Chiều 27-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 tại Đà Nẵng. Tiếp đó, Phó Thủ tướng đã đến chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Thời điểm này, Quảng Ngãi trời đã mưa rất to.
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, bão số 9 rất nguy hiểm, mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Bão số 9 mạnh ngang bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006, mạnh hơn nhiều so với bão Damrey vào Khánh Hòa năm 2017.
Sơ tán 448.067 người
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho hay bão số 9 đổ bộ vào đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định sáng sớm 28-10.
Hiện 142 tàu/1.118 lao động của Bình Định còn trong vùng nguy hiểm. Tất cả tàu này đã nhận được thông tin và di chuyển về phía nam Biển Đông. Các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định đã cấm biển.
Các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người, thời gian hoàn thành vào 17 giờ - 19 giờ chiều 27-10. Lãnh đạo hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đã báo cáo nhanh công tác ứng phó bão số 9 trên địa bàn.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, địa phương đã tập trung xử lý ngay các khu vực miền núi trước đây bị chia cắt do hư hỏng cầu treo.
“Mực nước tất cả trạm thủy văn dưới báo động 1, riêng trạm Ái Nghĩa đang trên báo động 1. Các hồ chứa đang hạ mực nước, vận hành dưới mực nước đón lũ. Dự báo lượng mưa 300-400 mm thì các hồ đảm bảo vận hành an toàn” - ông Thanh cho hay.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh này đã lập ban chỉ huy tiền phương do ông làm trưởng ban. Các số liệu, kịch bản về ứng phó với bão, lũ lụt, sạt lở đất đã được lập.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bão số 9 là cơn bão rất đặc biệt. Hướng tuyến đổ vào Biển Đông ở ngay vĩ độ trung đoạn giữa Hoàng Sa và Trường Sa, tức là không có vật cản, do đó bão đi cực nhanh. “Bão số 9 không phải triệt tiêu gió ngay khi tiếp cận đất liền mà còn càn quét toàn bộ đất liền và ngoi lên Tây Nguyên. Hoàn lưu mưa rộng cả sườn Bắc Trung bộ. Kỳ này bão oanh tạc vào Nam Trung bộ là vùng ít chịu tổn thương của bão, kinh nghiệm ứng phó ít” - ông Cường cho hay.
Trong chiều 27-10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với Tổng cục Khí tượng thủy văn, các điểm cầu của các đài khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn và chuyên gia về việc dự báo đường đi, cường độ, diễn biến của bão số 9 đang đổ bộ vào Việt Nam. Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh trong vòng 20 năm qua. Do đó công tác dự báo cần phải chủ động, cố gắng dự báo sát nhất để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân, doanh nghiệp…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT
Bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương không được chủ quan. Phía biển tiếp tục rà soát toàn bộ tàu thuyền. Tàu vào đậu rồi phải có biện pháp giằng níu, sắp xếp, không thì chìm ngay ở cảng. Theo ông Cường, các vùng trũng ven biển cần lên kế hoạch sơ tán dân tối đa. “Hệ thống hồ chứa, nguy nhất là những hồ nhỏ, rất căng. Cũng phải chú ý toàn tuyến Tây Nguyên” - ông Cường nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của các địa phương. Theo Phó Thủ tướng, không những bão mạnh mà mưa lũ sau bão cũng rất lớn. “Không thể chủ quan mà phải hết sức chủ động, mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân và Nhà nước” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu sơ tán tất cả người dân ra khỏi các cơ sở sản xuất, dịch vụ ven biển. Đặc biệt, ở các đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn gió rất lớn, giật cấp 17, không được để người dân nào ở lại các lồng bè, chòi canh.
Phó Thủ tướng chỉ đạo bảo vệ các công trình hạ tầng, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện. Đường dây 500 kV qua Nam Trung bộ, khi mưa nhiều, sạt lở đất rất nguy hiểm.
“Đề nghị tập trung bảo vệ công trình giao thông, tài sản của người dân. Phải cấm người dân đi lại khi gió bão. Đề nghị bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở miền núi. Khi bão vào thì người thiệt mạng thường ít hơn hậu cơn bão” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị cần xác định đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc. Các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là ứng phó bão phải kỷ luật.
Công điện của Thủ tướng: Khẩn trương ứng phó với bão số 9 Chiều 27-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký công điện yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9. Theo đó, đêm 27-10 và ngày 28-10, bão sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến các địa phương ven biển miền Trung, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn… Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, các khu dân cư vùng thấp, trũng ven biển, cửa sông, bãi ngang có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu hoặc tác động trực tiếp của sóng. “Các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, TP từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra” - Thủ tướng lưu ý. Các bộ Quốc phòng, Công an và các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt… Quân khu 5 huy động 66.121 lượt người ứng phó bão số 9 • Cuối giờ chiều 27-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định cho biết hai tàu cá của tỉnh vừa gặp nạn khi đang chạy tránh bão. Cụ thể, tàu cá BĐ 96388 TS do ông Nguyễn Văn Minh làm thuyền trưởng đã bị chìm ở tọa độ 12043’N - 111027’E. Tàu còn lại mang số hiệu BĐ 97469 TS, trên tàu có 14 người cũng bị chìm, các thuyền viên bị nạn vẫn chưa tìm thấy. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều phương tiện hỗ trợ tìm kiếm hai tàu cá này. • Ngày 27-10, Thủ tướng quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 đặt tại Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, làm trưởng ban. Quân khu 5 đã huy động 66.121 lượt người/1.716 phương tiện các loại sẵn sàng tham gia ứng phó bão số 9, trong đó có bảy trực thăng. Khi cần thiết có thể huy động thêm sự hỗ trợ từ Quân khu 7 và Quân đoàn 3. Ngoài ra còn có Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh biên phòng… tham gia. NHÓM PV |