Tập đoàn Ant huy động 34 tỉ đô trong thương vụ IPO lớn nhất thế giới
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Tập đoàn Ant, người khổng lồ công nghệ tài chính của Trung Quốc, công ty liên kết với Alibaba, dự kiến huy động hơn 34 tỉ đô la Mỹ khi cổ phiếu của tập đoàn bắt đầu giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải và Hồng Kông trong những tuần tới. Đây sẽ là thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) có giá trị lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Được định giá hơn 313 tỉ đô la
Theo tài liệu công bố ngày 26-10, Tập đoàn Ant, công ty mẹ của nền tảng thanh toán di động Alipay, sẽ chào bán 11% cổ phần, tương đương 3,34 tỉ cổ phiếu, ở mức giá khoảng hơn 10 đô la Mỹ/cổ phiếu trong thương vụ IPO kép ở sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và sàn Star Market ở Thượng Hải. Cụ thể, giá cổ phiếu của Ant sẽ được định giá 68,8 nhân dân tệ ở sàn Star Market và 80 đô la Hồng Kông ở sàn Hồng Kông. Điều này có nghĩa là Ant sẽ thu về gần 34,5 tỉ đô la giá trị trong thương vụ IPO kép này dựa trên mức định giá hơn 313 tỉ đô la Mỹ, tương đương vốn hóa của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase và lớn hơn vốn hóa của nhiều ngân hàng toàn cầu khác.
Con số 34,5 tỉ đô la này sẽ đưa Ant trở thành công ty có thương vụ IPO giá trị nhất trong lịch sử, vượt qua con số 29,4 tỉ đô la mà Tập đoàn dầu khí nhà nước Ả rập Saudi (Saudi Aramco) thu được trong thương vụ IPO vào năm ngoái.
Thương vụ IPO kép của Tập đoàn Ant sẽ là thương vụ IPO có giá trị lớn nhất thế giới với số tiền thu về dự kiến đạt con số kỷ lục 34,5 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính toàn cầu Bund ở Thượng Hải hôm 24-10, tỉ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, nói: “Đây là lần đầu tiên có một thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử loài người được định giá bên ngoài thành phố New York. Đó là điều chúng tôi không dám nghĩ cách đây 5 năm, thậm chí cách đây 3 năm”.
Ant cho biết dự kiến bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hồng Kông vào ngày 5-11 nhưng chưa tiết lộ sẽ niêm yết cổ phiếu ở Thượng Hải vào lúc nào.
Trong thương vụ IPO ở Thượng Hải, các nhà đầu tư tổ chức đã đăng ký mua hơn 76 tỉ cổ phiếu của Ant, cao gấp 284 lần lượng cổ phiếu chào bán. Ant cho biết sẽ phân bổ 80% lượng cổ phiếu trong thương vụ IPO ở Thượng Hải cho 29 nhà đầu tư chiến lược như Hội đồng quốc gia Quỹ An sinh xã hội Trung Quốc, Alibaba, hai quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holding và GIC, Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất)... Các nhà đầu tư chiến lược này sẽ bị hạn chế giao dịch cổ phiếu Ant trong ít nhất một năm. Alibaba, thông qua công ty con Zhejiang Tmall Technology, được phép mua 730 triệu cổ phiếu của Ant, nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữa ở tập đoàn này lên mức gần 33%.
Lặp lại thành công của Jack Ma với Alibaba, Ant nhanh chóng phát triển trở thành một trong những công ty công nghệ quyền lực nhất thế giới. Nền tảng Alipay của Ant đang có hơn 730 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Con số này lớn gấp đôi dân số Mỹ và lớn hơn 346 triệu tài khoản của PayPal. Ant đã thiết lập sự hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống tài chính tại Trung Quốc từ các tài khoản đầu tư cho đến các sản phẩm tiết kiệm nhỏ, bảo hiểm, điểm số tín dụng...
Đối với hàng trăm triệu người ở Trung Quốc, nền tảng thanh toán số Alipay của Ant giống như một nhà băng. Đó là nơi mà họ có thể sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ để thanh toán, đầu tư vào các quỹ tương hỗ và mua bảo hiểm. Alipay cũng là nền tảng cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6-2020, Ant đã xử lý các giao dịch thanh toán số có tổng trị giá 17.700 tỉ đô la Mỹ ở Trung Quốc, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của Ant trong giai đoạn này tăng 74% lên mức 69,5 tỉ nhân dân tệ (10,4 tỉ đô la).
Chịu sự giám sát ngày càng lớn
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa công nghệ và tài chính đang thu hút sự giám sát của các cơ quan quản lý khắp nơi trên thế giới và Ant cũng không tránh khỏi sự giám sát đó. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã chấn chỉnh mạnh mẽ những hoạt động đầu tư và cho vay trực tuyến có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính. Sức ép của các cơ quan quản lý khiến Ant phải kìm hãm các tham vọng trong một số lĩnh vực nhất định kể từ khi tách ra khỏi Alibaba vào năm 2011.
Trụ sở của Tập đoàn Ant ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty |
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thảo luận về việc liệu có nên đặt Tập đoàn Ant vào danh sách đen để ngăn cấm các công ty trong nước giao dịch với tập đoàn này hay không. Các quan chức Mỹ lo ngại nếu các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu Ant, họ có thể chịu rủi ro gian lận hoặc Ant có thể cho phép chính phủ Trung Quốc tiếp cận dữ liệu ngân hàng nhạy cảm của các công dân Mỹ.
Áp lực giám sát của từ các cơ quan quản lý ở nước ngoài bao gồm Mỹ sẽ khiến các cơ hội kinh doanh ở thị trường quốc tế của Ant bị hạn chế.
Năm 2018, Ant từ bỏ ý định thâu tóm hãng chuyển tiền MoneyGram (Mỹ) vì không thuyết phục được các cơ quan quản lý Mỹ chấp thuận.
Hiện nay, Ant nhấn mạnh rằng Alipay chỉ là ‘cánh cửa trước’ mà thông qua đó giúp người dùng tiếp cận các dịch vụ tài chính từ các ngân hàng khác. Phần lớn hoạt động cho vay và đầu tư vẫn được cung cấp chủ yếu từ các tổ chức tài chính lâu đời khác ở Trung Quốc.
Thương vụ IPO kép của Ant sẽ là một thắng lợi đối với Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh khuyến khích các công ty công nghệ hàng đầu trong nước niêm yết cổ phiếu ở quê nhà thay vì các sàn chứng khoán ở Mỹ, nơi chịu sự giám sát ngày càng lớn khi căng thẳng đang leo thang giữa hai nước. Bắc Kinh hy vọng thương vụ này sẽ thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Xiaomeng Lu, nhà phân tích địa công nghệ cao cấp ở Công ty tư vấn
Eurasia Group, nhận định Ant sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 14 mà Bắc Kinh đang thảo luận trong tuần này. Bà cho biết Ant đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain), hai lĩnh vực mà Chủ tịch Tập Cận Bình ưu tiên trong kế hoạch kinh tế 5 năm.
Tuy nhiên, liệu Ant có duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện tại vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Lu lưu ý rằng Ant đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ trong nước, làTencent.
Theo CNBC, New York Times