Bé Nam Hoàng cùng mẹ và bà đếm số tiền từ con heo đất mà bé tiết kiệm từ tết - Ảnh: NHẬT THỊNH
Nước rút rồi, giờ là lúc bà con cần đồng bào chia sẻ để gượng dậy sau lũ, cần tiền sửa sang nhà cửa, phụ huynh cần tiền mua sách vở cho học trò đi học lại.
"Chúng tôi sinh sống ở TP.HCM, ngày trước vào đợt lũ ở miền Trung năm 1999, tôi là nhân viên y tế tại thành phố được tham gia cứu trợ đồng bào mình nên rất thấu hiểu nỗi khổ của họ. Năm nay đợt lũ còn khủng khiếp hơn, tôi không có gì ngoài ít tiền lương hưu quyết định gửi ra miền Trung" - bà Thái Thị Tuyết Mai kể. Bà đến tòa soạn cùng con dâu, cháu nội (4 tuổi) và cả số tiền từ heo đất của bé.
"Gia đình cho bé nuôi heo đất để tập thói quen tiết kiệm. Đọc báo, thấy Tuổi Trẻ vận động quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung, gia đình khuyến khích bé dùng số tiền bỏ heo để cùng giúp đỡ các bạn ở miền Trung mua sách vở đi học, bé đồng ý và rất vui", chị Nguyễn Thị Minh Hường, mẹ bé, nói.
Chị Bạch Ngọc - Công ty VietGym (quận 7) - cho biết công ty quyết định "khui" thùng quyên góp ở công ty sớm hơn mọi năm để góp vào ủng hộ miền Trung. "Đây là thùng quyên góp từ thiện khách hàng và nhân viên công ty cùng đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Thay vì cuối năm mở thùng, năm nay mở sớm hơn vì đang lúc bà con cần chia sẻ. Đợt này nhiều người đóng góp thêm", chị chia sẻ khi đến gửi số tiền gần 12 triệu đồng.
Giữa trưa, xong cuốc xe giao hàng ở gần tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ông Phú (63 tuổi) đã ghé qua đóng góp 1 triệu đồng cho đồng bào miền Trung. "Gia đình chúng tôi không giàu có gì nhưng luôn có một khoản quỹ nhỏ để làm các việc từ thiện, trích ra từ thu chi hằng ngày. Giờ thấy bà con miền Trung cần giúp thì mình lấy ra đóng góp thôi", ông Phú nói.
Hai đầu bếp trẻ Nguyễn Tự Tin (28 tuổi) và Nguyễn Tiến Đạt (26 tuổi) ở quán phở Sâm Ngọc Linh (Bình Dương) cũng đã đến Tuổi Trẻ đóng góp 50 triệu đồng. Từng tham gia cuộc thi tìm kiếm người nấu phở ngon trong chương trình Ngày của Phở do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tiến Đạt đã giành được danh hiệu Hoa hồi vàng dành cho 5 đầu bếp xuất sắc nhất.
"Sau cuộc thi, chúng tôi cũng đồng hành cùng Tuổi Trẻ trong nhiều hoạt động thiện nguyện, đi Bình Phước nấu phở phục vụ trẻ em vùng sâu. Chúng tôi đã thấy được cách làm của Tuổi Trẻ và sự quan tâm của Tuổi Trẻ với khó khăn của người dân. Chúng tôi cũng muốn góp một phần nhỏ cùng với mọi người, một chút tấm lòng với bà con vùng lũ", Đạt chia sẻ.
Tập trung hỗ trợ khắc phục sau lũ
Tính đến ngày 24-10, Tuổi Trẻ đã tiếp nhận gần 14 tỉ đồng từ các nguồn đóng góp của bạn đọc, các doanh nghiệp trong nước và kiều bào từ nước ngoài. Việc hỗ trợ người dân như thế nào là điều mà rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm khi đến Tuổi Trẻ đóng góp.
"Khoảng 25% nguồn đóng góp được Tuổi Trẻ chi cho các hoạt động cứu đói, cứu trợ khẩn cấp đã thực hiện ngay từ những ngày đầu xảy ra lũ. Phần còn lại sẽ được chi cho các hoạt động khắc phục sau lũ.
Lũ lụt năm nay xảy ra trên diện rộng, để lại thiệt hại rất lớn cho người dân. Nhà cửa, tài sản bị nước lũ cuốn trôi. Sau lũ bà con cần sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất, học sinh, giáo viên cũng cần trợ giúp để quay lại trường" - ông Phan Đắc, trưởng ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ, chia sẻ.
TTO - Hôm qua (23-10), ngay sau khi nước vừa rút, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, các tỉnh miền Trung dồn sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Xem thêm: mth.97995152242010202-ul-uas-ioh-cuhp-noc-ab-gnuc-cus-gnuhc/nv.ertiout