Ngày 30/10, báo Công an TP.HCM đưa tin, cơ quan CSĐT Công an quận 3 đang tạm giữ Đoàn Gia Phú (SN 1992, quê Hà Nội), Nguyễn Hoàng Đức (SN 1984), Nguyễn Thế Vinh (SN 1990, quê Hưng Yên), Nguyễn Hùng Long (SN 1994), Trần Hải Nam (SN 1991), cùng tạm trú tại P2Q3 để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Qua công tác quản lý địa bàn, lúc 8h sáng 7/10/2020, ban chỉ huy Công an quận 3 chỉ đạo đội Cảnh sát hình sự kết hợp với Công an phường 2 của quận bất ngờ kiểm tra hành chính căn nhà số 16/55/47 Nguyễn Thiện Thuật. Lúc này, các đối tượng trên có mặt đầy đủ trong nhà. Tại đây, lực lượng công an phát hiện nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi và đưa các đối tượng về trụ sở để làm rõ.
Qua làm việc, Phú khai cuối tháng 8/2018, y rời Hà Nội vào TP.HCM để sinh sống và thuê căn nhà trên để bán điện thoại với Đức. Tuy nhiên, cả hai kinh doanh không hiệu quả.
Tháng 5/2019, cả hai bàn bạc cùng với Tố (giám đốc công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Đ.K, có trụ sở đặt tại phường Sài Đồng, Long Biên, TP.Hà Nội) chung 200-300 triệu đồng/người để hoạt động cho vay nặng lãi. Phú và Đức đứng ra tổ chức hoạt động ở TP.HCM. Cả hai thuê Vinh, Long, Nam, Vũ Xuân Kiên (SN 1988, ngụ TP.Hà Nội) giúp việc, theo báo Sài Gòn Giải Phóng.
Phú lên mạng xã hội Facebook tạo trang “Tài chính tiêu dùng...” và lấy số điện thoại Vinh làm giao dịch. Khi khách có nhu cầu vay thì gặp Vinh để tư vấn. Sau đó, Vinh sẽ đưa thông tin khách vào nhóm của mình để cho Phú coi. Phú cho Long, Nam, Kiên gặp khách cho vay. Khi gặp khách nhóm này sẽ coi khách dùng điện thoại di động gì. Nếu khách dùng điện thoại di động “xịn” thì sẽ được vay cao hơn.
Đồng thời, nhóm yêu cầu khách phải đăng xuất Icloud. Khách đồng ý thì nhóm sẽ đối Icloud rồi làm hợp đồng. Hợp đồng cho vay có hợp đồng bán điện thoại và hợp đồng cho thuê điện thoại. Nhóm chụp lại hợp đồng, chứng minh nhân dân, ảnh của khách rồi giao lại cho Phú. Sau đó, nhóm mới chịu giao tiền cho khách vay.
Cứ 5 ngày thì khách trả góp và chuyển vào tài khoản của Phú, Long. Nếu khách không có tài khoản thì nhóm này tới nhà thu tiền hoặc tới căn nhà trên đưa tiền. Để quản lý việc cho vay, Phú mua phần mềm tin học quản lý không cần ghi sổ sách.
Kiểm tra phần mềm này, công an phát hiện có 78 người vay với số tiền gần 500 triệu đồng và nhóm đã thu hơn 260 triệu đồng. Số tiền còn lại thì khách vẫn đang đóng. Bên cạnh đó, công an phát hiện có 124 người vay với số tiền hơn 725 triệu đồng đã trả nợ xong, với tổng mức thu cả gốc cả lãi là gần 907 triệu đồng.
Nhóm cho vay với số tiền từ 4 – 12 triệu đồng, lãi suất 20%/50 ngày. Khi khách trả xong nợ thì nhóm sẽ làm thủ tục thoát số Icloud. Cả hai trả cho Long, Kiên, Nam, Vinh mỗi người là 5 triệu đồng/tháng bao ăn ở.
Vinh khai ngoài được trả lương thì mỗi hợp đồng làm cho khách được cho thêm 100 ngàn đồng. Sau khi hoàn thành thủ tục cho vay xong, Vinh cho số tài khoản ngân hàng của Đức để khách hàng chuyển tiền.
Nếu khách không có tài khoản thì Vinh sẽ tới địa điểm của khách thu tiền. Lãi suất, thời hạn vay là trả trong vòng 50 ngày, 5 ngày đóng 1 lần, có các mức vay như sau: Vay 4 triệu trả 5 triệu, vay 10 triệu trả 12,5 triệu đồng, vay 20 triệu trả 24 triệu đồng. Khi khách hàng không đóng hoặc đóng trễ thì Vinh sẽ khóa Icloud lại, khách hàng đóng thì Vinh đưa lại Icloud cho khách hàng.
Long khai được Phú trả lương 8 triệu đồng/tháng bao ăn ở. Mỗi hợp đồng Long ký với khách được trả thêm 100 ngàn đồng. Long đi làm hợp đồng cho khách vay. Khi hồ sơ khách hoàn tất, Phú chuyển tiền cho Long rồi rút ra đưa cho khách vay hoặc chuyển vào tài khoản của khách.
Long còn cung cấp cho khách số tài khoản của mình tại các ngân hàng để khách hàng chuyển tiền trả. Nam khai được trả 6 triệu đồng/tháng kèm hồ sơ ăn theo 100 ngàn. Riêng Kiên hiện đang sinh sống tại Hà Nội nên công an sẽ tiếp tục làm rõ.
Han (t/h)