Chiều 27-10, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với Tổng cục khí tượng thuỷ văn, các điểm cầu của các đài khí tượng thuỷ văn, các cơ quan chuyên môn và chuyên gia về việc dự báo đường đi, cường độ, diễn biến của bão số 9 đang đổ bộ vào Việt Nam.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho hay, trước đó bão số 9 đã ảnh hưởng trực tiếp đến Philipines.
Vào sáng cùng ngày 27-10, cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn đã liên hệ với đồng nghiệp Philipines về diễn biến bão và thiệt hại do bão gây ra. Đồng thời, phía cơ quan khí tượng thuỷ văn cũng tham vấn đồng nghiệp Nhật Bản về dự báo diễn biến của cơn bão số 9.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia. TP
“Theo đồng nghiệp Philipines thông tin, nơi cơn bão số 9 vừa đi qua ghi nhận có gió mạnh cấp 12, nhà cấp bốn nếu có kết cấu không chắc chắn gần như bị phá hủy rất nhiều. Mưa bão gây ra tình trạng ngập lụt diện rộng khiến hơn 2.000 hộ dân nước bạn phải đi sơ tán” - ông Lâm nói.
Trên cơ sở phân tích kết quả các số liệu và mô hình dự báo mà các đài Việt Nam thu thập được, dự báo của phía bạn, ông Lâm cho hay: “Dự báo hiện nay, vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với gió mạnh cấp 11 - 13, giật cấp 15. Nếu kịch bản này xảy ra thì sức tàn phá của bão là cực kỳ khủng khiếp. Nhà cấp bốn, cây cối... không thể chịu được và đây sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất ở Việt Nam trong 20 năm qua”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng cho biết bão sẽ di chuyển trên khu vực thuận lợi cho việc tăng cường độ trong 6-12 giờ và có khả năng đạt cường độ cực đại trong chiều và tối nay 27-10. Đặc biệt, cơn bão có đặc điểm gây mưa to, gió lớn trước khi tâm bão đổ bộ vào bờ.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục khí tượng Thuỷ văn Trần Hồng Thái. Ảnh: TP
Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ TNMT nhận định: “Từ giờ đến 19 giờ tối nay 27-10 bão tác động đến khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ và kéo dài đến hết ngày mai 28-10”. Theo đó, ông Thái yêu cầu yêu cầu các đài dự báo khu vực của tổng cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đưa thông tin dự báo kịp thời, chính xác nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
“Khi bão cấp 12-13 đổ bộ thì hệ thống thông tin bị ảnh hưởng. Do đó đề nghị các đơn vị bố trí kênh thông tin dự phòng. Đặc biệt, đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia chuyển ngay cho các địa phương bản đồ cảnh báo lụt, sạt lở cảnh báo kịp thời cho người dân” - ông Thái nói.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà. Ảnh: TP
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là cơn bão rất mạnh trong vòng 20 năm qua. Do đó công tác dự báo cần phải chủ động, cố gắng dự báo sát nhất để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân, doanh nghiệp…
“Đặc biệt tôi chú ý, cơn bão này sẽ tạo lượng mưa trước khi đổ bộ vào đất liền. Ảnh hưởng bão lũ thời gian qua tại các tỉnh miền trung hậu quả chưa xử lý kịp, lượng nước sông hồ vẫn còn lớn. Vấn đề mưa, lũ ống, quét, sạt lở có nguy cơ cao. Cơn bão này cũng có tác động gió cấp 6-7 ở Tây Nguyên - nơi có ít kinh nghiệm phòng chống bão… Do đó, đề nghị các đài khu vực căn cứ địa hình cụ thể để đưa ra cảnh báo chi tiết hơn cho các địa phương nhằm chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra” - ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà cũng đề nghị duy trì tốt công tác chỉ đạo, kỷ luật kỷ cương, duy trì hệ thống thông tin liên lạc, đưa ra các dự báo chính xác. Đặc biệt ông đề nghị các đơn vị có phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ nhân viên khi báo vào, đồng thời có phương dự phòng về việc đưa thông tin dự báo trong trường hợp hệ thống thông tin liên lạc bị ảnh hưởng.