Các lọ vắc xin Pfizer dành cho trẻ em - Ảnh: REUTERS
Nếu người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ chấp thuận khuyến nghị của ủy ban, việc tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ diễn ra ngay trong tuần này, theo báo New York Times.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trước đó đã cho phép tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech cho nhóm tuổi trên.
Dự đoán được quyết định của FDA và CDC, chính quyền Joe Biden đã chuẩn bị ít nhất 20.000 bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình và kêu gọi sự hỗ trợ từ chuỗi bán dược phẩm trên khắp nước Mỹ. Khoảng 15 triệu liều vắc xin đã được đóng gói, bảo quản theo tiêu chuẩn và chuyển đến các điểm tiêm chủng trước cả khi CDC chính thức chấp thuận.
Theo khuyến nghị của FDA, trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm liều 10 microgram, bằng 1/3 liều của nhóm từ 12 tuổi trở lên. CDC ước tính nếu tiêm 1 triệu liều cho trẻ em từ 5-11 tuổi, có thể ngăn được 58.000 ca bệnh và 226 ca nhập viện trong độ tuổi này.
Quan trọng hơn, tiêm chủng sẽ làm giảm bớt sự lo lắng của nhiều bậc cha mẹ, những người đang đau đầu tìm cách bảo vệ con cái và thất vọng vì trường học thường xuyên đóng cửa, phong tỏa.
Đợt bùng phát dịch mới tại Mỹ đã buộc 2.000 trường học phải đóng cửa từ đầu tháng 8 đến tháng 10 vừa qua. Ước tính có khoảng 28 triệu trẻ từ 5-11 tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin tại Mỹ.
Phun khử khuẩn tại nhà ga xe lửa Kazansky ở Nga ngày 2-11 - Ảnh: REUTERS
Theo một dữ liệu thử nghiệm lâm sàng do Pfizer/BioNTech công bố, vắc xin COVID-19 của hãng cho hiệu quả chống lại virus tới 90,7% ở nhóm 5-11 tuổi. Việc được CDC chấp thuận tiêm sẽ làm tăng doanh thu của hãng trong thời gian tới vì một số nước sẽ xem xét kinh nghiệm của Mỹ.
Ngay trước thềm cuộc họp của ủy ban cố vấn CDC, Pfizer tuyên bố doanh thu dự báo từ vắc xin COVID-19 của hãng sẽ tăng 7,5% lên mức 36 tỉ USD. Pfizer giải thích do có thêm nhiều hợp đồng cung cấp liều tăng cường cho các nước và vắc xin của hãng được chấp thuận sử dụng cho nhiều nhóm tuổi.
Trong bối cảnh Pfizer đang "ăn nên làm ra" nhờ vắc xin, một số hãng dược khác đang chật vật tìm thị trường, trong đó có các nhà sản xuất thuốc điều trị COVID-19.
Ngày 2-11, hãng Eli Lilly đã rút lại yêu cầu Liên minh châu Âu phê duyệt phương pháp điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể của mình. Nguyên nhân là do các quốc gia thành viên EU không thể hiện sự mặn mà với thuốc điều trị của Eli Lilly và quan tâm đến các hãng dược khác.
Cũng tại châu Âu, Chính phủ Hà Lan đã tái áp đặt một số biện pháp chống dịch để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới. Trong số các biện pháp này có yêu cầu đeo khẩu trang, mở rộng yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng đến các địa điểm công cộng nhằm tăng tỉ lệ tiêm chủng.
Khoảng 84% dân số Hà Lan trưởng thành đã được tiêm chủng, theo Hãng tin Reuters. Tuy nhiên số ca nhiễm tại nước này đang tăng mạnh trở lại, báo hiệu một đợt bùng phát mới tại châu Âu. Tính đến ngày 2-11, số ca nhiễm mới đã tăng gần 40% so với tuần trước, đẩy tỉ lệ mắc bệnh lên hơn 300 ca nhiễm trên 100.000 người.
TTO - Hãng dược Shionogi của Nhật sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin COVID-19 ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác trong tháng này, giám đốc điều hành (CEO) Isao Teshirogi xác nhận vào ngày 1-11.