Vì sao trong bối cảnh toàn ngành du lịch khó khăn, các chuyến bay hạn chế và rủi ro đại dịch vẫn còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của ngành nhưng các nhà đầu tư vẫn quyết định đầu tư 160 tỷ đồng vào Vntrip?
Tôi nghĩ các nhà đầu tư vẫn tin rằng còn có nhiều cơ hội phát triển trong ngành du lịch Việt Nam bất chấp đại dịch Covid-19. Mặc dù thị trường quốc tế đã gần như đóng, nhưng bù lại thị trường nội địa cho thấy những dấu hiệu rất tích cực. Tháng 7 vừa rồi là một ví dụ tốt nhất cho thấy sức mạnh của du lịch nội địa, khi mà nhu cầu du lịch của người Việt phục hồi rất nhanh chóng và mạnh mẽ ngay sau khi chúng ta kiểm soát được dịch. Đối với Vntrip điều này phù hợp với định hướng từ đầu của chúng tôi: Tập trung vào khách nội địa.
Chúng tôi cũng may mắn vì trong lúc khó khăn nhất đã đưa ra được một số quyết định đúng đắn. Việc công ty vượt qua được những thách thức vừa qua có lẽ đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào năng lực của Vntrip.
Với bối cảnh khó khăn hiện nay, Vntrip định hướng và định vị mình như thế nào để vẫn có thể phát triển trong khi các công ty du lịch khác đa phần phải thu mình lại?
Ngay từ những ngày đầu tiên chúng tôi đã định hướng sẽ chỉ tập trung vào thị trường du lịch nội địa Việt Nam, không làm khách quốc tế. Qua đại dịch Covid-19 thì điều này đã giúp chúng tôi hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực từ việc các đường bay quốc tế bị đóng.
Vntrip cũng tập trung nhiều vào khách hàng doanh nghiệp, vì đây là đối tượng có nhu cầu đi thường xuyên nhất. Những khách hàng này là những người đầu tiên cần sử dụng các dịch vụ phòng và vé để đi công tác sau khi hết giãn cách. Điều này cũng giúp chúng tôi phục hồi nhanh hơn.
Về định vị thương hiệu, Vntrip không đơn thuần là một OTA, công ty du lịch truyền thống mà còn là công ty công nghệ cung cấp giải pháp dành cho người đi du lịch và quản lý công tác cho doanh nghiệp. Những công cụ do chúng tôi phát triển giúp những khách hàng vào trang Vntrip.vn có thể săn được những vé và phòng giá rẻ mà các đại lý truyền thống thường không đăng bán. Còn đối với những doanh nghiệp quan tâm đến hiện đại hoá quản lý và tối ưu chi phí công tác thì trên thị trường chỉ có giải pháp công nghệ của Vntrip là đáp ứng được nhu cầu này. Điều này giúp chúng tôi tăng trưởng ổn định bất chấp nhu cầu chung của thị trường có thể bị giảm.
Trước đây Vntrip đầu tư rất nhiều các chiến dịch truyền thông và đánh vào thị trường bán lẻ, nhưng chiến lược nói trên thì có vẻ như anh đã từ bỏ thị trường này để tập trung vào khách hàng doanh nghiệp?
Chúng tôi không từ bỏ, những thay đổi cách tiếp cận và phân bổ nguồn lực. Vntrip ưu tiên mảng khách hàng doanh nghiệp vì chúng tôi có nhiều lợi thế hơn và cơ bản những CEO thực sự sát sao với việc quản lý chi phí doanh nghiệp chắc chắn sẽ chọn giải pháp công nghệ quản lý công tác của Vntrip. Điều này khiến chúng tôi có được sự tự tin vào việc phát triển mảng này và tập trung nguồn lực để tiếp cận được nhiều doanh nghiệp hơn.
Còn về B2C có thể mọi người không để ý, nhưng Vntrip là đơn vị cung cấp toàn bộ công nghệ và vận hành các giải pháp bán vé máy bay và phòng khách sạn cho các ví điện tử lớn trên thị trường như Momo, Airpay và các ứng dụng của một số ngân hàng thương mại cổ phần. Ngoài ra trang web Atadi.vn của chúng tôi cũng là một công cụ săn vé rẻ và vé 0 đồng đạt doanh thu thuộc top 10 các đại lý hàng không. Vì vậy mảng B2C của Vntrip vẫn ổn định, tuy nhiên tôi sẽ dành cho nó ít nguồn lực hơn vì nó phát triển chậm hơn mảng B2B.
Số liệu tài chính năm 2019 cũng cho thấy Vntrip đạt được kết quả kinh doanh khách hàng cá nhân tốt. Theo số liệu từ CafeF.vn, tổng giá trị đặt hàng (GMV/Gross Merchandise Value) thông qua hệ thống trực tuyến của Vntrip đạt 795 tỷ đồng, ghi nhận khoảng 120 tỷ đồng vào doanh thu tương ứng với tỷ lệ hoa hồng nhận được, đứng đầu các OTA Việt Nam.
So sánh lưu lượng truy cập quý IV năm 2019 của Vntrip với các OTA Việt Nam khác, có thể thấy Vntrip sớm đã vươn lên dẫn đầu và vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng.
Vậy anh nhận định sao về những OTA trong nước và nước ngoài vẫn đang cố chiếm lĩnh thị trường B2C? Tương lai thị trường OTA của Việt Nam sẽ như thế nào?
Tôi nghĩ các công ty trong nước muốn làm lĩnh vực online (không nói về mảng offline) sẽ khó có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài ở thời điểm hiện tại. Thứ nhất là đa phần các công ty du lịch Việt Nam không đầu tư đúng mức vào công nghệ vì họ vẫn tư duy theo cách truyền thống. Về lâu dài điều này sẽ càng ngày càng khiến họ bị tụt hậu và dần dần mất năng lực cạnh tranh. Thứ 2, doanh nghiệp Việt Nam tiềm lực tài chính không bằng các công ty nước ngoài, nên càng khó để đối đầu. Đối thủ vừa hiện đại hơn lại có tiềm lực lớn hơn thì đường dài làm sao cạnh tranh?
Về lâu dài, tôi nghĩ đa phần OTA của VN không thể tiếp tục cuộc chiến này, nên sẽ phải lựa chọn phương án sáp nhập với nhau để gia tăng khả năng cạnh tranh. Nếu không thì nên xác định phải chuyển sang một hướng khác hoặc có thể nên đầu hàng sớm để đỡ mất công và tốn thêm tiền. Tôi nghĩ một số lãnh đạo các công ty OTA nội địa chưa chấp nhận sự thật này và vẫn đang cố níu kéo.
Theo nguồn tin của chúng tôi vòng gọi vốn lần này có sự tham gia của Fan Min, đồng sáng lập và phó chủ tịch Ctrip, OTA lớn nhất Trung Quốc. Vậy đây có phải dọn đường cho việc Vntrip sẽ bán mình trong tương lai không? Và theo anh bán mình có gọi là đầu hàng không?
Năm 2019 chúng tôi có nhận được đề nghị của một công ty nước ngoài mua lại Vntrip với định giá 55 triệu USD (khoảng 1200 tỷ), tuy nhiên có một số thay đổi trong quá trình đàm phán khiến 2 bên không tiếp tục. Gần đây tôi cũng gặp founder một công ty Việt Nam bàn luận về phương án sáp nhập. Tuy nhiên, có lẽ thời điểm dịch chưa phải là thời điểm thích hợp để tính tới việc này.
Nhiều người cũng có hỏi tôi là nếu thực sự tâm huyết với công ty và gắn bó với nó thì có phải việc bán đi là đầu hàng không. Nhưng quan điểm của tôi là trong kinh doanh cái gì cũng có thể bán được hết, quan trọng là giá bao nhiêu. Nếu vừa được giá mà lại đảm bảo được công việc của anh em trong công ty vẫn ổn định và tiếp tục phát triển thì tại sao lại không? Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu may mắn và có điều kiện thì chúng tôi sẽ ưu tiên phương án IPO.
Thảo Nguyên
Theo Nhịp Sống Kinh Tế