Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 9-3-2020 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đã liên tục duy trì sắc đỏ trong các phiên giao dịch trong khi cả Mỹ và châu Âu đều chứng kiến những kỷ lục đáng lo ngại của dịch bệnh.
Tại châu Âu, Bỉ là quốc gia mới nhất công bố siết chặt các quy định hạn chế phòng dịch sau khi Pháp và Đức phát các thông cáo tương tự trong tuần này.
Mặc dù một số dữ liệu kinh tế của Mỹ cũng đã khởi sắc hơn cho tới nay, trong đó có mức tăng kỷ lục của tỉ lệ tăng trưởng kinh tế quý ba vừa công bố ngày 29-10, song giới đầu tư vẫn rất lo lắng khi số ca bệnh mới tăng vọt theo ngày.
Tình trạng dịch bệnh bùng lên từ giữa tháng 10 ở Mỹ đang khiến các bệnh viện tại một số khu vực căng thẳng, đặc biệt ở miền nam và trung tây.
Theo số liệu thống kê của ĐH Johns Hopkins, tính tới ngày 30-10, Mỹ đã vượt qua 9 triệu ca bệnh COVID-19 đã được ghi nhận cho tới nay, chính xác là 9.007.298 ca.
Trong khi đó thống kê thời gian thực của trang Worldometers lúc 6h45’ sáng nay 31-10 cho thấy nước Mỹ đã có 9.313.308 ca COVID-19.
Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán có thể sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực nhất định với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mức giảm 5,6% tuần này của chỉ số S&P 500 cho thấy trong khoảng từ 31-7 đến 31-10 chỉ số này đã mất 0,6%.
Theo chuyên gia phân tích đầu tư Sam Stovall của công ty CFRA Research, những diễn biến liên quan tới chỉ số S&P trong giai đoạn trước bầu cử thường là một chỉ dấu cho biết đảng đang nắm quyền hiện tại có thể duy trì thế kiểm soát Nhà Trắng của họ hay không.
Ông Stovall cho rằng mức sụt giảm của chỉ số S&P có thể là tín hiệu cho thấy, nhưng không đảm bảo, một chiến thắng cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Dù vậy, trong lịch sử cũng đã ghi nhận một lần tình thế đã không diễn ra như vậy vào năm 1980. Đó là khi Tổng thống Jimmy Carter thất bại trước ứng cử viên Ronald Reagan bất chấp việc chứng khoán Mỹ vẫn tăng trong giai đoạn ngay trước bầu cử.
Các chỉ số chứng khoán lớn khác của Mỹ đều đã giảm điểm khi chốt phiên ngày 30-10. Trong đó chỉ số Down giảm 0,6% còn 26.501,60 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 1,2% còn 3.269,96 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 2,5% còn 10.911,59 điểm.
TTO - Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương vào cuối ngày hôm qua và sáng nay đều chứng kiến sự lao dốc của giá cổ phiếu. Nhà đầu tư lo ngại sự bùng phát của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đến kinh tế toàn cầu.