Dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành nghề bị chững lại, phải cắt giảm hoặc cho người lao động nghỉ luân phiên. Tuy nhiên có những ngành nghề vẫn đứng vững, không hề giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự, thậm chí còn tăng nhẹ.
Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội) - cho hay, một số lĩnh vực như Công nghệ thông tin, Ngân hàng... vẫn có xu hướng tuyển dụng tăng. Nhân sự trong các lĩnh vực này vẫn tăng nhẹ, lao động có cơ hội việc làm mới.
Theo ông Thành, nhu cầu nhân lực trong ngành Công nghệ thông tin chưa bao giờ giảm nhiệt. Doanh nghiệp cần nguồn lao động trình độ cao để có thể tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến.
Còn theo báo cáo thị trường của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Hiện tại, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam là 430.000, tương đương với việc đang thiếu hụt 20.000 nhân lực. Nguyên nhân thiếu hụt được cho là xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh.
Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin chưa bao giờ giảm nhiệt. (Ảnh minh họa)
Được biết hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người.
Nói thêm về Công nghệ thông tin thì những năm gần đây, nó là một trong những ngành rất hot, thu hút lượng lớn sinh viên theo học. Tại những trường đại học top đầu như Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân,... điểm đầu vào ngành luôn ở mức cao ngất ngưởng.
Ngành Công nghệ thông tin đem lại mức thu nhập tốt
Hiểu một cách đơn giản thì Công nghệ thông tin là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền và thu thập thông tin. Người làm việc trong ngành này thường được gọi là IT (Information Technology).
Mục đích của khối khoa học tổng hợp liên ngành này là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Khi học ngành Công nghệ thông tin sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về: Khoa học máy tính; Công nghệ phần mềm; Kỹ thuật máy tính; Hệ thống thông tin; Mạng máy tính và truyền thông; An toàn thông tin mạng.
Sinh viên ra trường có thể đảm nhiệm các chức vụ như: Lập trình viên phần mềm; Kiểm duyệt chất lượng phần mềm; Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính; Chuyên gia quản lý, điều phối các dự án công nghệ thông tin,...
Theo khảo sát từ các trang tin tuyển dụng, hiện tại, lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam dao động trong khoảng 10 – 25 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, ở phân khúc lập trình web, các lập trình viên có mức lương 8 – 13 triệu đồng cho lập trình viên front-end và 11 – 15 triệu đồng cho lập trình viên back-end. Trong khi đó, các vị trí quản lý có mức lương cao dao động 30 – 66 triệu đồng và xu hướng vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Một số tin tức tuyển dụng Kỹ sư phần mềm.
Nếu bạn có chuyên môn cao và khả năng làm việc nhạy bén, không ngừng sáng tạo thì mức lương còn có thể cao hơn nữa. Dự kiến trong vài năm tới, nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin vẫn sẽ tăng cao do yêu cầu chuyển đổi số.
THANH HƯƠNG
PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC