Cuộc duyệt binh ngày 7-11-1941 tại Quảng trường Đỏ - Ảnh: RIA
Đầu tháng 11, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở Nga liên tục tăng cao. Các thành phố lớn như Matxcơva và Saint Petersburg buộc phải đóng cửa toàn bộ trường học, cửa hàng, nhà hàng... Nhiều sự kiện kỷ niệm như lễ diễu binh ngày 7-11 không thể tổ chức.
Theo phóng viên VTV tại Nga, trước thềm ngày 7-11 - ngày cuối cùng của tuần lễ không làm việc (do dịch COVID-19), người dân và du khách vẫn đến Quảng trường Đỏ khá đông.
Thời Liên bang Xô Viết, lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 7-11 là một truyền thống, đồng thời là sự kiện chính kỷ niệm Cách mạng tháng 10 (ngày 7-8 tháng 11 năm 1917).
Nhưng mùa thu năm 1941 là khoảng thời gian đặc biệt, bởi đây là thời khắc ngay trước thềm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của người Nga (1941-1945). Trong bối cảnh quân phát xít Đức tiến công như vũ bão, nhiều người cho rằng Liên Xô không thể nào tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng 10 vào năm đó.
Cuối tháng 10 - đầu tháng 11-1941, Hồng quân Liên Xô phải chiến đấu giữ từng tấc đất khi quân Đức chỉ còn cách thủ đô Matxcơva chừng 70-100km. Ngay trong nội đô Matxcơva, người ta đã cài mìn các nhà máy, cầu đường... chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Tình hình phức tạp như vậy nhưng lãnh đạo Liên Xô ngày 24-10 vẫn quyết định tổ chức lễ duyệt binh với mục đích củng cố tinh thần cả nước. Công tác chuẩn bị được giữ bí mật tối đa, mãi đến 11h đêm ngày 6-11 mới thông báo cho chỉ huy các đơn vị quân sự tham gia.
Vì lo quân Đức sẽ không kích vào ngày duyệt binh, không quân Liên Xô đã tiến hành tấn công phủ đầu các sân bay của địch từ ngày 5-11. Đến ngày 7-11, máy bay Đức quả thật tìm cách xâm nhập Matxcơva, nhưng do thời tiết xấu cùng với sự bảo vệ của Quân đoàn tiêm kích số 6 và lực lượng phòng không Matxcơva, không có đơn vị nào của Đức vào tới Quảng trường Đỏ.
Cuộc duyệt binh tháng 11-1941 là sự kiện bất ngờ với cả thế giới. Từ Quảng trường Đỏ, radio bắt đầu phát sóng trực tiếp khi mọi thứ đã diễn ra. Các sử gia kể lại Hitler khi đó ở Berlin đã nổi giận đùng đùng khi vô tình mở đài và biết được người Nga tổ chức duyệt binh.
Sau đó một tháng, Hồng quân Liên Xô tổ chức phản công từ cửa ngõ Matxcơva và cho phát xít Đức nếm mùi thất bại đầu tiên. Kế hoạch "chiến tranh chớp nhoáng" của Hitler chống lại Nga xem như thất bại.
Ở góc độ tinh thần, ảnh hưởng của cuộc duyệt binh ngày 7-11-1941 đối với phần còn lại của cuộc chiến là hết sức lớn lao, có thể so sánh với chiến thắng của một chiến dịch quan trọng.
Từ ngày 13-3-1995, Liên bang Nga quy định ngày 7-11 hàng năm là ngày lễ Vinh quang chiến đấu. Những Hồng quân đã từng tham gia duyệt binh năm 1941 thề sẽ luôn xuất hiện ở Quảng trường Đỏ vào ngày này, chỉ cần ngày nào có người còn sống.
Khoảng 10 năm trở lại đây, không chỉ các cựu binh mà cả cháu, chắt của họ cũng tham gia lễ kỷ niệm ở Quảng trường Đỏ.
Bà Yulia Zontikovaya - người dân Moscow - trả lời VTV: "Năm nào vào dịp này, gia đình chúng tôi cũng cùng bạn bè có mặt xem diễu binh, tham gia các hoạt động mang tính truyền thống lịch sử. Giờ thì đành đợi khi COVID-19 kết thúc".
TTO - Ngày 26-10, Nga ghi nhận thêm 1.106 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ, nhiều nhất kể từ khi đại dịch bùng nổ. Chính phủ nước này đã phải tái áp đặt các quy định phong tỏa một phần vì số ca nhiễm mới tăng cao gần đây.
Xem thêm: mth.56711930170111202-91-divoc-iv-agn-iat-01-gnaht-gnam-hcac-mein-yk-gnod-taoh-ueihn-yuh/nv.ertiout