Ngày 29-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ tìm ra những cách thức mới để hợp tác với Indonesia ở Biển Đông. Đồng thời, tôn trọng nỗ lực của Jakarta trong việc bảo vệ vùng biển của họ và bác bỏ các yêu sách không có căn cứ của Trung Quốc trong khu vực, theo hãng tin Reuters.
Chuyến thăm của ông Pompeo đến Indonesia là một phần trong năm chuyến công du đến các quốc gia châu Á - nơi ông đang tìm cách tăng cường quan hệ chiến lược và kinh tế trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực đang leo thang.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: GETTY
Từ quan hệ chiến lược
Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia - bà Retno Marsudi, ông ca ngợi "hành động quyết đoán" của Jakarta để bảo vệ chủ quyền của mình ở vùng biển gần quần đảo Natuna, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Theo ông Pompeo, các yêu sách của Trung Quốc là "bất hợp pháp".
"Mỹ mong muốn được hợp tác với Indonesia theo những cách thức mới để đảm bảo an ninh hàng hải và bảo vệ một số tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới" - ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo trực tiếp sau cuộc gặp với ngoại trưởng Indonesia.
Bà Retno cho biết Jakarta muốn có một Biển Đông “ổn định và hòa bình”, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Trước đó, Indonesia đã nhiều lần lên tiếng phản đối lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá Trung Quốc đi vào biển Bắc Natuna.
Ngoại trưởng Indonesia cho biết nước này và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng thông qa việc cách tăng cường mua sắm quân sự, huấn luyện và tập trận, chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực.
Mặc dù có cùng quan điểm phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, các quan chức Indonesia cũng bày tỏ quan ngại về các chính sách và phát biểu cứng rắn chống Trung Quốc của Mỹ có thể khiến căng thẳng giữa hai siêu cường ngày càng gia tăng.
"Tôi nhấn mạnh lại sự cần thiết phải theo đuổi hợp tác toàn diện trong thời gian đầy thách thức này. Ngoài ra, tôi cũng đề cao ý nghĩa của việc tất cả các nước là một phần trong giải pháp chung hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới" - bà Retno nhấn mạnh.
Năm nay, Indonesia đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc cho phép các máy bay tuần tra hàng hảo P-8 Poseidon của nước này hạ cánh và tiếp nhiên liệu ở Indonesia để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc.
Đến hợp tác kinh tế
Cùng trong ngày 29-10, bà Retno cho biết đã nhắc ông Pompeo về chính sách đối ngoại "tự do và độc lập" của quốc gia lớn nhất Đông Nam Á và kêu gọi hai nước hợp tác kinh tế nhiều hơn.
Quan hệ kinh tế giữa Indonesia và Trung Quốc đã được tăng cường kể từ khi Washington xem xét giảm đối xử ưu đãi thương mại của Indonesia theo cơ sở Hệ thống ưu đãi chung (GSP). Hiện quá trình xem xét này đang diễn ra và bà Retno nói với ông Pompeo rằng cơ sở GSP rất quan trọng đối với cả hai quốc gia.
"Tôi đã khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Indonesia, bao gồm cả các dự án ở các đảo bên ngoài của Indonesia, chẳng hạn như Đảo Natuna" - bà Retno nói với các phóng viên.
Các quan chức chính phủ cấp cao cho biết trong tháng tới, Indonesia dự kiến ký hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một hiệp ước liên quan các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
Ông Pompeo cho biết ông nhận thấy được sự thâm hụt trong quan hệ kinh tế của hai nước, nhưng không cam kết duy trì việc cho phép Indonesia tiếp cận GSP - một cơ chế miễn thuế cho hơn 3.500 sản phẩm của Indonesia.
"Mỹ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng" - ông Pompeo nói.