Theo hãng tin AFP, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 31-10 cho biết giai đoạn mà thời tiết thế giới nóng lên nhanh nhất là bảy năm qua – từ năm 2015 đến năm 2021, và đà nóng này đang tiếp diễn nguy hiểm.
Tổ chức này cảnh báo rằng Trái đất đang tiến vào “lãnh thổ chưa được khám phá”.
Liên Hợp Quốc báo động thời tiết thế giới nóng lên nhanh nhất trong 7 năm qua. Ảnh: SCMP
Công bố báo cáo khí hậu sơ bộ trong bối cảnh Hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc bắt đầu khai mạc, WMO hôm 31-10 lưu ý rằng sự nóng lên toàn cầu do phát thải khí nhà kính gây ra "những hậu quả sâu rộng đối với các thế hệ hiện tại và tương lai".
Dựa trên dữ liệu chín tháng đầu năm, WMO cho biết năm 2021 đứng ở giữa năm thứ năm và năm thứ bảy nóng nhất từng được ghi nhận, mặc dù hiệu ứng làm mát của hiện tượng La Nina đã làm giảm nhiệt độ vào đầu năm.
AFP dẫn lời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: "Từ biển sâu đến núi cao, từ sông băng tan chảy đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên tục, các hệ sinh thái và cộng đồng trên toàn cầu đang bị tàn phá".
Ông Guterres nói thêm rằng Hội nghị khí hậu COP26 kéo dài hai tuần “phải là một bước ngoặt đối với con người và hành tinh”.
WMO phát hiện ra rằng nhiệt độ trung bình của năm 2021 cao hơn khoảng 1,09 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, AFP đưa tin.
Theo tổ chức này, nhiệt độ trung bình trong 20 năm qua (2002-2021) lần đầu tiên vượt ngưỡng biểu tượng là 1 độ C so với giữa thế kỷ 19, khi con người bắt đầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp.
Điều này sẽ “là mối quan tâm của các đại biểu dự COP26 với mong muốn giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên trong giới hạn đã thỏa thuận tại Paris sáu năm trước” – ông Stephen Belcher, nhà khoa học tại Văn phòng Khí tượng Anh, cho biết.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đồng ý giới hạn mức độ nóng lên toàn cầu ở mức "thấp hơn" 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và ở mức 1,5 độ nếu có thể.
Kể từ đó, thế giới đã chứng kiến nhiều thảm họa thời tiết bao gồm cháy rừng kỷ lục trên khắp Úc và Siberia, một đợt nắng nóng kỷ lục trong hàng nghìn năm ở Bắc Mỹ và lượng mưa cực lớn gây ra lũ lụt kinh hoàng ở châu Á, châu Phi, Mỹ và châu Âu.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Các sự kiện cực đoan trở thành thông lệ mới. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy một số trong số này mang dấu vết của sự thay đổi khí hậu do con người gây ra".
Theo AFP, báo cáo khí hậu là một bản tóm tắt về sức khỏe hành tinh, bao gồm nhiệt độ, thời tiết khắc nghiệt, sông băng thu hẹp và băng tan.
Sự axit hóa đại dương do sự hấp thụ khí CO2 của biển là “chưa từng có” trong ít nhất 26.000 năm, WMO cho biết thêm rằng điều này sẽ làm giảm khả năng hấp thụ nhiều khí carbon của các đại dương.
Trong khi đó, mực nước biển dâng - chủ yếu do nước biển ấm lên và sự tan chảy của băng trên đất liền - đã ở mức cao mới.
AFP dẫn lời ông Jonathan Bamber - giám đốc trung tâm Bristol Glaciology - nhận định báo cáo này “gây sốc và quan ngại sâu sắc, đồng thời là một lời cảnh tỉnh nữa đối với các nhà lãnh đạo thế giới rằng không còn nhiều thời gian để đàm phán”.
Ông Bamber cho biết theo quỹ đạo hiện tại, mực nước biển dâng có thể vượt quá hai mét vào năm 2100, có thể khiến khoảng 630 triệu người trên toàn thế giới phải di tản.
“Hậu quả của việc đó là không thể tưởng tượng được. Điều cần thiết bây giờ tất cả các quốc gia phải đưa ra hành động sâu rộng và toàn diện nhằm hạn chế biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn" - Bamber nhấn mạnh.