vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Mỹ tăng trưởng kỷ lục nhưng vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng

2020-10-30 11:55

Kinh tế Mỹ tăng trưởng kỷ lục nhưng vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Trong quí 3, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức cao kỷ lục trong lịch sử nhờ chính phủ nước này triển khai các gói cứu trợ và kích thích kinh tế trị giá hơn 3.000 tỉ đô la. Song sự tổn thương kinh tế nghiêm trọng từ cơn suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra có thể phải mất một năm mới bình phục hoàn toàn.

Tăng trưởng 33,1% nhờ tiêu dùng khởi sắc

Hôm 29-10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong quí 3, tốc độ tăng trưởng GDP tính theo cơ sở năm (annualized rate) của nền kinh tế Mỹ đạt 33,1%, mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu GDP hàng qúi của Mỹ được thống kê vào năm 1947. Thực chất, tăng trưởng GDP quí 3 của Mỹ tăng trưởng 7,4% so với quí 2. Tăng trưởng 33,1% theo cơ sở năm trong quí 3 là tốc độ tăng trưởng dự phóng trong vòng một năm tới với giả định tốc độ tăng trưởng GDP của ba quí tiếp theo sẽ duy trì cùng mức 7,4% như quí hiện tại.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng 33,1% tính theo cơ sở năm trong quí 3, tốt hơn mức dự báo 32% của các nhà kinh tế. Ảnh: CNBC

Mức tăng trưởng 33,1% trong quí vừa qua cao hơn dự báo của giới phân tích nhưng không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ đã hoàn toàn bình phục sau cú suy giảm 31,4% tính theo cơ sở năm trong quí 2.

Hiểu một cách đơn giản, nếu một nhà đầu tư mua vào một cổ phiếu giá 100 đô la và sau đó giá cổ phiếu này giảm 30%, về mức 70 đô la, thì nếu nó tăng trở lại 30% thì giá mới chỉ hồi phục về mức 91 đô la (vì 30% của 70 đô la chỉ tương đương 21 đô la). GDP hiện nay của Mỹ vẫn thấp hơn 3,5% vào thời điểm kết thúc năm 2019.

Song mức tăng trưởng trong quí 3 đã giúp bù đắp cú sụt giảm GDP ở mức kỷ lục vào hồi đầu năm nay khi dịch Covid-19 lây lan, khiến phần lớn cơ sở kinh doanh trên khắp cả nước phải đóng cửa.

Kinh tế Mỹ phục hồi trong quí vừa qua khi các doanh nghiệp tái mở cửa, các chủ lao động gọi nhân viên đi làm trở lại, chính phủ tung ra các gói cứu trợ hàng ngàn tỉ đô la, người tiêu dùng rút hầu bao mua sắm. Các biện pháp hỗ trợ trả lương nhân viên cho doanh nghiệp và phát tiền trợ cấp cho người dân, tăng chi trả trợ cấp thất nghiệp đã giúp thúc đẩy mua sắm trong quí 3.

Chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm 2/3 GDP Mỹ, tăng 40,7% trong quí 3. Chi tiêu cho hàng hóa bền (các mặt hàng có giá trị lớn và có tuổi thọ từ 3 năm trở lên như xe cộ, ti vi, tủ lạnh) tăng trưởng rất mạnh mẽ. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu cho hàng hóa bền tăng 82,2% trong quí vừa qua. Chi tiêu cho dịch vụ tăng mạnh khi người dân đi khám bệnh, ăn uống nhà hàng và đi du lịch trở lại.

Thị trường nhà ở cũng bùng nổ nhờ lãi suất vay thế chấp bất động sản thấp và nhu cầu tìm kiếm những không gian sống rộng rãi hơn, đặc biệt là ở các vùng ngoại ô. Trong quí 3, đầu tư cho tài sản cố định của người dân (xây dựng và cải tạo nhà cửa), tăng 59,3%.

Đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp (phần mềm, trang thiết bị, nhà xưởng...) tăng 20,3%. Trong khi đó, ngành nhà hàng tiếp tục đối mặt nhu cầu ảm đạm và các hạn chế về năng lực phục vụ vì tác động của đại dịch Covid-19. Glenn Lunde, Giám đốc điều hành Công ty Togo’s Eateries ở California, đang quản lý và nhượng quyền thương hiệu 183 nhà hàng sandwich, cho biết tình hình kinh doanh trong những tháng qua giống như một cuộc phiêu lưu. Doanh số của công ty ông giảm 26% trong quí 2 và đến quí 3 mức giảm thu hẹp về 8%.

Đến cuối năm 2021, kinh tế Mỹ mới phục hồi hoàn toàn

Các nhà phân tích dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quí 4 nhưng với tốc độ chậm hơn giữa lúc dịch Covid-19 tái trỗi dậy, gây xáo trộn sinh hoạt của người dân và thương mại, tác dụng của gói cứu trợ suy yếu dần và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến vẫn duy trì ở mức cao trong mùa đông.

Quy mô của nền kinh tế Mỹ trong quí 3-2020 vẫn vẫn đang thấp hơn so với quí 1 và thấp hơn 3,5% so với cuối năm 2019. Ảnh: CNBC

Họ nhận định GDP Mỹ vào cuối năm nay sẽ vẫn thấp hơn so với một năm trước đó. Cuộc khảo sát ý kiến của các nhà kinh tế do Wall Street Journal thực hiện cho thấy hơn 50% trong số họ không kỳ vọng GDP Mỹ sẽ quay lại mức trước đại dịch cho đến năm sau và nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 3,6% trong năm nay.

“Vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho đến khi nền kinh tế Mỹ được chữa lành vết thương”, James Knightley, nhà kinh tế ở Công ty ING Financial Markets, nhận định. Ông cho rằng kinh tế Mỹ vẫn chịu nhiều áp lực vì thu nhập người dân suy giảm cộng với nỗi lo lắng về đại dịch Covid-19 và bất ổn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

“Chúng ta vẫn chưa thể chứng kiến GDP Mỹ vượt qua mức trước đại dịch Covid-19 cho đến quí 4-2021”, Kevin Cummins, nhà kinh tế trưởng ở Công ty NatWest Markets, nói.

Hàng triệu người dân Mỹ vẫn đang thất nghiệp và sống dựa vào trợ cấp của chính phủ. Tính đến tháng 8, số việc làm ở Mỹ thấp hơn 10,7 triệu so với trước đại dịch. Thu nhập cá nhân của người dân giảm 541 tỉ đô la trong quí 3 sau khi tăng 1.450 tỉ đô la trong quí 2 nhờ các chương trình cứu trợ.

Các nhà kinh tế cho rằng con đường phục hồi kinh tế Mỹ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh. Nhưng Mỹ và châu Âu đều đang chứng kiến số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại.

Trong khi gói tăng trợ cấp thất nghiệp liên bang đang hết hạn và Quốc hội Mỹ đang đàm phán gói kích thích kinh tế mới, một số nhà kinh tế lo ngại rằng những người lao động dễ bị tổn thương nhất đang bị đẩy sâu hơn vào cảnh sống nghèo khổ.

Đàm phán giữa phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng về gói kích thích kinh tế mới trị giá gần 2.000 tỉ đô la, vẫn đang bế tắc và chắc chắn không đạt sự đồng thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng tới.
Eric Winograd, nhà kinh tế ở Công ty Alliance Bernstein, nói: “Các chương trình kích thích, nâng đỡ phần lớn nền kinh tế trong quí vừa qua, đã hết hạn hoặc đang hết hạn. Sư ủng hộ chính sách tài khóa đang suy yếu. Đó là một phần của lý do khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu chậm lại từ đây”.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp đang thận trọng về triển vọng kinh doanh trong những tháng phía trước.
“Chúng tôi đang thấy một số dấu hiệu khắp nền kinh tế Mỹ và thế giới cho thấy rằng một mùa đông khắp khắc nghiệt có thể đang đến”, John Greene, Giám đốc tài chính Công ty Discover Financial Services, bày tỏ.

Theo Wall Street Journal, Reuters, CNBC

Xem thêm: lmth.gnaoh-gnuhk-iohk-taoht-auhc-nav-gnuhn-cul-yk-gnourt-gnat-ym-et-hnik/970013/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế Mỹ tăng trưởng kỷ lục nhưng vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools