vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ án thất thoát nghìn tỉ ở BIDV: Biết rủi ro, vẫn phê duyệt vay vốn

2020-10-27 08:05

Vụ án thất thoát nghìn tỉ ở BIDV: Biết rủi ro, vẫn phê duyệt vay vốn

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) -  Những nhân sự có trách nhiệm ở BIDV đã thẩm định, đề xuất, phê duyệt cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay vốn trái quy định - gây thiệt hại khoảng 1.664 tỉ đồng cho ngân hàng. 

Toàn cảnh phiên toàn. (Ảnh: TTXVN).

Quyền lực của ông Trần Bắc Hà

Sáng 26-10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà – PV) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng - PV). Tổng cộng 12 bị cáo phải ra hầu tòa.

Trước đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao cho thấy, ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV - đã lợi dụng chức trách được giao để chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà - công ty "sân sau" của ông Hà và Công ty Trung Dũng - vay trái quy định từ năm 2011 đến 2016, dẫn tới BIDV bị thất thoát số tiền 1.664 tỉ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức giới thiệu nhân sự cho ông Trần Bắc Hà

Cáo trạng của VKSND Tối cao cho thấy, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - đã giới thiệu ông Đinh Văn Dũng cho ông Trần Bắc Hà. Theo đó, đầu năm 2015, ông Hà nhờ ông Đức giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm quản lý để giúp thành lập công ty, đầu tư dự án nuôi bò. Sau đó, ông Đức giới thiệu bị ông Dũng - nhân viên cũ của Tập đoàn HAGL, từng phụ trách làm nông nghiệp tại Campuchia.

Sau đó, ông Đức gọi ông Dũng xuống Hà Tĩnh gặp ông Trần Duy Tùng để hỗ trợ làm dự án nhưng không nắm được nội dung làm việc. Ông Đức cũng khẳng định không biết và không tham gia dự án khi khai với cơ quan điều tra.

Sau khi dự án không thành công, ông Trần Bắc Hà có gửi cho ông Đức biên bản đề nghị hỗ trợ trả nợ cho Công ty Bình Hà. Ông Đức từ chối vì lý do không tham gia và không liên quan đến dự án này của nên không có trách nhiệm.

Cụ thể, đầu năm 2015, ông Hà gửi nhiều văn bản đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ đầu tư dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao với cam kết BIDV sẽ tài trợ vốn và giới thiệu hai nhà đầu tư có kinh nghiệm hỗ trợ là Công ty An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Nhưng Công ty An Phú là đơn vị do Trần Duy Tùng – con trai ông Trần Bắc Hà – đảm nhận vị trí tổng giám đốc nên BIDV không được cấp tín dụng cho công ty này theo quy định. Vì vậy, ông Hà đã chủ trương thành lập Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà với vốn điều lệ 200 tỉ đồng làm "sân sau". Hai trong số ba cổ đông của Bình Hà chỉ đứng tên để góp vốn thay cho ông Trần Duy Tùng, người còn lại do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu.

Với Công ty Bình Hà, đây là doanh nghiệp mới thành lập và chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh - chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn của BIDV. Ngoài ra, vốn tự có và tài sản bảo đảm của doanh nghiệp không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách của BIDV. Còn hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả.

Tuy nhiên, BIDV hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã có tám lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định hoặc nới lỏng điều kiện.

Tới quá trình giải ngân, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỉ đồng từ năm 2015 đến tháng 11-2018, nhưng không kiểm soát được dòng tiền có được sau kinh doanh - để các cổ đông của Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích - thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân.

Theo VKSND Tối cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Bình Hà lỗ luỹ kế tổng cộng hơn 900 tỉ đồng tính từ khi doanh nghiệp này thực hiện dự án. Nếu tính đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự thì tổng dư nợ gốc còn hơn 1.200 tỉ đồng.

“Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỉ đồng”, VKSND Tối cao cho biết. 

Với Công ty Trung Dũng, dù đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp gặp khó khăn - chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV, nhưng các ông Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang và ông Đặng Thành Nam – những người có trách nhiệm thuộc BIDV chi nhánh Hà Thành - vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỉ đồng cho Công ty Trung Dũng vào tháng 8-2011.

Tới quá trình cho vay theo hạn mức, các bị cáo này đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản - trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo, một khoản giải ngân cho vay để đảo nợ - do chịu áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà.

VKSND Tối cao nhận định, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng với 26 khoản giải ngân trên. Kết quả, BIDV thiệt hại hơn 864 tỉ đồng.

Lợi nhuận giảm vẫn đánh giá hoạt động hiệu quả

Phân tích rõ trách nhiệm của BIDV chi nhánh Hà Thành, VKSND Tối cho cho biết đơn vị này đã đánh giá không đúng về khả năng tài chính của Công ty Trung Dũng khi đề xuất cấp hạn mức tín dụng 700 tỉ đồng năm 2011 và đề xuất phát hành thư tín dụng (L/C) theo món.

Cụ thể, báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Trung Dũng cho thấy lợi nhuận sau thuế năm 2008 là hơn 13 tỉ đồng, năm 2009 là hơn 10 đồng, năm 2010 là 3,3 tỉ đồng. Vốn đầu tư vào kinh doanh của Công ty Trung Dũng ngày một tăng cao, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và chiếm dụng. Nhưng BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời đề xuất cấp hạn mức tín dụng 700 tỉ đồng khi khách hàng không đủ tỉ lệ tài sản bảo đảm theo chính sách tín dụng của BIDV.

Tại thời điểm đề nghị cấp hạn mức, giá trị tài sản bảo đảm của Công ty Trung Dũng chỉ đạt 23% trên hạn mức đề nghị cấp 700 tỉ đồng, không đáp ứng tỉ lệ tài sản bảo đảm tối thiểu theo quy định của BIDV. Như vậy đã vi phạm quy định tại Điều 6, khoản 3, điểm a về chính sách cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp ban hành theo Quyết định 0658/QĐ-QLTD1 ngày 15-7-2009 của BIDV.

Thậm chí, tới thời điểm điểm giải ngân các khoản vay cụ thể, Công ty Trung Dũng vẫn không bổ sung tài sản bảo đảm để để đạt tỉ lệ 50% tính trên dư nợ theo quy định về chính sách tín dụng của BIDV.

Với việc phát hành thư tín dụng (L/C) theo món vào tháng 11-2011, VKSND Tối cao cho rằng Công ty Trung Dũng lúc đó gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tín dụng tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 8-2011. Đồng thời, không bổ sung được tài sản bảo đảm, các chỉ tiêu tài chính càng ngày càng xấu nhưng BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá Công ty Trung Dũng có khả năng tài chính để trả nợ khi đến hạn.

Vì vậy đề xuất phát hành L/C bị VKSND Tối cao đánh giá là thiếu cơ sở. Hành vi của BIDV chi nhánh Hà Thành cũng vi phạm quy định tại Điều 7, khoản 3 và Điều 15, khoản 2 về Quy chế cho vay đối với khách hàng, ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Ngân hàng Nhà nước quy định về điều kiện vay vốn - tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có khả năng tài chính bảo đảm trả nợ trong thời hạn cam kết.
Sau khi giải ngân cho vay, BIDV chi nhánh Hà Thành không có biện pháp kiểm soát dòng tiền của khách hàng, nên không thu nợ đúng hạn, dẫn đến dư nợ như hiện nay.
Đối với khoản phát hành L/C theo món, BIDV chi nhánh Hà Thành không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt tại Công văn số 5734/CV-QLRRTD ngày 14-11-2011 - không kiểm tra, giám sát hàng hóa để Công ty Trung Dũng tự ý bán tài sản mà không biết; không quản lý các khách hàng có liên quan và không quản lý được dòng tiền về tài khoản để thu nợ.

VKSND Tối cao kết luận cho rằng, dù Hội sở BIDV đã yêu cầu BIDV chi nhánh Hà Thành thực hiện nhiều điều kiện tín dụng chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn đối với các khoản vay, nhưng đơn vị này đã không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng mà Hội sở yêu cầu, dẫn đến hậu quả làm mất vốn của BIDV.

Có tám trong tổng số 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", gồm: Trần Lục Lang - nguyên Phó tổng gám đốc BIDV phụ trách Quản lý rủi ro, thành viên Phân Ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư; Đoàn Ánh Sáng - nguyên Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách Khách hàng doanh nghiệp, thành viên Phân Ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư; Kiều Đình Hòa - nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh - nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Ngô Duy Chính - nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành; Nguyễn Xuân Giáp - nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành; Phạm Hồng Quang nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Thành; Đặng Thành Nam - nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành.

Bốn bị cáo bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản" gồm: Đoàn Hồng Dũng – nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng; Trần Anh Quang - nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Hà; Đinh Văn Dũng - nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình Hà; Nguyễn Thị Thanh Sơn - thành viên góp vốn tại Công ty Trung Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam.

 

Xem thêm: lmth.nov-yav-teyud-ehp-nav-or-iur-teib-vdib-o-it-nihgn-taoht-taht-na-uv/309903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: vay

“Vụ án thất thoát nghìn tỉ ở BIDV: Biết rủi ro, vẫn phê duyệt vay vốn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools