Theo Paul Mikesell, nhà sáng lập của hãng Carbon Robotics, hàm lượng dinh dưỡng trong rau đã giảm 40% trong vòng 2 thập kỷ qua và mức độ màu mỡ của đất đang ngày càng suy giảm do việc lạm dụng thuốc diệt cỏ. Không những thế, việc liên tục phun hóa chất cũng tác động lâu dài đến sức khỏe của người nông dân. Nhưng nếu không làm sạch cỏ dại, một nửa sản lượng nông nghiệp có thể sẽ biến mất.
Không những thế, cỏ dại ngày càng khó tiêu diệt hơn, vì các loại cỏ kháng thuốc vẫn tiếp tục sinh sôi, buộc các nhà sản xuất thuốc diệt cỏ phải tạo ra các loại hóa chất ngày càng mạnh hơn. Càng lạm dụng các loại hóa chất này, sức khỏe nông dân càng ảnh hưởng xấu – nhiều tin đồn cho biết các hóa chất như glyphosate hay paraquat trong thuốc diệt cỏ có thể dẫn tới ung thư hoặc bệnh Parkinson – cũng như làm suy kiệt nguồn đất.
Giải pháp là một công nghệ diệt cỏ mới, không phải bằng hóa chất mà là bằng laser. Ông Mikesell cho biết trong một cuộc phỏng vấn với trang TechFirst: "Điều chúng tôi phát hiện ra từ sớm là thông qua việc sử dụng các hệ thống năng lượng mật độ cao – như laser, về cơ bản là một cách truyền tải năng lượng tập trung – chúng ta có thể tiêu diệt cỏ dại. Và chúng tôi có thể làm vậy nhờ chuyên môn về trí tuệ nhân tạo học sâu và thị giác máy tính … cho phép chúng tôi xác định theo thời gian thực đâu là cỏ dại, đâu là cây trồng … và tiêu diệt cỏ dại. Hoàn toàn loại bỏ chúng."
Kết hợp tất cả các công nghệ này là một chiếc xe khổng lồ có tên Laserweeder – một cỗ máy diệt cỏ tự hành nặng khoảng 4,5 tấn. Nó được trang bị khoảng 8 đầu laser công suất 150W, thường được dùng để cắt kim loại. Các đầu laser đều hoạt động độc lập và có thể bắn ra 20 phát mỗi giây. Chúng được dẫn đường bởi 12 camera độ phân giải cao kết nối với các hệ thống AI để phân biệt cây trồng với cỏ dại.
Sự thông minh của hệ thống AI trên Laserweeder còn cho phép người nông dân luân canh. Nghĩa là ban đầu, bạn diệt hết cỏ dại để có thể trồng cà rốt và sau đó thu hoạch chúng để bán. Sau đó, sẽ đến mùa trồng hành tây, và lúc này, những củ cà rốt còn vương vãi trên cánh đồng lại trở thành cỏ dại và cần được làm sạch để có thể trồng được hành tây. Laserweeder thực sự phân biệt được nó đang nhìn vào cái gì và nói: "Giờ là lúc trồng hành tây, vậy hãy loại bỏ chỗ cà rốt này."
Không những thế, Laserweeder còn có khả năng tự hành khi di chuyển nhờ thị giác máy tính, tự tìm các luống cây trên cánh đồng, tự định vị thông qua GPS và xác định các chướng ngại vật thông qua hệ thống LiDAR.
Với tốc độ 8km/giờ, cỗ máy này có thể dọn sạch một diện tích từ 6 đến 8 hecta mỗi ngày. Không chỉ ban ngày, với hệ thống đèn công suất lớn để chiếu sáng các luống cây trên đất, cỗ máy này có thể hoạt động cả vào ban đêm.
Cho dù cỗ máy này có thể tự hành trên cánh đồng, nó vẫn cần đến sự can thiệp của con người khi di chuyển giữa các cánh đồng hoặc các công việc phức tạp hơn, và Carbon Robotics có xu hướng thiên về sự an toàn nhiều hơn. Nông dân có thể đặt ra các hàng rào về GPS để cỗ máy này không vượt qua được.
Các đốm sáng li ti dưới mặt đất là những ngọn cỏ dại bị tia laser của Laserweed đốt cháy
Bên cạnh các lợi ích về sức khỏe lâu dài cho người nông dân cũng như đất đai, cỗ máy này còn mang lại lợi ích kinh tế. Thuốc diệt cỏ vốn đắt đỏ và đang ngày càng trở nên đắt hơn, vì vậy việc diệt cỏ dại mà không cần đến các loại hóa chất này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể cho người làm nông nghiệp.
Theo Mikesell, Laserweeder mới chỉ là sự khởi đầu của một xu hướng mới: tự động hóa trong ngành nông nghiệp. Những tiến bộ của ngành công nghệ đang lan tỏa sang các lĩnh vực khác, với những hệ thống AI, thị giác máy tính … không chỉ được nhắc đến trong ngành công nghệ điện toán mà bắt đầu được ứng dụng trong các lĩnh vực cốt lõi khác của cuộc sống.
Hiện xe Laserweeder của Carbon Robotics hiện đã vượt qua giai đoạn chế tạo nguyên mẫu và bắt đầu bước vào giai đoạn thương mại hóa. Công ty đã huy động được 27 triệu USD cho vòng gọi vốn series B để đầu tư mở rộng hoạt động bán hàng, hỗ trợ, kỹ thuật và tiếp thị rộng rãi hơn. Cho đến nay, doanh số chủ yếu của công ty mới chỉ đến từ phương pháp truyền miệng.
Tham khảo Forbes
Nguyễn Hải
Pháp luật và bạn đọc