Bốn bước đưa hàng lên sàn Amazon
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Bằng cách nào đưa được hàng hóa lên sàn Amazon để có thể tiếp cận đến 185 thị trường trên thế giới của nền tảng thương mại này luôn là câu hỏi đặt ra của nhiều doanh nghiệp Việt gần đây.
Có bốn bốn bước để tiếp cận phương thức xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng Amazon. Ảnh chụp qua màn hình sàn Amazon. |
Xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Amazon được nhiều doanh nghiệp trong nước chú ý những năm gần đây nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, nhất là trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay.
Nhưng làm sao để tiếp cận và bán được hàng ở sàn Amazon luôn là câu hỏi và nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh online.
Liên quan đến câu hỏi trên, bà Kha Lệ Trinh, người quản lý tài khoản của Amazon Global Selling Vietnam, gần đây đã chia sẻ về bốn bước để tiếp cận phương thức xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng Amazon.
Đầu tiên, theo bà Trinh, người bán cần phải lựa chọn sản phẩm mà mình muốn bán trên nền tảng thương mại điện tử Amazon.
Để làm được điều này, người bán nên dựa vào các công cụ thống kê, phân tích sẵn có trên Amazon.com như: sản phẩm đang bán chạy nhất theo doanh thu (Amazon Best Sellers), sản phẩm mới được ưa chuộng nhất (Amazon Hot New Releases), sản phẩm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về xếp hạng bán hàng trong 24 giờ (Amazon Movers & Shakers), các sản phẩm khách hàng Amazon muốn mua nhất (Amazon Most Wished For), các sản phẩm được mua làm quà tặng phổ biến nhất (Amazon Gift Ideas) hay công cụ nghiên cứu và thăm dò sản phẩm (Amazon Marketplace App). Từ đó, doanh nghiệp có thể định hình ý tưởng cho sản phẩm kinh doanh của mình.
Bước thứ hai là đăng tải sản phẩm. Người bán cần phải chuẩn bị chu đáo thông tin mô tả sản phẩm và chọn một cách thức đăng tải phù hợp – đăng tải theo từng sản phẩm hay đăng tải nhiều sản phẩm cùng một lúc.
Theo người đại diện của Amazon Global Selling Vietnam, chi tiết đăng tải phải bằng Tiếng Anh. Người bán cần định danh sản phẩm tiêu chuẩn bằng mã vạch thương mại toàn cầu (GTIN) như UPC, ISBN, EAN. Bà Kha Lệ Trinh đưa ra lời khuyên người bán nên lấy UPC trực tiếp từ GS1.
Nếu nhà cung cấp không cung cấp GTIN, người bán có thể gửi yêu cầu bằng cách nộp một trong 2 hồ sơ sau: tên sản phẩm và tối thiểu là 2 (tối đa là 9) hình ảnh hiển thị tất cả các mặt của sản phẩm và bao bì hoặc gửi yêu cầu tại: https://sellercentral.amazon.com/gtinx/browser.
Lưu ý rằng, để được phê duyệt, hóa đơn mua hàng phải được phát hành trong vòng 180 ngày gần nhất; bao gồm đầy đủ tên và địa chỉ của nhà bán hàng, nhà sản xuất hoặc nhà phân phối; hiển thị ít nhất 10 đơn vị sản phẩm được mua.
Đối với hình ảnh, Amazon yêu cầu phải chụp sản phẩm thật, chưa qua chỉnh sửa, không phải ảnh do máy tính tạo ra; hiển thị rõ ràng tất cả các mặt của sản phẩm hoặc bao bì; bao gồm số mô hình, tên sản phẩm hoặc cả hai; thể hiện tên và địa chỉ của doanh nghiệp hoặc nhà sản xuất; những thông tin quan trọng phải được viết bằng ngôn ngữ của nước mà sản phẩm được bày bán.
Bước ba, hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA). Bà Trinh cho rằng đây là bước phát triển kinh doanh trực tuyến bằng cách tận dụng hệ thống hoàn thiện đơn hàng, sự chuyên nghiệp, dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, và các sự lựa chọn chuyển hàng nhanh chóng, tin cậy, đạt tiêu chuẩn quốc tế của Amazon.
Với FBA, người bán sẽ lưu trữ các sản phẩm của mình tại kho hàng của Amazon, Amazon sẽ lấy hàng, đóng gói, vận chuyển, và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho những sản phẩm này.
Cuối cùng theo người đại diện của Amazon Global Selling Vietnam là khâu bán hàng và quảng bá sản phẩm trên Amazon. Người bán có thể sử dụng các công cụ của Amazon như Brand Registry – đăng ký thương hiệu, Seller Support – hổ trợ người bán, và Sponsored Products – quảng cáo dùng từ khóa – để quảng bá và phát triển kinh doanh.
Ngoài bốn bước trên, theo bà Nguyễn Phương Trinh, khi lựa chọn sản phẩm để bán hàng trực tuyến, người bán hàng cần phải xem xét các yếu tố như: sự tăng trưởng, tính thời vụ, thương hiệu, đặc tính/thuộc tính, yêu cầu về chất lượng… của sản phẩm và phân khúc người tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng tới.
Nhiều hàng hóa Việt Nam được đánh giá có cơ hội bán trên sàn Amazon. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Amazon là một trong những công ty có giá trị nhất thế giới với giá trị thương hiệu vượt 415 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.
Gã khổng lồ thương mại điện tử cung cấp nhiều loại dịch vụ và hàng hóa. Ngoài bán hàng điện tử và các sản phẩm khác, nhà bán lẻ trực tuyến còn tạo ra doanh thu từ những người bán hàng là bên thứ ba, dịch vụ đăng ký và các hoạt động Amazon Web Services (AWS – dịch vụ điện toán đám mây).
Điều làm cho Amazon trở nên phổ biến là người tiêu dùng có thể mua sắm rất nhiều loại hàng hóa chỉ từ một nền tảng duy nhất.
Hiện nay, Amazon có 18 trang web trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ, tiếp cận khách hàng ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu thành viên Prime trên toàn cầu, 175 trung tâm kho bãi, 40 máy bay chở hàng và 100.000 đơn vị Amazon Robotic.
Vì vậy, tiếp cận được với sàn thương mại điện tử Amazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ và 84 thị trường khác, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.
Xem thêm: lmth.nozama-nas-nel-gnah-aud-coub-nob/649903/nv.semitnogiaseht.www