nhiệm cụ thể hỗ trợ cho vùng lũ, từ cây con giống đến cung cấp điện lực, bổ sung kinh phí, thuốc men, tăng cường lực lượng khám chữa bệnh… “Một tinh thần là không để người dân thiếu đói, dịch bệnh, màn trời chiếu đất”, Thủ tướng nêu rõ.

Kinh nghiệm nữa cần rút ra là phát triển thủy điện theo quy hoạch và an toàn, tốt hơn nữa, hạn chế phát triển thủy điện nhỏ; tiếp tục trồng rừng mạnh mẽ hơn với các loại cây có bộ rễ bám sâu, gỗ lớn; ứng dụng công nghệ để thông tin đến người dân kịp thời hơn.

Các tỉnh miền Trung sẽ được tiếp tục bổ sung thêm nguồn lực, Thủ tướng nói. Trong kế hoạch 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ bố trí nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh miền Trung cũng như các vùng thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu nặng nề bằng cả nguồn ngân sách Nhà nước và vốn ODA.

Tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu sửa Nghị định 63 và Nghị định 136 về một số điểm bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, bảo đảm quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 8, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải lắng nghe, tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, “đừng để do lũ lụt mà đình trệ các công việc ở địa phương”, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đề ra năm 2020.

“Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung cũng như Việt Nam cũng như tương lai con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa”, Thủ tướng bày tỏ.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong gần một tháng qua, tại sáu tỉnh duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh-Quảng Nam) liên tiếp chịu ảnh hưởng của ba cơn bão (số 5, 6, 7) và hai áp thấp nhiệt đới đã gây ra hai đợt mưa lớn kéo dài; tổng lượng mưa phổ biến trên l.000 mm.

Lũ lớn, đặc biệt lớn xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó có bốn tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử gây ngập lụt trên phạm vi rộng, làm 317.597 hộ/1.200.916 người bị ngập tại 427 xã thuộc sáu tỉnh từ Hà Tĩnh-Quảng Nam và kéo dài ngày (nơi dài nhất 15 ngày); trong đó Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với 109.254 hộ/437.016 người, có nơi ngập sâu đến 2-3m (các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh).

Do mưa đặc biệt lớn kéo dài đã gây sạt lở đất khu vực miền núi hết sức nghiêm trọng (268 điểm sạt lở).

Theo thống kê bước đầu của các địa phương, mưa lũ đã làm 142 người chết và mất tích (tính đến 17 giờ ngày 24-10); 37.524 ngôi nhà bị hư hỏng; 1.325 ha lúa và 12.479 ha hoa màu bị hư hại; 6.824 con gia súc, 937.823 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 20,2 km đê kè; 116 km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 43km bờ sông, bờ biển bị sạt lở 16 tuyến Quốc lộ/163,15km và 161,88 km đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng... Hiện các địa phương đang tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại.

Đợt thiên tai này đã gây ra thiệt hại rất lớn về người, tài sản, kết cấu hạ tầng cơ sở sản xuất; phải mất rất nhiều công sức, thời gian, tiền của mới phục hồi, tái thiết lại được.

 

Tổng hợp từ baochinhphu.vn, TTXVN

Xem thêm: lmth.teil-cohk-iat-neiht-auq-touv-gnurt-neim-hnit-cac-ohc-cul-nougn-gnus-ob-cut-peit/068903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tiếp tục bổ sung nguồn lực cho các tỉnh miền Trung vượt qua thiên tai khốc liệt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools