vĐồng tin tức tài chính 365

Cần 800.000 tỷ đồng phục hồi và phát triển kinh tế

2021-11-02 10:57

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có Tờ trình về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, đề xuất chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 gồm 4 chương trình thành phần.

Trước tiên, chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mục tiêu trọng tâm là mở cửa lại nền kinh tế chắc chắn, ổn định và an toàn; đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Chương trình thành phần này còn hướng đến hoàn thiện quy định hướng dẫn phòng, chống dịch, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh liên tục với chi phí hợp lý, giảm tối đa chi phí tăng thêm có thể có.

Tiếp đến là chương trình an sinh xã hội và việc làm. Mục tiêu trọng tâm là bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, các đối tượng xã hội sớm vượt qua khó khăn. Những chính sách trong chương trình này góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân, qua đó có tác động kích cầu đối với hàng hóa tiêu dùng.

Trong đó, về hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến hỗ trợ một lần, bằng tiền mặt đối với trường hợp là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động tự do trên cả nước. Mức hỗ trợ dự kiến là 2 triệu đồng/người và thực hiện ngay vào 1 đầu năm tới, góp phần kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên Đán, tạo niềm vui, phấn khởi cho người dân. Dự kiến số người sẽ hỗ trợ là 10,6 triệu người và kinh phí dự kiến 21.200 tỷ đồng.

Đồng thời, chính sách còn hỗ trợ một lần chi phí sinh hoạt cho lao động có thu nhập thấp đang làm việc, lao động ngoại tỉnh đến làm việc trong các doanh nghiệp, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người; áp dụng từ tháng 1/2022. Dự kiến 6 triệu người được hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến là 12.000 tỷ đồng.

Thứ ba, chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mục tiêu trọng tâm là giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Dự kiến chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các doanh nghiệp là giảm thuế, phí; cắt giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời cấp bù lãi suất cho các đối tượng ưu tiên trong một số ngành, lĩnh vực; tạo cơ chế, chính sách cho Tổng Công ty đầu tư và quản lý vốn nhà nước (SCIC) mua lại, đầu tư vào doanh nghiệp trong một số ngành quan trọng đang gặp khó khăn do Covid-19 .

Chính sách theo hướng đa mục tiêu, vừa giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, vừa khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu trong nước, chuyển đổi số. Kinh phí dự kiến thực hiện chính sách này dự kiến khoảng 370.000 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp vận tải hàng không, đường sắt dự kiến được bảo lãnh Chính phủ cho khoản vay của doanh nghiệp để bổ sung dòng tiền thực hiện cơ cấu lại và đầu tư mới, đầu tư mở rộng; hỗ trợ một số loại thuế, phí đặc thù.

Doanh nghiệp vận tải đường bộ được giãn, giảm, hỗ trợ phí dịch vụ cảng biển, bến bãi, cầu đường, phí bảo trì đường bộ; giảm thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải. Qua đó, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa giảm chi phí logistics của nền kinh tế.

Ngành du lịch được thực hiện quảng bá, tổ chức sự kiện văn hóa du lịch, phát triển du lịch an toàn, hỗ trợ chi phí bảo hiểm Covid-19, xét nghiệm để kích cầu du lịch; giảm giá điện năm 2022 và thực hiện giá điện sản xuất cho cơ sở lưu trú du lịch theo Nghị quyết 08/2017 của Bộ Chính trị, một số loại phí, hỗ trợ đào tạo lại lao động.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản được hỗ trợ chi phí đầu vào như phân bón, giống, máy móc phục vụ sản xuất; thúc đẩy sản xuất bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ số; chủ động điều tiết sản xuất theo diễn biến thị trường; hỗ trợ thu mua lúa gạo.

Hoạt động chế biến nông, lâm, thủy sản được hỗ trợ tiền điện, phí kiểm tra chuyên ngành, vận chuyển một số loại nông sản bằng đường hàng không để giảm chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa.

Về hỗ trợ chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh cũng xây dựng các chương trình tư vấn, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn đầu thực hiện chuyển đổi số, khởi nghiệp; hoàn thành hệ thống Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Cuối cùng là chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Mục tiêu trong ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy đầu tư ngoài nhà nước; trong dài hạn nhằm phát triển và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ. Dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình thành phần này khoảng 220.000 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư tính toán tổng nguồn lực để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 là 800.000 tỷ đồng. Việc huy động nguồn lực dự kiến từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, nguồn phát hành trái phiếu chính phủ, huy động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay từ các định chế tài chính.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư tính toán chương trình được thực hiện sẽ góp phần làm GDP giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng ở mức 6,5-7%/năm, cao hơn 1 điểm phần trăm so với việc không thực hiện chương trình. Việc huy động các nguồn lực thực hiện chương trình làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.

Ngọc Hà

NDH

Xem thêm: nhc.70844250120111202-et-hnik-neirt-tahp-av-ioh-cuhp-gnod-yt-000008-nac/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cần 800.000 tỷ đồng phục hồi và phát triển kinh tế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools