Tờ South China Morning Post ngày 3-11 dẫn báo cáo mới đây của một tổ chức tại Trung Quốc cho thấy Mỹ đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Biển Đông trong năm nay.
Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) - tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh - cho biết quân đội Mỹ đã thực hiện 52 chuyến bay do thám trên Biển Đông trong tháng 10.
Các tàu chiến của Anh, Nhật, Mỹ tập trận tại biển Philippines. Ảnh: SCMP
Theo SCSPI, số chuyến bay do thám của Mỹ trong tháng 10 đã giảm so với mức 62 chuyến bay được ghi nhận hồi tháng 9, song các hoạt động quân sự khác của Washington ở Biển Đông đang được tăng cường.
SCSPI hôm 2-11 cho biết quy mô các hoạt động đã tăng lên sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ và tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tiến hành các cuộc tập trận tại khu vực hồi tháng trước.
Tổ chức này cho biết thêm rằng nhóm tàu sân bay Mỹ trong năm nay đã đi vào khu vực Biển Đông chín lần.
Theo SCSPI, Mỹ đã thực hiện hơn 500 chuyến bay do thám trên Biển Đông trong năm nay. Nếu tính thêm cả các hoạt động tương tự của Washington tại khu vực biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, tổng số chuyển bay do thám vượt hơn 2.000 lượt.
Năm 2020, Mỹ thực hiện ít hơn 1.000 chuyến bay, tổ chức này cho hay.
Bên cạnh nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson, SCSPI cho biết Mỹ đã triển khai ba nhóm tác chiến tàu sân bay khác - Theodore Roosevelt, Nimitz và Ronald Reagan - tới Biển Đông trong năm nay.
Cùng hai tàu tấn công đổ bộ, USS Makin Island và USS Essex, các tàu hải quân Mỹ đã đi qua Biển Đông 11 lần trong năm nay, theo tổ chức này.
SCSPI cho biết Mỹ trong năm nay đã 14 lần triển khai máy bay ném bom B-52H và B-1B tại Biển Đông, cùng 11 tàu ngầm hạt nhân.
Theo South China Morning Post, căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phía Trung Quốc đã phản đối việc Mỹ hợp tác cùng các đồng minh, gồm Anh, Đức và Canada, hoạt động tại Biển Đông.
Phía Washington cho biết những hoạt động đó là cần thiết để đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Biển Đông, song Bắc Kinh cho rằng các hoạt động này vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.