'Tất cả vấn đề về tự chủ đại học phải tuân theo quy định của pháp luật'
Đào Loan
(TBKTSG Online) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo lập đoàn làm việc do cấp Thứ trưởng dẫn đầu vào làm việc về những vấn đề liên quan đến tự chủ đại học tại trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM) trong thời gian vừa qua.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp vào danh sách Top 701-800 trong bảng xếp hạng các trường đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2020. Ảnh minh họa: TTXVN |
Thúc đẩy tự chủ về chuyên môn của trường đại học
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cung cấp thông tin nêu trên tai hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, diễn ra ngày 31-10. Đánh giá về vấn đề tự chủ đại học, một trong những vấn đề quan trọng của ngành giáo dục và thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải đẩy mạnh tự chủ đại học để các trường có thể tự chủ về chuyên môn.
"Trường đại học không chỉ là nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra tri thức. Muốn thế, trường phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ cho việc tự chủ về chuyên môn", ông Vũ Đức Đam nói.
Trong quá trình thực hiện tự chủ đại học dù đã xảy ra một số vấn đề nhưng nhiều trường đã thực hiện được. Liên quan đến vấn đề này, gần đây, có câu chuyện của trường Đại học Tôn Đức Thắng và Phó Thủ tướng đã chỉ đạo lập đoàn làm việc kiểm tra để xem xét việc đúng - sai của trường này.
"Tôi đã giao cho Bộ giáo dục và Đào tạo lập đoàn do Thứ trưởng đứng đầu vào làm việc, đánh giá vụ việc ở trường Tôn Đức Thắng. Tất cả vấn đề về tự chủ phải tuân theo những quy định của pháp luật", ông nói.
Trong họp báo thường kỳ Chính phủ thường ký tháng 10-2020, đại diện Bộ Nội vụ đã thông tin một vấn đề liên quan đến trường này, đó là về tính hợp lý của khoản lương 556 triệu đồng mỗi tháng của ông Lê Vinh Danh, cựu hiệu trưởng trường. Theo đó, Bộ lao động và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét kỹ tính hợp lý của khoản lương.
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thông tin về 6 vấn đề sai phạm, khuyết điểm của ông Lê Vinh Danh. Trong đó, đề cập đến thu nhập 556 triệu đồng mỗi tháng của ông Lê Vinh Danh, cơ quan này cho rằng việc chi trả lương như vậy chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có sự chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng, các hiệu phó và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới
Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục hôm 31-10 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020; thống nhất phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.
Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nhiều kết quả nổi bật ngành giáo dục đạt được trong năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020. Theo ông, ngành giáo dục đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình để đạt được những tiến bộ toàn diện trên nhiều mặt. "Có thể, giáo dục năm nào cũng có “chuyện nọ, chuyện kia” nhưng nếu chỉ nhìn từng vụ việc thì sẽ theo hướng cực đoan. Chúng ta không thể vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết trong quá trình đổi mới mà làm mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục", ông nói.
Cố gắng để học sinh vùng lũ có sách vở đến trường Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết trong đợt lũ tại các tỉnh miền Trung, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hàng chục giáo viên, học sinh thiệt mạng. Nhiều trường học ngập sâu. Thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi, mất mát và hư hỏng nặng. Sau bão, hầu hết các em học sinh ở vùng lũ đều bị thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập. “Phải cần nhiều thời gian mới có thể khắc phục được những thiệt hại này. Nhưng ngay đây, học sinh cần sách vở để đến trường, cơ sở vật chất cần được khắc phục sớm để ổn định việc dạy và học. Trước mắt, các nguồn ủng hộ sẽ tập trung cho việc tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ, cố gắng đảm bảo tất cả học sinh có sách, vở đến trường,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. Các nguồn ủng hộ cũng sẽ được sử dụng để khắc phục một phần khó khăn, thiếu thốn về bàn ghế, thiết bị, đồ dùng học tập. Bộ trưởng cũng đề nghị lực lượng cán bộ, giáo viên toàn ngành thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thường xuyên để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh vùng lũ, học sinh vùng dân tộc, miền núi và học sinh khó khăn nói chung. Theo TTXVN |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương nỗ lực của hơn 1,3 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng triệu cựu giáo viên đã dồn tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đồng thời, ông ghi nhận nỗ lực của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân luôn dành sự quan tâm lớn cho giáo dục.
Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng, tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo để có đủ trường lớp, giáo viên, học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi. Đồng thời, giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào ở các cấp học.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục mà điều cụ thể đầu tiên là từng cơ sở giáo dục phải là thiết chế biểu tượng của văn hóa. Cùng với đó, giáo dục phải hội nhập quốc tế, điều gì đã là xu hướng thế giới thì nhất định không đi ngược lại.
Ông lưu ý để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia vào công cuộc đổi mới giáo dục, ngành Giáo dục cần hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý trên tinh thần tôn trọng để tiếp thu nghiêm túc.
Phó Thủ tướng cho rằng đổi mới giáo dục là một quá trình, không chỉ trong 1-2 năm. Chỉ riêng đổi mới thi cử đã mất 6 năm. Sách giáo khoa mới bước vào năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên trục trặc xảy ra là không tránh khỏi. Điều quan trọng, chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Do vậy, ngay từ năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa mới, ngành Giáo dục cần nghiêm khắc chấn chỉnh những mặt còn chưa tốt và tiếp tục kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại hội nghị rằng: “Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần hai tháng so với những năm học trước”.
Năm học 2019-2020 là năm bản lề quan trọng của ngành giáo dục để chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 trên cả nước. Nhiều nhiệm vụ được đặt ra như phải hoàn thành việc bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị đội ngũ; chuẩn bị cơ sở vật chất; thẩm định và ban hành sách giáo khoa lớp 1, tập huấn sử dụng sách cho các thầy cô giáo...
Trong khi có rất nhiều việc cần triển khai thì dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến ngành giáo dục có thêm một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên. Mục tiêu kép được lãnh đạo ngành đặt ra là an toàn trước dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đào tạo.
Mời đọc thêm:
Bộ Nội vụ thông tin tiền lương của cựu hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng