Theo báo cáo này, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo lên tới 43.500 tỷ, gồm: 20.500 tỷ là trái phiếu BĐS (TNR Holdings, Địa ốc Phú Long, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phú Thượng…); và 22.600 tỷ là trái phiếu của các doanh nghiệp khác (Sovico, Masan, BCG, IPA…)
Có 29.100 tỷ trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức phát hành hoặc của bên thứ 3, gồm: 22.900 tỷ đồng trái phiếu BĐS (Vinhomes, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, Novaland…) và các trái phiếu của Tổng CTCP Thiết bị Điện VN, Camimex, Uniben, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM…
Nhận định về mức độ an toàn đối với các trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo, một chuyên gia kinh tế tại SSI cho biết: “Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản đảm bảo là cổ phiếu vì khi có vấn đề vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh. Thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 đồng nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu”.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết thêm: Khi đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng chọn mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao mà không phân tích về tiềm lực của doanh nghiệp. Bởi nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà hoạt động kém hiệu quả, yếu về tiềm lực tài chính, thậm chí phá sản, khi đó nhà đầu tư có thể trắng tay" - TS Huỳnh Trung Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng liên tục phát đi cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo Bộ Tài chính, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu gồm cả gốc và lãi nếu DN phát hành gặp khó khăn.