vĐồng tin tức tài chính 365

Châu Âu đối mặt suy thoái kép vì làn sóng Covid-19 thứ hai

2020-10-27 08:05

Châu Âu đối mặt suy thoái kép vì làn sóng Covid-19 thứ hai

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Các chính phủ ở châu Âu đang triển khai các biện pháp giãn cách xã hội mới khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 tăng tốc. Diễn biến này đặt nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đứng trước rủi ro suy thoái kép sau khi chỉ mới hồi phục trong quí vừa qua.

Thêm nhiều nước triển khai giãn cách xã hội

Hôm 25-10, Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ đạt mức kỷ lục 52.010 ca, nhiều hơn Tây Ban Nha và Argentina trở thành nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ năm thế giới sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga. Pháp đã thực hiện lệnh giới nghiêm vào ban đêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng ở Paris và tám thành phố khác trong bốn tuần kể từ ngày 17-10. Các biện pháp giãn cách xã hội khác ở nước này bao gồm cấm tụ tập quá sáu người, đeo khẩu trang khi ở các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.

Một quán bar ở Dublin, Ireland đóng cửa sau khi chính phủ Ireland tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong vòng một tháng kể từ ngày 22-10. Ảnh: AP

Cũng vào hôm qua, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, thông báo áp đặt tình trạng khẩn cấp mới để khống chế số ca nhiễm đang tăng vọt. Tình trạng khẩn cấp cho phép các chính quyền địa phương triển khai lệnh giới nghiêm vào ban đêm (từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng), cấm các cuộc tụ tập quá sáu người, cấm đi lại ở một số vùng có rủi ro cao.

“Chúng ta đang ở trong tình thế cực kỳ nguy cấp. Đây là cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất trong thế kỷ vừa qua”, ông Pedro Sanchez phát biểu với báo chí sau cuộc họp nội các.

Số ca nhiễm tăng bùng nổ cũng khiến Ý tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất trong vòng một tháng bắt đầu từ ngày 26-10. Thủ tướng Ý, Giuseppe Conte, ký sắc lệnh yêu cầu đóng cửa các phòng tập gym, hồ bơi, rạp chiếu phim trên toàn quốc, trong khi đó, các nhà hàng, quán bar phải đóng cửa sớm vào lúc 6 giờ chiều.
Trước đó, nhiều nước ở châu Âu như Đức, Anh, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha... đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau.

Ireland là nước duy nhất ở châu Âu tái triển khai lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong vòng sáu tuần kể từ ngày 22-10. Theo đó, tất cả các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu phải đóng cửa. Các nhà hàng và quán bar chỉ được phép duy trì hoạt động nếu chỉ bán thực phẩm mang về.

Trong tháng 10, số ca nhiễm mới hàng ngày ở châu Âu đã vượt Mỹ, đe dọa gây quá tải cho năng lực xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly những người nhiễm virus SARS-CoV-2, khiến các chuyên gia y tế cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể nghiêm trọng hơn.

Vào mùa hè này, số ca nhiễm ở châu Âu thấp hơn đáng kể so với Mỹ nhưng rồi bùng lên mạnh mẽ vì nhiều yếu tố bao gồm các yếu kém về xét nghiệt, hệ thống truy vết tiếp xúc, tâm lý mệt mỏi khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và thái độ chủ quan của giới trẻ,

Nếu các biện pháp giãn cách mới từ lệnh giới nghiêm cho đến lệnh cấm đi lại ở châu Âu không kìm hãm được tốc độ lây lan của dịch bệnh, châu lục này sẽ đối mặt với sự lựa chọn: hoặc là quay trở lại tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt hoặc để mặc đại dịch hoành hành, gây đe quá tải cho các hệ thống chăm sóc y tế.

Đà phục hồi kinh tế bị đe dọa

Các chính phủ ở châu Âu hy vọng các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế gặp gỡ vào ban đêm có thể giúp kìm hãm tốc độ lây nhiễm mà không bóp nghẹt đà phục hồi kinh tế của khu vực này.
Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng Covid-19 thứ hai kết hợp hợp với sự quay trở lại của các biện pháp giãn cách xã hội, đang làm chậm đà hồi phục kinh tế của châu Âu.

Cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường IHS Market cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI), bao gồm cả sản xuất lẫn dịch vụ ở eurozone, giảm về mức 49,4 điểm so với mức 50,4 điểm trong tháng 9. Chỉ số này dưới 50 điểm là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm.

Biểu đồ dự báo tăng trưởng GDP ở khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) của Consensus Economics cho thấy tăng trưởng của khu vực này sẽ chậm lại sau khi bật dậy mạnh mẽ trong quí 3. Ảnh: Financial Times

Cho đến nay, hầu hết các nước châu Âu tránh lặp lại hai biện pháp khắc nghiệt nhất của lệnh phong tỏa hồi đầu năm: bắt buộc người dân ở nhà và đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu.

Các biện pháp này đã giúp khống chế làn sóng Covid-19 thứ nhất nhưng cũng đẩy châu Âu vào cơn suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ở nhiều nước châu Âu, sự phẫn nộ và mệt mỏi của người dân khiến các lệnh phong mới khó được ủng hộ về mặt chính trị.

Ý, tâm điểm của làn sóng Covid-19 thứ nhất ở châu Âu, đã nỗ lực đưa số ca nhiễm về ít hơn 200 ca mỗi ngày trong mùa hè này nhưng giờ đây, đang chịu áp lực lớn trước  sự trỗi dậy bùng nổ của số ca nhiễm. Số ca nhiễm mới ở nước này vào hôm 25-10 vượt qua mốc 20.000 ca. Thủ tướng Giuseppe Conte thừa nhận người dân đang bất mãn với các biện pháp giản cách xã hội mới nhưng ông xem đây là cách duy nhất để tránh một lệnh phong tỏa toàn diện.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế châu Âu đang tiến đến cơn suy thoái kép khi các biện pháp hạn chế người dân đi lại vừa mới triển khai có thể chặn đứng đà phục hồi kinh tế của khu vực.
“Tôi không thể tin được làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến nhanh như vậy. Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến tăng trưởng sẽ quay trở lại mức âm ở một vài nước châu Âu trong quí 4 này và một cơn suy thoái tiếp theo là hoàn toàn có thể xảy ra”, Katharina Utermöhl, nhà kinh tế cấp cao ở hãng bảo hiểm Allianz (Đức), nhận định.

Các nhà kinh tế của Allianz vừa hạ dự báo tăng trưởng của Tây Ban Nha và Pháp về mức - 1,3% và -1,1% trong quí 4. GDP của eurozone trong quí 3  dự kiến đạt tăng kỷ lục khi số liệu được công bố vào cuối tháng này. Nhưng ngày càng có nhiều nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng của eurozone trong quí 4 về mức âm.

Lena Komileva, nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn kinh tế G+ Economics, nói: “Tình hình tái trỗi dậy của Covid-19 và các lệnh phong tỏa kinh doanh kèm theo cũng như cú sốc niềm tin khiến nguy cơ  suy thoái kép của eurozone trở thành kịch bản dự báo trung tâm”.

Các dự báo này là tin xấu cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khi chỉ mới tháng trước, ngân hàng này dự báo eurozone sẽ tăng trưởng hơn 3% trong quí 4. Nó cũng sẽ làm lung lay niềm tin của ECB cho rằng nền kinh tế eurozone sẽ trở về quy mô trước đại dịch vào năm 2022.

Klaas Knot, Thống đốc ngân hàng trung ương Hà Lan và là thành viên hội đồng thống đốc ECB, nói: “Nhiều nước châu Âu đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Điều này có nghĩa là đà phục hồi kinh tế dường như chậm hơn nhiều với hy vọng của chúng tôi”.

Các nhà kinh tế cho rằng dù các chính phủ châu Âu tránh lặp lại lệnh phong tỏa toàn diện, tốc độ lây lan nhanh của Covid-19 có thể tác động đến hoạt động mua sắm, khiến người dân ở nhà và chi tiêu ít hơn, điều đã xảy ra trong làn sóng Covid-19 thứ nhất.

“Nếu người dân sợ hãi và ở nhà thì các khoản tiết kiệm dự phòng sẽ tăng trở lại và đẩy chúng ta vào một quí tăng trưởng âm khác”, Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng ở Công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng UniCredit (Ý), cảnh báo,

Theo Wall Street Journal, Financial Times

Xem thêm: lmth.iah-uht-91-divoc-gnos-nal-iv-pek-iaoht-yus-tam-iod-ua-uahc/809903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Châu Âu đối mặt suy thoái kép vì làn sóng Covid-19 thứ hai”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools