vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều nước có thể nhập khẩu không lành mạnh vào Việt Nam

2020-10-28 06:41

Tại sự kiện về phòng vệ thương mại sáng 27/10, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, lượng hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam đang và sẽ tăng mạnh thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Việt Nam hiện ký kết 13 hiệp định thuơng mại tự do (FTA) mà trong 10 năm tới sẽ kết thúc lộ trình loại bỏ thuế quan. Như vậy, 70-100% các dòng thuế sẽ mở cửa hoàn toàn cho các đối tác. Bà Trang dẫn số liệu của Bộ Tài chính đến năm 2018 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu ASEAN tăng 12,4%, Trung Quốc tăng hơn 11,8%, Liên minh kinh tế Á-Âu tăng 48,6%...

"Tỷ lệ gia tăng phần lớn là cao, thậm chí là rất mạnh ở một số thị trường sau FTA, nhiều trường hợp tăng hình dựng đứng", bà nói.

Điều may mắn, theo bà Trang, là theo số liệu tính đến năm 2017 (do chưa có số liệu của các năm tiếp theo), tỷ lệ hàng hoá của các nước vào Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan ở mức tương đối thấp, đạt 14,63%. Dù vậy, vẫn có hàng hoá ở một thị trường tận dụng nhiều như ASEAN là 47%, Australia-New Zealand là gần 39%... Số liệu về tăng trưởng nhập khẩu theo mặt hàng cho thấy các nguyên liệu đầu vào, thô, tăng mạnh giai đoạn 2015-2018. Ví dụ, nhiên liệu, dầu mỡ nhờn và vật liệu liên quan tăng 38,9% trong năm 2018 từ mức -1,4% năm 2016; nguyên liệu thô, không dùng để ăn (trừ nhiên liệu) đã tăng 23,3% so với mức -3,8%...

Mặt khác, các đối tác nhập khẩu của Việt Nam cũng có là những cái tên quen thuộc, thường bị khởi xướng điều tra thương mại. Ví dụ, giai đoạn 1995-2019, Trung Quốc bị điều tra phòng vệ thương mại 1.515 vụ, 4 nước ASEAN (Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore) hơn 500 vụ, Hàn Quốc, 462 vụ, Ấn Độ 293 vụ.

"Chúng ta nhập khẩu rất lớn từ những đối tác này", bà Trang nói và đặt vấn đề có thể những nước này đang cạnh tranh và nhập khẩu không lành mạnh vào Việt Nam.

Hiện nhiều nước gia tăng phòng vệ thương mại với Việt Nam. "Theo thống kê chính thức của WTO giai đoạn 1995-2019, Việt Nam đứng thứ 15 về số lượng các vụ việc bị điều tra", ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nói. Riêng 9 tháng đầu năm, Việt Nam bị khởi xướng điều tra gần 200 vụ, với kim ngạch bị ảnh hưởng là 12 tỷ USD.

Bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thiệt hại từ những vụ việc là rất lớn. "Ngay cả ở thời điểm có quyết định điều tra, xuất khẩu đã giảm hẳn. Thậm chí, có mặt hàng sau khi điều tra 2 tháng, phía Việt Nam đã dừng xuất khẩu hoàn toàn", bà nói.

Bên cạnh kim ngạch xuất khẩu giảm, doanh nghiệp còn có nguy cơ mất luôn cả thị trường tại nước đang khởi xướng điều tra cũng như các thị trường khác, bởi các vụ việc có tính lan toả. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp sản xuất túi nhựa (dùng trong siêu thị) sau khi Mỹ áp thuế chống trợ cấp, phải đóng cửa sản xuất. Những tác động này không chỉ đến kinh tế, mà còn cả đến an sinh xã hội, bà nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, có ba lý do khiến số vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam tăng mạnh ở thời điểm hiện tại, thậm chí cả tương lai. Thứ nhất, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. Thứ hai, hàng hoá Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi, tăng năng lực xuất khẩu, đe doạ đến thị phần của các doanh nghiệp sản xuất tại các nước nhập khẩu. Thứ ba, thế giới đang đối diện với xu thế bảo hộ gia tăng. Do vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem điều này là thực tế phải đối mặt và đặt trong kế hoạch, chiến lược kinh doanh.

Phía Bộ Công Thương từng khuyến cáo doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá thị trường, tránh phát triển quá "nóng" vào một nơi. Doanh nghiệp cần tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá. Doanh nghiệp nên trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó trước nguy cơ bị kiện. Doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, trong đó, đề cập đến sự tham gia của nhiều bộ ngành. Bởi bộ này cho rằng không thể nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, ngành sản xuất, nếu chỉ dựa vào một vài cơ quan riêng lẻ.

Phương Ánh

Xem thêm: lmth.0903814-man-teiv-oav-hnam-hnal-gnohk-uahk-pahn-eht-oc-coun-ueihn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều nước có thể nhập khẩu không lành mạnh vào Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools